09/12/2024

Drone làm nóng bán đảo Triều Tiên

Drone làm nóng bán đảo Triều Tiên

Sau khoảng 5 năm “vắng bóng”, máy bay không người lái (drone) của Triều Tiên lại xâm nhập Hàn Quốc khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng trong bối cảnh Bình Nhưỡng có một năm thử tên lửa với số lượng kỷ lục.

 

 

 

Drone làm nóng bán đảo Triều Tiên - Ảnh 1.

Drone của Triều Tiên được tìm thấy trên vùng núi ở huyện Inje (Hàn Quốc) năm 2017 – Ảnh: YONHAP

Ngày 28-12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo kế hoạch chi 560 tỉ won (441,26 triệu USD) trong 5 năm tới để tăng cường khả năng đối phó drone của Triều Tiên. Thông tin được công bố trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên tuần này nóng thêm vì vụ xâm nhập của drone nói trên.

 

Hàn Quốc đứng ngồi không yên

Đầu tuần này, 5 drone của Triều Tiên bay vào lãnh thổ Hàn Quốc khiến Seoul phải điều máy bay chiến đấu và trực thăng để phản ứng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 drone của Triều Tiên xâm nhập Hàn Quốc.

Quân đội Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo và bắn khoảng 100 viên đạn từ một trực thăng nhưng không hạ được bất cứ drone nào khi chúng bay qua một số thành phố của Hàn Quốc, gồm cả thủ đô Seoul, trong khoảng 5 giờ. Vụ xâm nhập này làm dấy lên câu hỏi về năng lực phòng không của Hàn Quốc vào thời điểm nước này đang cố gắng đối phó các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.

Chính Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thừa nhận vụ việc cho thấy sự thiếu sót đáng kể trong việc chuẩn bị và huấn luyện của quân đội Hàn Quốc trong vài năm qua, cho thấy họ cần tăng cường khả năng sẵn sàng phản ứng và huấn luyện nhiều hơn nữa.

Theo ông Yoon, việc thiếu khả năng sẵn sàng phản ứng của quân đội nước này là do chính sách Triều Tiên “nguy hiểm” của người tiền nhiệm Moon Jae In – vốn dựa vào “ý tốt” của Bình Nhưỡng và thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 với nội dung cấm các hoạt động thù địch ở khu vực biên giới.

“Chúng tôi đã lên kế hoạch thành lập một đơn vị drone để giám sát và do thám các cơ sở quân sự lớn của Triều Tiên, và giờ đây sẽ xúc tiến kế hoạch này hết mức có thể” – ông Yoon cho biết, cam kết sẽ tăng cường khả năng giám sát và do thám bằng các drone tàng hình tiên tiến.

Quân đội Hàn Quốc đã xin lỗi vì không bắn hạ được drone của Triều Tiên. Họ đánh giá những drone này quá nhỏ, có sải cánh chưa tới 3m, do đó không dễ đánh chặn. Tuy nhiên, họ cũng giải thích đã không thể tấn công các drone này quá mạnh vì lo ngại sự an toàn của người dân, nhưng cam kết sẽ cải thiện năng lực đối phó drone.

 

Sau tên lửa là drone?

Có một chi tiết đáng chú ý trong vụ drone Triều Tiên xâm nhập Hàn Quốc đầu tuần này. Theo Hãng tin Bloomberg, để phản ứng, Hàn Quốc lần đầu tiên đã điều drone bay qua biên giới vào lãnh thổ Triều Tiên vào hôm 26-12, một động thái trả đũa chưa từng có.

Điều này làm dấy lên lo ngại hai bên có thể sẽ sẵn sàng dùng drone bay vào lãnh thổ của nhau thường xuyên hơn trong tương lai, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột. Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đang đầu tư vào drone.

Vụ việc hôm 26-12 là vụ xâm phạm không phận Hàn Quốc mới nhất của các drone Triều Tiên. Năm 2017, một drone của Triều Tiên, được cho là làm nhiệm vụ do thám, đã bị rơi và được tìm thấy trên núi gần biên giới. Trước đó, năm 2014 một drone của Triều Tiên xuất hiện trên đảo biên giới của Hàn Quốc.

Cả hai thiết bị này đều thô sơ, được gắn camera chủ yếu thu thập hình ảnh của các cơ sở quân sự và khu vực biên giới của Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc đánh giá drone Triều Tiên trong vụ xâm nhập năm 2017 đã có thể bay xa tới 490km và có công suất động cơ cũng như năng lượng pin gấp đôi so với drone năm 2014.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết các drone trong vụ xâm nhập mới nhất vào đầu tuần này có kích thước tương tự nhưng không rõ liệu chúng có tiên tiến hơn về mặt kỹ thuật không.

Theo Hãng tin Reuters, các nhà phân tích chỉ ra drone của Triều Tiên có thể quá nhỏ và thô sơ, do đó không thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát đầy đủ. Tuy nhiên, chúng có thể mang theo vũ khí hoặc làm gián đoạn hoạt động hàng không. Như trong vụ drone Triều Tiên xâm nhập hôm 26-12, các chuyến bay khởi hành từ sân bay Incheon và Gimpo của Hàn Quốc phải tạm dừng trong thời gian ngắn.

Một báo cáo năm 2016 từ các nhà giám sát lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cho biết Triều Tiên sở hữu khoảng 300 drone các loại, bao gồm drone do thám, chiến đấu… Họ lưu ý các drone Triều Tiên mà Hàn Quốc thu được là các drone sử dụng linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài như Trung Quốc, Cộng hòa Czech… Trong cuộc họp của Đảng Lao động vào năm ngoái, ông Kim Jong Un cam kết sẽ phát triển các drone trinh sát mới có khả năng bay tới 500km.

Drone làm nóng bán đảo Triều Tiên - Ảnh 2.

Nguồn: GLOBAL FIREPOWE – Dữ liệu: BÌNH AN – Đồ họa: TUẤN ANH

Ông Kim Jong Un công bố mục tiêu mới

Ngày 28-12, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã công bố các mục tiêu mới cho quân đội nước này trong năm 2023 tại cuộc họp đang diễn ra của Đảng Lao động Triều Tiên. KCNA cho biết các mục tiêu cốt lõi mới nhằm tăng cường năng lực tự vệ sẽ được theo đuổi mạnh mẽ vào năm 2023, để chuẩn bị cho những biến động chính trị khác nhau.

BÌNH AN
TTO