Để học sinh không sợ môn toán: Hãy để các em là ‘diễn viên’ chính
Để học sinh không sợ môn toán: Hãy để các em là ‘diễn viên’ chính
Tôi luôn có một ý nghĩ rằng mỗi buổi dạy toán là một suất diễn của một vở kịch có kịch tính cao trào và kết thúc là niềm hạnh phúc vì tất cả ‘diễn viên’ đã làm được một điều gì đó.
Tôi là một “huấn luyện viên” toán tại TP.HCM đã được 10 năm. Ngày trước khi tôi học đại học được bằng giỏi thì ước mơ giảng viên của tôi đã gần được hiện thực nhưng vì một lối rẽ bất ngờ và niềm đam mê toán học từ nhỏ, tôi quyết định mở một lớp dạy nhỏ tại TP.HCM để truyền ngọn lửa đam mê toán học đến cho các em.
Hãy giúp các em nắm rõ được bản chất của bài đang học, không đưa công thức cho các em rồi bắt các em học thuộc mà không biết nó đến từ đâu hay dùng để làm gì NGỌC THẮNG |
Đó cũng là một phần lý do cho tên gọi là “huấn luyện viên” toán chứ không phải là giáo viên. Tôi luôn có một ý nghĩ rằng mỗi buổi dạy của tôi là một suất diễn của một vở kịch vì ở đó tôi và các em là diễn viên tạo nên một vở kịch có sự căng thẳng, có tính logic của một kịch bản pha lẫn vào đó là những miếng hài, những kịch tính cao trào và kết thúc vở diễn là niềm hạnh phúc vì tất cả diễn viên đã làm được một điều gì đó.
Chương trình toán học hiện nay là rất nặng với các em và giáo viên. Khối lượng kiến thức rất lớn nên cũng rất khó đòi hỏi giáo viên hay học sinh có thể học tốt hay dạy tốt vì đơn giản là không có thời gian đủ để nạp toán vào.
Trong thời gian giảng dạy tôi có thể rút ra một số nhận xét để chia sẻ đến mọi người như sau:
1. Không có em học sinh nào dở môn toán.
2. Hãy đặt cho các em vào lớp học mà có các bạn cùng mức tư duy để giáo viên sẽ có những bài tập vừa sức với mức tư duy đó để kích thích sự phát triển của các em từ từ, đặc biệt là nó sẽ cho các em cảm giác tự tin vào khả năng của mình vì đơn giản một em học lực yếu với một em học lực giỏi thì rất không tốt cho cả hai em .
3. Dạy cho các em từ những sự đơn giản, hãy cho các em biết mình đang làm gì? Vì sao lại có những cái này? Công thức này từ đâu ra? Nói tóm lại là hãy giúp các em nắm rõ được bản chất của bài đang học, không đưa công thức cho các em rồi bắt các em học thuộc mà không biết nó đến từ đâu hay dùng để làm gì.
4. Phải cho các em thấy được bản chất của toán học đó là sự logic từ những bài toán rất đơn giản không nhất thiết phải là các bài toán quá cao siêu, phức tạp. Cho các em phát triển bài toán đó bằng nhiều hình ảnh và sơ đồ.
5. Hãy để các em là “diễn viên” chính có nghĩa là các em là những người đi khám phá toán học còn giáo viên chỉ là những người đồng hành hỗ trợ các em. Hãy thật kiên nhẫn với các em.
6. Hạn chế dùng máy tính đến tối đa, hãy kích thích các em làm việc tính toán thủ công và làm chậm các bước của bài toán.
7. Lồng ghép trong buổi học là các bài toán thực tế, đặt ra các tình huống trong cuộc sống, hay đơn giản là cắt dán hình học sẽ giúp các em cảm giác môn toán rất thú vị.
8. Giáo viên hãy cố gắng tạo ra một không khí buổi học thật vui, thật sôi động, một buổi học là một buổi khám phá toán học thật sự!
9. Phụ huynh đừng nhìn vào điểm số để đánh giá một học sinh nào vì toán học đó là sự sáng tạo, tư duy, logic còn quan trọng hơn cả điểm số. Phụ huynh hay giáo viên hãy hạnh phúc khi nghe một em học sinh nói là “Con thích học môn toán quá!” chứ không phải là “con đã được 10 điểm môn toán” vì các em thích thì các em sẽ chủ động khám phá toán học , mà trong toán có rất nhiều nét đẹp để các em khám phá.
NGUYỄN ĐẮC ĐẠT
TNO