09/12/2024

Chúa Nhật XXI TN B – 2024: Chúa Giêsu hoá giải cuộc xung đột giữa vật chất và tinh thần

Chúa Nhật XXI TN B – 2024

Chúa Giêsu hoá giải cuộc xung đột
giữa vật chất và tinh thần

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước, chúng ta suy niệm về cuộc chuyển hoá vật chất thành tinh thần trong đời sống qua máu thịt của Chúa Giêsu. Người phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”. Tuy nhiên, người ta thấy “lời này chướng tai quá. Ai mà nghe nổi!”. Thậm chí nhiều môn đệ của Chúa Giêsu cũng như nhiều tín hữu Kitô giáo ngày nay rút lui, không còn đi theo Người nữa. Tại sao người ta không tin có sự chuyển hoá này? Chúa Giêsu đã làm gì để thực hiện được cuộc chuyển hoá đó?

1. Cuộc xung đột giữa tinh thần và vật chất làm cho người ta không tin có sự chuyển hoá.

Kể từ khi biết suy tư, con người đã nhận ra sự có mặt của vật chất và tinh thần, biết chúng là hai thực thể khác biệt nhau, rất khó dung hoà, tạo nên sự xung đột mãnh liệt trong nội tâm con người cũng như trong đời sống cộng đồng.

Vật chất là một khối bất động, bị lệ thuộc vào không gian và thời gian vì được cấu tạo bởi những nguyên tố hoá học như Carbon-Hydro-Oxy-Nitơ …, ví dụ như cái bàn, cái ghế, trái đất, vũ trụ ở đây, vào lúc này. Ngược lại, tinh thần là những giá trị như tình yêu, tư tưởng, tự do, công bằng, hạnh phúc, bình an, chân thiện mỹ… không bị giới hạn bởi không gian và thời gian do không phải là những nguyên tố hoá học. Ví dụ: ta yêu gia đình và ước mơ hạnh phúc từ lúc còn nhỏ cho đến lúc già ở bất cứ nơi đâu.

Con người cũng nhận ra rằng bàn tay và tâm trí mình làm ra những thứ vật chất như tiền của, nhà ở, lương thực, và cả những thứ thuộc về tinh thần như khoa học, nghệ thuật, chính trị, kinh tế, xã hội… để sử dụng chúng trong cõi đời này, dù rằng nhiều thứ vật chất không phải do tay mình tạo ra, từ khí thở, nước uống cho đến núi sông, đất nước và cả vũ trụ này. Con người cũng nhận ra rằng khi càng có nhiều vật chất thì đời sống mình càng ổn định, an toàn nên cố gắng thu tích chúng thật nhiều.

Con người cũng biết rằng những giá trị tinh thần không phải do mình tạo ra hay xây dựng nên, nhưng bắt nguồn từ một hay nhiều tinh thần thuần tuý, gọi là thần linh. Ví dụ người Hy Lạp, người Rôma tin và tôn thờ thần tình yêu, thần tự do, thần công lý, thần sắc đẹp, thần chiến tranh… Từ đó, các tôn giáo xuất hiện trong dòng lịch sử nhân loại để diễn tả lòng sùng kính thần linh.

Tuy nhiên, hầu hết các tôn giáo, vì tôn thờ tinh thần, nên xem thường vật chất, khuyên bảo các tín hữu đừng thu tích của cải vật chất vì chúng không có giá trị vĩnh hằng. Nhiều tôn giáo còn coi thường những nhu cầu vật chất của con người, cổ vũ chay tịnh, ăn uống khem khổ, thậm chí coi thể xác và những đòi hỏi của bản năng là nguồn gốc tội lỗi, làm cho con người phải đau khổ, đoạ đày.

Cuộc xung đột giữa tinh thần và vật chất trong nội tâm khiến con người luôn căng thẳng, cảm thấy khốn khổ vì một đàng vừa muốn thoả mãn tất cả các nhu cầu của thể xác, đồng thời tinh thần lại đòi hỏi họ phải làm chủ bản thân, phải cố gắng học hành để có những nhận thức đúng đắn, phải hãm dẹp dục vọng để có tình yêu trong sáng, phải can đảm hành động… Nhiều lần họ thấy rằng mình đã thất bại vì “điều tốt mình muốn thì không làm, còn điều xấu mình không muốn lại cứ làm”.

Đó là vì một phần con người có tự do để chọn lựa hành động theo sự hướng dẫn của lương tâm ngay chính hay chiều theo tham vọng và dục vọng. Phần khác con người lại bị những thế lực của thế giới tinh thần chi phối. Chúng cám dỗ trong nội tâm con người khiến con người sa ngã và tạo nên những phản giá trị tinh thần như hận thù, ghen ghét, ác độc, xấu xa, giả dối, sai lầm, huỷ diệt, chết chóc.

Trong cộng đồng xã hội, nhiều người sống theo những chủ trương khác nhau: hoặc chỉ nhận có tinh thần hay vật chất, hoặc chỉ nhận có cá nhân hay xã hội, khoa học thực nghiệm hay triết học duy tâm… Từ đó, người ta tạo nên các hệ tư tưởng như duy lý, duy tâm, duy vật, duy thực, duy nghiệm,… và những chủ nghĩa khác nhau trong việc tổ chức xã hội như Tư bản, Cộng sản, Hiện sinh… gây nên những cuộc chiến tranh khốc liệt như ta đang thấy hiện nay.

Như thế chúng ta có thể thấy rằng tất cả những hỗn loạn và xung đột hiện nay trong lòng con người cũng như trong cộng đồng xã hội đều bắt nguồn từ cuộc xung đột giữa tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, những khám phá mới của khoa học về con người trong khoảng 20 năm gần đây sẽ giúp ta tìm ra đường hướng mới để hoá giải được cuộc xung đột này (x. Bài tham luận trong Hội thảo Khoa học Quốc tế về “Kiến thức về Sức khoẻ trong thời đại số”, ngày 12/5/2024 tại Đại học Cửu Long, trong cuốn Hội nhập Văn hoá để loan báo Tin Mừng, của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, NXB Đồng Nai, 2024, tr. 321-345).

2. Đức Giêsu hoá giải cuộc xung đột giữa vật chất và tinh thần

Trong niềm tin tôn giáo, chúng tôi biết rằng Đức Giêsu Nazareth không phải chỉ cứu độ con người và vũ trụ vật chất mà còn hoá giải được cuộc xung đột giữa tinh thần và vật chất bằng việc nhập thể, cái chết và cuộc sống lại của Người.

d:\Downloads\2024\Chúa Giesu trên thập giá.jpg

Khi nhập thể, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đưa thần tính vĩnh hằng hoà nhập thành một với nhân tính vô thường, tượng trưng qua thịt xương con người, (“Ngôi Lời hoá thành nhục thể”- x. Ga 1,14) để từ nay vật chất không còn mang tính nặng nề, bị lệ thuộc vào không gian, thời gian, nhưng được hoàn toàn đổi mới để tồn tại mãi mãi và chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa. Qua việc tự nguyện chọn cái chết vì yêu thương đến cùng, nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Đức Giêsu đã đền tội thay cho muôn loài, hoà giải con người với vạn vật và hoà giải con người với Chúa Cha. Qua cuộc sống lại, Đức Giêsu đã chuyển hoá thân xác vật chất thành tinh thần, thành thánh thiêng như Thiên Chúa.

Người đã minh chứng cuộc hoá giải và chuyển hoá này bằng các phép lạ trên vạn vật, trên con người và các thần thiêng qua việc hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ. Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, ăn uống với các môn đệ ở bất cứ nơi nào và vào bất cứ lúc nào, căn phòng đóng kín cửa Người vẫn vào được. Người cũng chia sẻ tình yêu, sự khôn ngoan, quyền năng siêu việt để các môn đệ có thể hành động như Người. Vì thế, ông Phêrô tuyên xưng niềm tin trọn vẹn vào Đức Giêsu: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6,68-69),

Người Do Thái vào thời của ông Giosuê cũng đã dựa vào ký ức lịch sử để giữ vững lòng tin. Họ nhắc lại với ông rằng: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác. Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai Cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi” (x. Gs 24,1-18). Việc nhớ lại các ơn Chúa ban trong đời mình củng cố niềm tin vào Chúa, giúp ta vượt qua những thử thách của thời buổi hiện tại.

Yếu tố thứ hai, niềm xác tín này phải được nuôi dưỡng bằng các hành động tích cực, cụ thể trong đời sống để diễn tả tình yêu đối với Đức Giêsu. Chúng nối kết ta vào Đức Giêsu để Người chuyển thông cho ta sự sống thần linh của Người, khi ta hoà nhập thành một với Người như vợ chồng hoà hợp với nhau. Thật vậy, mỗi người chúng ta là một bộ phận trong thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô là Hội Thánh, mà Người là đầu của thân thể này. Tất cả đều có chung một sự sống thần linh vì cùng được nối kết với nhau trong một tình yêu và cùng một Thần Khí của Thiên Chúa (x. Ep 5,21-32).

Kết luận

Xin Chúa Giêsu cho ta luôn kết hợp với Người để hoá giải các xung đột trong lòng mình cũng như tạo nên bình an cho trần thế. Amen.

HKK