Khi con cái là ‘thầy’ của cha mẹ

Khi con cái là ‘thầy’ của cha mẹ

Việc cha mẹ học hỏi từ con cái không chỉ giúp họ có thêm kiến thức về lĩnh vực bản thân chưa được tiếp cận, mà còn giúp tình cảm gia đình trở nên khăng khít, gần gũi hơn.

 

 

 

Khi con cái là thầy của cha mẹ - Ảnh 1.

Khoảnh khắc gia đình bà Lan quây quần bên nhau – Ảnh: NVCC

Xuyên suốt đợt giãn cách do dịch COVID-19, bà Trần Thị Lan (52 tuổi, huyện Cái Bè, Tiền Giang) liên tục gọi điện cho con gái là Quế Thanh, sống tại TP.HCM, để nhờ cô dạy đánh vần, học chữ cái tiếng Việt.

Nhiều tựa game mở ra một thế giới mới mà người chơi có thể tự do tưởng tượng và nhập vai, tương tự như việc chúng ta đắm mình vào một cuốn tiểu thuyết vậy. Quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta có thể tự vượt ra khỏi định kiến của bản thân và cởi mở cùng con để từ đó hướng cho con không đắm chìm trong game.

Chị Hoàng Oanh

 

Người “thầy” chân thành nhất

Bà Lan là con nuôi trong một gia đình miền Tây nghèo. Trong ký ức của bà vẫn lung linh hình ảnh người cha nhẫn nại chèo xuồng đưa bà đi học. Tuy nhiên, đi học được vài hôm, bà Lan bỗng phát bệnh động kinh và thường xuyên bị rơi xuống sông.

“Tôi không biết bơi nên mỗi khi rớt xuống sông thì cha phải nhảy xuống vớt. Nhiều lần như vậy, tôi cảm thấy ngại lẫn sức khỏe không đảm bảo nên quyết định xin nghỉ. Lúc đó, tôi vẫn chưa kịp học mặt chữ” – bà Lan chia sẻ.

Thấu hiểu những nỗi niềm của mẹ, Quế Thanh đã ngỏ ý dạy bà học chữ từ rất sớm. Vào năm lớp 2, khi đã đọc viết rành rọt, cô thường xuyên bày tỏ với mẹ: “Mẹ ơi, hay con bày mẹ học chữ nha. Con cũng muốn mẹ biết chữ với con nữa”. Đối diện với những câu nói ngô nghê, bà Lan chỉ khẽ thở dài rồi lái sang chuyện khác.

Suốt thời gian đi làm, mọi giao dịch buôn bán của bà Lan đều thông qua hình thức truyền miệng, chỉ khi cần viết hợp đồng hay giấy tờ giao dịch thì bà mới nhờ chồng viết hộ.

Dù vậy, Quế Thanh vẫn luôn ấp ủ việc phải dạy mẹ biết được chữ vì đó là một trong những mong ước lớn nhất của cô. 

Cô không vội vàng hay thúc ép mẹ vì biết rằng “mẹ đã có điều ám ảnh, khó nói nào đó” và nhẫn nại đợi đến khi bà sẵn sàng. 

Cuối cùng thời khắc ấy cũng đến, cuối năm 2021, bà Lan đã bắt đầu cùng Quế Thanh học chữ cho vơi đi thời gian rảnh rỗi trong những ngày giãn cách, và quan trọng nhất là phải biết chữ để… hát karaoke!

“Việc học chữ với mẹ có nhiều ý nghĩa lắm. Đó là cả tuổi thơ vừa đáng nhớ vừa cơ cực, vừa đẹp vừa buồn của mẹ. Trước đây mỗi khi nhắc đến là mẹ chỉ khóc thôi, mà nay mẹ đã dũng cảm đối mặt với nó. 

Vậy mới thấy cha mẹ cũng có những ngây thơ, những tổn thương, những đáng yêu mà chúng ta phải tinh tế mới có thể thấu hiểu được” – chị Thanh tâm sự.

Nhìn thấy cảnh bà bập bẹ tập đọc, ông Công – chồng bà Lan – tặc lưỡi cười vì “đã đến cái ngày bả chịu học” và thường động viên bà học cùng con. 

Dù việc học gặp nhiều gián đoạn, bà Lan đã thuộc lòng được bảng chữ cái và biết cách đọc. Ngoài kế hoạch học online, Quế Thanh cho biết cuối năm nay cô sẽ về nhà kèm mẹ học viết đến thành thục mới thôi.

Dũng cảm bước vào thế giới của con

Công tác tại Malaysia hơn 3 năm, đó cũng là khoảng thời gian chị Hoàng Oanh (33 tuổi) xa Trâm Anh, cô con gái nhỏ 8 tuổi của mình. 

Trước đây, hai mẹ con chỉ có thể gọi điện thoại cho nhau vào 20h (giờ Việt Nam) – một khung giờ không quá trễ với cô bé, cũng là lúc chị Oanh vừa kết thúc một ngày làm việc của mình.

Từ khi Trâm Anh biết chữ, em thường xuyên nhắn tin cho mẹ thông qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Điều khiến chị Hoàng Oanh bất ngờ là cô bé sử dụng rất nhiều sticker (nhãn dán cảm xúc) thay vì nhắn bằng chữ thông thường.

Chị Oanh đánh giá những sticker này không chỉ là một hành vi thông thường của con mà còn là chìa khóa để chị có thể hòa nhập vào thế giới của con, cũng như kết nối với xu hướng của thời đại mới.

“Tôi nhận ra nếu con cái đã kiên nhẫn bày tỏ với cha mẹ thì chúng ta, những bậc phụ huynh, cũng hãy thử đặt mình vào con và chắc chắn chúng ta sẽ tìm được cách giao tiếp gần gũi nhất để con có thể tự do chia sẻ và cảm thấy gia đình là một chỗ dựa an toàn” – chị Oanh bộc bạch.

Ngoài ra, chị Oanh còn cho rằng tình yêu gia đình là điều rất diệu kỳ, nó có thể bồi đắp cho tâm hồn của mỗi người trở nên tươi đẹp và bao dung hơn. 

Trước khi lập gia đình, chị Oanh có cái nhìn không mấy thiện cảm với những thanh thiếu niên thích chơi game online. Thế nhưng, lúc chứng kiến bé Trâm Anh lớn lên, chị mới nhận ra bản thân không thể nào đánh giá hành động của thế hệ sau bằng cái nhìn chủ quan.

“Sinh ra và lớn lên ở thời đại công nghệ chưa phát triển, đến khi được tiếp cận thì thế hệ của tôi đã phải học cách ứng dụng nó với công việc, vì thế làm gì có thời gian để chơi game. Cho nên tôi nhận thấy đa số những người thế hệ trước thường mắc phải quan niệm chơi game là hư, là xấu… và tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng trong một lần tìm hiểu các kiến thức nuôi dạy con, tôi nhận ra game cũng là một hình thức trải nghiệm vô cùng hợp lý” – chị nói.

Bà Hạnh, mẹ của chị Hoàng Oanh, một trong những người trực tiếp nuôi dưỡng bé Trâm Anh khi chị Oanh đi công tác, bày tỏ: “Tôi đã 80 nên dường như không thể nào bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ, nhiều lúc cũng rất muốn liên lạc với con (chị Oanh) nhưng biết rằng con đang đi làm nên không thể bắt máy. 

Chính lúc đó, bé Trâm Anh đã chỉ tôi cách mở ứng dụng gửi tin nhắn, cách gõ tin nhắn có dấu… và đến nay thì hai bà cháu có thể liên lạc với con gái ở đất nước khác một cách rất dễ dàng, không còn bất tiện như ngày xưa nữa”.

 

Dậy sóng mạng xã hội

CON CAI

Quế Thanh chỉ vào từng chữ cái và dạy mẹ cách phát âm qua FaceTime – Ảnh: NVCC

Khi Quế Thanh chia sẻ câu chuyện dạy mẹ học chữ lên mạng xã hội, ngay lập tức đã “viral” với hơn 12.000 lượt thích.

Nhiều người thi nhau bình luận chúc mừng mẹ con cô cũng như bồi hồi nhận ra đôi khi họ đã vô tình phớt lờ những tâm sự về quá khứ khó khăn của cha mẹ.

“Đọc bài làm mình tự dưng nhớ tới mẹ mình. Hồi nhỏ thì cãi nhau với mẹ hoài. Mà càng lớn càng thấy mẹ chỉ là một người lớn mang tâm hồn của một đứa trẻ tổn thương.

Thiếu thốn, mất mát thời ấu thơ làm mẹ mang mặc cảm đến mãi sau này. Chỉ khác là khi là một đứa trẻ thì những thiếu thốn ấy còn được để ý, đến khi thành người lớn rồi thì lại chẳng thể nói với ai” – người dùng V.N.D. bình luận.

 

Bài học đầu tiên là sự thấu hiểu

SACH

Ba mẹ cùng con đi nhà sách – Ảnh: Q.ĐỊNH

Bà Nguyễn Tú Anh, thạc sĩ tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên, cho biết việc học hỏi hai chiều giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng.

“Sự cảm thông và kiên nhẫn giữa cha mẹ và con cái là điều quan trọng nhất để cả hai bên có thể cởi mở và cùng nhau học hỏi những điều tốt đẹp.

Thế giới ngày một hiện đại hơn, công nghệ thay đổi liên tục, kiến thức được cập nhật và chia sẻ theo một tốc độ cũng nhanh hơn bao giờ hết.

Vì thế, nếu cha mẹ và con cái không nỗ lực để gắn kết với nhau thì khoảng cách thế hệ, sự gắn bó tình cảm sẽ ngày một lớn hơn và dễ dẫn đến tình trạng “xa mặt, cách lòng”.

Mọi sợi dây tình cảm đều cần phải được bồi đắp và chia sẻ. Cho nên mỗi người trong chúng ta cần phải có ý thức vun đắp tình cảm gia đình, đặt bản thân vào vị trí của nhau để thấu hiểu thì sức khỏe tinh thần cũng như cảm xúc của từng thành viên trong gia đình ấy cũng sẽ tích cực hơn nhiều” – bà Tú Anh nói..

NHƯ QUỲNH
TTO