31/10/2024

Lãi vay tăng cao ‘đè’ người mua nhà khốn khổ

Lãi vay tăng cao ‘đè’ người mua nhà khốn khổ

Thu nhập giảm sút, các chi phí sinh hoạt, trong đó có lãi vay ngân hàng tăng cao đã khiến người mua nhà khốn đốn.

 

Phải giao đất lại cho ngân hàng

Chị Việt Hoa, làm trong ngành truyền thông tại TP.HCM vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) 680 triệu đồng để mua nhà ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Ba năm nay lãi suất luôn dao động khoảng 7,5%/năm, bình quân mỗi tháng chị trả khoảng 5,4 triệu đồng tiền lãi vay. Nhưng kể từ 3 tháng trở lại đây, chị phải trả ở mức từ 6 triệu đồng đến 6,1 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 700 – 800 ngàn đồng/tháng. Tính ra lãi suất là khoảng 9%/năm. Với thu nhập khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng thì chỉ riêng tiền lãi ngân hàng đã tốn một nửa thu nhập của chị.

“Trước đây, thu nhập của tôi khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng nay bị giảm trong khi lãi suất lại tăng. Tôi đang lo lắng qua năm 2023 đáo hạn phải trả hết, làm hồ sơ vay lại theo lãi suất và chính sách mới sẽ cao hơn. Nghe đâu lãi suất có thể 11 – 12%/năm”, chị Việt Hoa lo lắng.

Lãi vay tăng cao 'đè' người mua nhà khốn khổ - ảnh 1
 Lãi suất tăng cao khiến người vay tiền mua bất động sản lao đaoĐÌNH SƠN

Cũng giống như chị Việt Hoa, chị Thảo Loan cho biết mình đang có 2 khoản vay tại ngân hàng BIDV và ngân hàng Tiên Phong để mua bất động sản ở TP.HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mới đây chị nhận được thông báo từ ngân hàng BIDV về việc tăng lãi vay từ 8%/năm lên gần 12%/năm. Trong khi đó ngân hàng Tiên Phong cũng thông báo lãi suất tăng từ 7,8%/năm đầu lên 14,5%/năm từ ngày 15.12. Hiện chị Thảo Loan rất lo lắng vì lãi vay tăng cao, mỗi tháng số tiền phải trả rơi vào khoảng 80 triệu đồng trong khi kinh tế khó khăn, việc làm bị cắt giảm khiến thu nhập bị giảm theo.

Tương tự, hồi tháng 7.2022, chị Trần Thị Liên mua một lô đất ở (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) với giá gần 2,7 tỉ đồng. Để có đủ số tiền mua lô đất, chị phải mở thẻ tín dụng vay 150 triệu đồng và thế chấp lô đất để vay ngân hàng 1,6 tỉ đồng. Hiện nay mỗi tháng chị Liên trả tiền gốc và lãi lên đến 54 triệu đồng. Lãi suất tăng cao, thu nhập giảm đi khiến số tiền lãi mỗi tháng trở thành gánh nặng. Quá khó khăn, mới đây chị đã phải xin ngân hàng bàn giao tài sản để ngân hàng rao bán, thu hồi nợ.

 

“Tìm mọi cách cầm cự”

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty CBRE Việt Nam, những tháng gần đây thị trường gần như đóng băng giao dịch ở cả thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán ra – PV) và thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua bán với nhau – PV). Trong khi đó, thu nhập của đại đa số người dân đều giảm, cộng với lãi suất tăng cao và việc vay tiền mua bất động sản khó khăn đã khiến các nhà đầu tư lao đao, nhất là những người vay tiền để mua bất động sản. Thống kê sơ bộ cho thấy khoảng 50% người mua bất động sản phải dùng đến đòn bẩy tài chính là vay ngân hàng.

“Để giảm áp lực về tài chính, nhiều nhà đầu tư đã phải giảm giá bất động sản để thu hồi vốn. Làm sao để tất toán các khoản vay đó càng sớm càng tốt. Thế nhưng giải pháp này cũng không phải là dễ trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn phải tìm cách vay chỗ này, vay chỗ kia với lãi suất thấp hơn ngân hàng để cầm cự”, bà Thùy Dung cho hay.

Trước thực trạng lãi vay ngày càng tăng cao và giao dịch giảm sút, các chuyên gia cho rằng, trước khi xuống tiền mua bất động sản, các nhà đầu tư nên xem xét, cân nhắc kỹ về tỷ trọng vốn vay. Phần trăm vay càng ít càng tốt để tránh những rủi ro đuối tài chính khi lãi suất thả nổi. Tỷ trọng vốn vay khi đầu tư bất động sản chỉ nên cân nhắc ở mức dưới 50% giá trị tài sản. Các trường hợp vay 70 – 80% giá trị bất động sản có thể gặp nhiều rủi ro khi lãi suất thả nổi sau thời gian hết hạn ưu đãi, rồi dẫn đến những áp lực tài chính kéo dài, khiến người mua chìm trong lo toan, phải “cày” để “nuôi” ngân hàng.

 

ĐÌNH SƠN

TNO