Các phong trào Công giáo yêu cầu Ý nói “không” với chiến tranh và vũ khí hạt nhân

Các phong trào Công giáo yêu cầu Ý nói “không” với chiến tranh và vũ khí hạt nhân

Trong một hội nghị được ACLI tổ chức tại Hạ viện Ý, với sự tham gia của nhiều hiệp hội theo chủ nghĩa hoà bình, Quốc hội Ý đã được yêu cầu phê chuẩn Hiệp ước của Liên Hợp Quốc về cấm vũ khí hạt nhân.

2023.06.01 Convegno pace e nucleare - Camera dei Deputati

Tham gia hội nghị có các hiệp hội và tổ chức của thế giới Công giáo và các phong trào đại kết, bao gồm ACLI, Pax Christi, Cộng đồng Giáo hoàng Gioan XXIII, Công giáo Tiến hành, Phong trào Focolare và Cộng đồng Thánh Egidio, đã tái khẳng định cam kết hoà bình của họ.

Tham gia hiệp ước của Liên Hợp quốc về cấm vũ khí hạt nhân

Các tổ chức trên yêu cầu Ý chọn tham gia hiệp ước của Liên Hợp Quốc về cấm vũ khí hạt nhân, được ký vào năm 2017 và có hiệu lực vào tháng 1/2021. 66 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước này, bao gồm cả Toà Thánh, với tư cách là thành viên quan sát viên của Liên Hợp Quốc. Hầu hết các nước này ở Nam bán cầu trong khi các cường quốc hạt nhân và các đồng minh của họ không ký.

Hạ nhiệt chiến tranh

Ông Marco Marazziti của Cộng đồng Thánh Egidio giải thích rằng việc ký kết hiệp ước “sẽ giúp hạ nhiệt cơn sốt chiến tranh vào thời điểm này”. Từ bỏ cái gọi là “chia sẻ hạt nhân”, đối với ông Marazziti sẽ không phải là một hành động trái ngược với việc thuộc về Khối phương Tây hay Liên minh Đại Tây Dương, mà là một mục tiêu khả thi như các trường hợp của Tây Ban Nha, Canada và Hy Lạp đã chứng minh.

Không thêm chiến tranh vào chiến tranh

Cha Renato Sacco, cố vấn của Pax Christi nhấn mạnh, yêu cầu cấm vũ khí nguyên tử thậm chí còn cấp bách hơn nữa khi cuộc chiến ở Ucraina đã đưa mối đe doạ hạt nhân trở lại bàn tranh luận chính trị quốc tế. Cha nhắc lại: “Vũ khí hạt nhân trước đây dường như nằm ngoài thế giới thông tin và chính trị giờ đang đột ngột được đưa vào bàn đàm phán vì có nguy cơ thực sự là một tai nạn hoặc một ý chí có thể dẫn đến sự huỷ diệt của loài người. Nếu chúng ta thêm chiến tranh vào chiến tranh chúng ta biết kết quả là gì.”

Ông Emiliano Manfredonia, Chủ tịch ACLI, khẳng định: “Tuân thủ hiệp ước sẽ là một cử chỉ hoà bình tuyệt vời. Sự đoàn kết của các cá nhân không thiếu, nhưng thiếu tính ngôn sứ chính trị.”

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2023-06/phong-trao-cong-giao-hoa-binh-chien-tranh-hat-nhan.html