10/09/2024

Năm hết tết đến tiếp tục cảnh báo mạo danh, lừa đảo tăng mạnh

Năm hết tết đến tiếp tục cảnh báo mạo danh, lừa đảo tăng mạnh

Một số ngân hàng tiếp tục đưa ra cảnh báo người dùng về tình trạng lừa đảo mạo danh, nhất là thời điểm cuối năm chuẩn bị đến Tết Quý Mão 2023. 

 

 

Mới đây, Ngân hàng Tiên Phong Bank (TPBank) gửi thông báo khuyến cáo giao dịch an toàn đến các khách hàng. Ngân hàng này cập nhật một số thủ đoạn lừa đảo, giả mạo để người dùng dịch vụ cảnh giác. Thứ nhất, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng tin nhắn giả mạo ngân hàng với nội dung thông báo về dịch vụ, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn (link) giả mạo, thường là link website gần giống trang web của ngân hàng và dễ gây nhầm lẫn. TPBank nhấn mạnh, ngân hàng tuyệt đối không gửi tin nhắn nào có gắn đường dẫn yêu cầu khách hàng cung cấp hay nhập tên đăng nhập và mật khẩu Internet Banking, mã xác thực OTP…

Năm hết tết đến tiếp tục cảnh báo mạo danh, lừa đảo tăng mạnh - ảnh 1
Vấn nạn lừa đảo mạo danh ngân hàng sẽ gia tăng dịp cuối năm TNO

Chiêu thứ hai là mạo danh ngân hàng trên nền tảng cho vay tiền online. Với thủ đoạn này, kẻ gian mạo danh TPBank trên nền tảng số (như Facebook, Instagram, Zalo, Email…) bằng cách sử dụng tên gọi, logo, hình ảnh đại diện, giả mạo yếu tố xác thực (dấu tích xanh/cam…) giống như của TPBank để gây nhầm lẫn cho khách hàng. Từ các tài khoản mạo danh này, kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo như gửi tin nhắn hoặc gọi điện chào mời khách hàng vay tiền với lãi suất hấp dẫn. Ngoài ra còn yêu cầu khách hàng cung cấp căn cước công dân, sổ hộ khẩu, số tài khoản hay số thẻ ngân hàng để lập hồ sơ vay; yêu cầu khách hàng nộp các khoản phí làm hồ sơ, phí ứng trước khoản vay…

Trước đó, ngân hàng Vietcombank cũng cảnh báo tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu nhà băng này tiếp tục gia tăng trở lại. Những tin nhắn thường có nội dung thông báo tài khoản của khách hàng đang đăng nhập trên thiết bị khác và yêu cầu khách hàng bấm vào một đường link giả mạo. Đường link gửi kèm trong tin nhắn thường chứa tên gần giống với trang web chính thức của ngân hàng như: https://vietcombank.comvn-br.xyz; https://vietcombank.comvn-br.top; https://vietcombank.vn-vn.top; http://vietcombank.vn-vc.top; https://vietcombank.com.vn-vc.xyz; https://vietcombank.com.vn-br.tob…

Nếu khách hàng làm theo, thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản ngay lập tức sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt. Vietcombank khẳng định không gửi tin nhắn SMS đi kèm các đường link đăng nhập dịch vụ VCB Digibank. Các tin nhắn có đường link đăng nhập dịch vụ đều là giả mạo.

Đặc biệt, trong những ngày gần đây, Bộ Công an cũng liên tục đưa ra cảnh báo về tình trạng tội phạm giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo có liên quan đến các vụ án đang điều tra, mua bán ma túy, rửa tiền…, gửi lệnh bắt giữ hay tài liệu liên quan khác qua mạng xã hội để đe dọa, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định hoặc tài khoản mới mở. Hoặc yêu cầu người dân cung cấp thông tin tài khoản để kiểm tra hoặc tải các đường link, phần mềm giả mạo cơ quan, nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản… Bộ Công an cho biết việc điều tra, xác minh, xử lý tội phạm đều được tiến hành trực tiếp, không thông qua mạng xã hội gửi thông báo, tin nhắn yêu cầu nên người dân cần cảnh giác, không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng.

Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), mỗi tuần có hàng trăm tin báo liên quan đến các vụ lừa đảo qua mạng. Ví dụ trong tuần từ 19 – 25.12, đã có 222 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng thông báo về cơ quan này thông qua địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn. Qua kiểm tra, phân tích có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, các trang thương mại điện tử… Do đó người dùng cần nâng cao cảnh giác hơn nữa để tránh bị mất tiền, mất tài khoản.

 

MAI PHƯƠNG

TNO