Nga xây mái vòm bảo vệ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

Nga xây mái vòm bảo vệ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

Nga đang xây dựng mái vòm để bảo vệ kho chứa nhiên liệu phóng xạ đã qua sử dụng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine mà Nga đang kiểm soát. Thời gian qua, Nga và Ukraine liên tục tố nhau pháo kích quanh nhà máy này.

 

 

 

Nga xây mái vòm bảo vệ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu - Ảnh 1.

Mái vòm che chắn được dựng trên kho chứa nhiên liệu phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở phía nam Ukraine – Ảnh: TELEGRAM/VLADIMIR ROGOV

Theo Đài Russia Today, ngày 17-12, ông Vladimir Rogov – quan chức thân Nga tại vùng Zaporizhzhia ở phía nam Ukraine, cho biết Nga đang xây dựng một mái vòm bảo vệ kho chứa nhiên liệu phóng xạ đã qua sử dụng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và bị lực lượng Nga kiểm soát từ đầu tháng 3 sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Thời gian qua, Nga và Ukraine liên tục tố nhau pháo kích quanh nhà máy này. Tất cả các lò phản ứng tại cơ sở này hiện đang ngừng hoạt động do tình hình an ninh.

Trên Telegram, ông Vladimir Rogov đăng một đoạn video ngắn cho thấy công tác xây dựng đang diễn ra, trong đó các kỹ thuật viên đang dựng các tấm chắn trên các bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Quan chức này giải thích rằng mái vòm được thiết kế để bảo vệ kho chứa nhiên liệu phóng xạ khỏi mảnh đạn và các thiết bị nổ do máy bay không người lái (drone) mang theo để tấn công. Mái vòm sẽ tiếp tục được gia cố thêm trong tương lai.

Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga trước đó cảnh báo nếu các bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng bị hư hại, sự cố đó có nguy cơ giải phóng chất phóng xạ vào không khí và gây ra những hậu quả khó lường.

Nga liên tục nói rằng các cuộc tấn công của Ukraine có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia, nghiêm trọng hơn cả thảm họa Chernobyl năm 1986, và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở châu Âu.

Tuy nhiên, phía Ukraine cáo buộc quân đội Nga đã tự tấn công vào nhà máy điện hạt nhân này, như một phần của chiến dịch “đánh lừa” nhằm làm xấu hình ảnh của Kiev.

BÌNH AN
TTO