Cam kết và cơ hội từ châu Âu cho Việt Nam về nông nghiệp và chuyển đổi kinh tế xanh

Cam kết và cơ hội từ châu Âu cho Việt Nam về nông nghiệp và chuyển đổi kinh tế xanh

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đạt được nhiều kết quả quan trọng cho Việt Nam.

 

 

 

Cam kết và cơ hội từ châu Âu cho Việt Nam về nông nghiệp và chuyển đổi kinh tế xanh - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Alexander De Croo chứng kiến lễ ký Ý định thư hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Biển Bắc của Vương quốc Bỉ – Ảnh: chinhphu.vn

Thông qua các chuyến thăm song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến ba nước (Đại công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ) và dự diễn đàn chung ASEAN – EU đã góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong lòng châu Âu. Từ đó cũng kéo theo hàng loạt kết nối, hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực của chúng ta với EU và các quốc gia thành viên nói riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

“Có thể khẳng định rằng các nước rất chủ động, dù tham dự chương trình đa phương với nhiều sự kiện nhưng họ vẫn dành cho Việt Nam sự đón tiếp hết sức trọng thị, nồng hậu. Các nội dung trao đổi rất toàn diện, thiết thực”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá.

 

Giấc mơ đưa nông sản Việt vào EU

Đánh giá về kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam đã nhận được những cam kết hợp tác của EU và các quốc gia mà Thủ tướng đến thăm, trong các khía cạnh thương mại, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, những chương trình đổi mới sáng tạo và kết nối xây dựng các trung tâm logistics nông nghiệp cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Hoan, các quốc gia châu Âu cũng cần những nông sản nhiệt đới, những lương thực thực phẩm của Việt Nam cung ứng ra toàn cầu, và đó là cơ hội của chúng ta. Thông qua đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều tiềm năng đến với thị trường châu Âu.

Nhưng bên cạnh tiềm năng bao giờ cũng có những thách thức rất lớn. 

“Tôi muốn nhắc lại một lần nữa: Thị trường châu Âu đã mở cửa nhờ những thành quả của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA), tuy nhiên nông sản của chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của các thị trường đó hay không, chuẩn thị trường là câu chuyện từ phía chúng ta. Không chỉ cứ sản xuất mang đi bán mà phải xuất phát từ chuẩn nhu cầu để sản xuất ra”, ông Hoan chia sẻ.

Ông Hoan cho biết đây là điều mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng mong muốn các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tổ chức lại ngành hàng và chuẩn hóa quy trình sản xuất để đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao của thị trường châu Âu. 

“Chỉ khi nào chúng ta chuẩn hóa được điều này mới hiện thực hóa được giấc mơ đưa nhiều nông sản hơn, giá trị hơn, độ phủ cao hơn ở 27 quốc gia của EU”, ông nói.

Cam kết và cơ hội từ châu Âu cho Việt Nam về nông nghiệp và chuyển đổi kinh tế xanh - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan – Ảnh: chinhphu.vn

Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế xanh

Trong khi đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá các nước luôn có tình cảm đặc biệt, lựa chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, hợp tác, đánh giá Việt Nam có sự đổi mới sáng tạo và tiềm năng rất lớn trong hợp tác. Đó là dấu ấn rất lớn trong chuyến công tác lần này.

Trong lĩnh vực truyền thống tài nguyên và môi trường, Việt Nam đã cùng các nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu. 

“Lần này, chúng ta đã làm sâu sắc thêm những hợp tác thông qua những hiệp định với giai đoạn mới, đòi hỏi nâng cấp các mối quan hệ cả về tầm cao, chiều sâu. Đặc biệt, các hiệp định tập trung vào vấn đề chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Từ các hiệp định, nhiều hoạt động sẽ được triển khai để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi được kinh tế dựa trên năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo”, ông Hà nói.

Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết một hiệp định mới với Vương quốc Bỉ về hợp tác liên quan đến kinh tế biển xanh, giúp Việt Nam có kinh nghiệm trong quy hoạch khai thác, quản lý tổng hợp biển, nhất là khai thác tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi.

“Các trao đổi, ký kết hết sức hiệu quả thiết thực, đi đúng xu thế Việt Nam lựa chọn là chuyển sang kinh tế số, kinh tế xanh”, ông Hà khẳng định.

Sau tuyên bố này, Việt Nam cùng với các đối tác phát triển sẽ có chương trình, kế hoạch rõ ràng thông qua đàm phán, tiếp nhận các hỗ trợ về công nghệ mới, công nghệ xanh; cùng các nước xem xét đánh giá quá trình chuyển đổi đó để nhận được hỗ trợ tài chính, công nghệ quản trị; giúp Việt Nam có thể cùng các nước đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

NGỌC AN – TP
TTO