22/01/2025

‘Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo’ gây tranh cãi khi vào đề văn tại TP.HCM

‘Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo’ gây tranh cãi khi vào đề văn tại TP.HCM

Trong đề kiểm tra môn ngữ văn học kỳ 1, một trường THPT tại TP.HCM đã đưa ra yêu cầu học sinh bày tỏ ý kiến về việc nên bỏ tết ta (Tết Nguyên đán) vì ‘còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa’.

 

 

 

'Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo' gây tranh cãi khi vào đề văn tại TP.HCM - ảnh 1

Đề kiểm tra học kỳ 1 môn ngữ văn của Trường THPT Trưng Vương HỌC SINH TP.HCM

Ngày 28.12, nhiều học sinh lớp 10 của Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) cảm thấy thích thú khi làm bài kiểm tra học kỳ 1 môn ngữ văn.

Đáng chú ý, câu 5 trong đề bài yêu cầu học sinh viết một đoạn văn nghị luận (8-10 câu), bày tỏ quan điểm về ý kiến cho rằng nên bỏ tết ta (Tết Nguyên đán) vì “còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa” (giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ).

Sau khi hoàn thành bài kiểm tra, Phạm Phước Khang, học sinh lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, chia sẻ, nội dung yêu cầu của đề vừa sức, không gây khó khăn cho học sinh.

Ở câu nghị luận xã hội, Phước Khang cho biết đã thoải mái trình bày quan điểm cá nhân về ý nghĩa của Tết Nguyên đán trong bài viết. Để phản bác ý kiến “nên bỏ tết ta”, Phước Khang cho hay đã nêu bật những hoạt động và truyền thống dịp tết như: gói bánh chưng, bánh tét, chuẩn bị lễ cúng giao thừa, sum họp gia đình, chúc tết ông bà, vui chơi lễ hội… Từ đó, bài viết của nam sinh khẳng định quan điểm là vẫn cần giữ gìn ngày tết truyền thống vì đó là bản sắc dân tộc.

Cũng có những học sinh khác bày tỏ quan điểm “không nên bỏ tết ta”, đồng thời lập luận rằng không nên lợi dụng suy nghĩ “3 ngày tết” để vui chơi quá đà, ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến lười biếng học tập sau kỳ nghỉ tết.

'Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo' gây tranh cãi khi vào đề văn tại TP.HCM - ảnh 2
Học sinh Trường THPT Trưng Vương WEBSITE NHÀ TRƯỜNG

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Trưng Vương, cho biết kỳ kiểm tra diễn ra vào thời điểm cận tết nên tổ ngữ văn lựa chọn chủ đề ngày tết với mong muốn học sinh lớp 10 có tâm lý thoải mái vì gần gũi, quen thuộc và các em có không gian sáng tạo trong bài làm của mình. Theo cô Hạnh Nguyên, tổ ngữ văn đã thống nhất chọn ngữ liệu là bài thơ Ông Đồ và yêu cầu nghị luận về ngày tết truyền thống.

Theo cô Hạnh Nguyên, trong những năm gần đây, có nhiều ý kiến tranh luận về việc “có nên bỏ tết ta?”. Cô Nguyên cho hay: “Thông qua việc đưa chủ đề này vào đề kiểm tra ngữ văn, nhà trường cũng muốn có dịp hiểu những suy nghĩ của người trẻ về vấn đề này như thế nào”.

Tuy nhiên, có một số phụ huynh học sinh cho rằng câu nghị luận xã hội trong đề bài không nêu rõ trích dẫn ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân trong bối cảnh nào và nguồn trích dẫn có đảm bảo tính xác thực hay không.

Trước vấn đề này, cô Hạnh Nguyên cho biết: “Nếu trích văn bản để làm ngữ liệu thì người ra đề mới chú ý lấy nguồn trích. Tuy nhiên, vấn đề này đúng là sơ ý khi người ra đề đọc và lấy câu nói của giáo sư Võ Tòng Xuân ‘Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa’ nhưng lại không trích dẫn nguồn là lấy từ bài báo nào”.

Cô Hạnh Nguyên đồng thời chia sẻ, việc ra đề kiểm tra ngữ văn lớp 10 thực sự áp lực và tổ ngữ văn cũng đã rút kinh nghiệm để biên soạn đề kiểm tra tốt hơn.

 

BÍCH THANH

TNO