Thủ tướng Ardern sẽ bàn gì ở Việt Nam?

Thủ tướng Ardern sẽ bàn gì ở Việt Nam?

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson chia sẻ những lĩnh vực tiềm năng mà hai nước có thể hợp tác và cùng hưởng lợi, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Jacinda Ardern từ ngày 14 đến 17-11.

 

 

 

Thủ tướng Ardern sẽ bàn gì ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 17-11 – Ảnh: WEF

“Sẽ có những bước tiến tuyệt vời trong chuyến thăm lần này và chúng tôi cũng đang nỗ lực làm mới các thỏa thuận trước đó để phù hợp hơn với sự phát triển và cơ hội mới. Tuy nhiên, tôi sẽ không tiết lộ điều này mà chính hai thủ tướng sẽ công bố chúng”, Đại sứ Tredene Dobson nêu.

Về mối quan hệ quốc phòng, việc duy trì tự do hàng hải và thương mại trên biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cả New Zealand lẫn Việt Nam.

Đại sứ Tredene Dobson

* Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ mở ra triển vọng hợp tác mới nào giữa hai nước, thưa bà?

– Một lĩnh vực mà tôi thấy các nhà lãnh đạo sẽ xem xét kỹ lưỡng cơ hội hợp tác là chống biến đổi khí hậu. Chuyến thăm của Thủ tướng Ardern diễn ra cùng thời điểm COP27 đang diễn ra ở Ai Cập, và dựa trên những cam kết đầy tham vọng mà hai nước đã đưa ra tại COP26, tôi thấy chúng ta đang đứng trước cơ hội xích lại gần nhau hơn.

Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, và cá nhân tôi nghĩ chống biến đổi khí hậu là một lĩnh vực khác đang thực sự chín muồi để hợp tác.

* Tại COP26 năm ngoái, đất nước của bà đã cam kết chi hàng tỉ đô la New Zealand cho các nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, liệu Việt Nam có được hưởng lợi từ cam kết này?

– Vâng, đúng vậy, New Zealand đã đưa ra các cam kết tài chính lớn cho chống biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Khoảng 50% trong số đó dành cho Thái Bình Dương, các nước láng giềng gần của New Zealand và 50% sẽ ở bên ngoài Thái Bình Dương. Hiện chúng tôi đang tiến hành nhiều thẩm định để xem số tiền đó tốt nhất nên được dành cho quốc gia nào.

Là một quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, Việt Nam mà đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những nơi mà New Zealand chắc chắn sẽ phải xem xét. 

Đối với các quốc gia đang tìm cách thu hút sự hỗ trợ tài chính quốc tế để chống biến đổi khí hậu như Việt Nam, điều quan trọng cần phải làm là xem xét và thay đổi các quy trình nếu cần thiết. Bởi vì khi đó các quốc gia như New Zealand và các nhà tài trợ lớn hơn khác sẽ thấy Việt Nam là một quốc gia mà họ muốn làm việc.

New Zealand hiện đang làm việc cùng với Việt Nam để giảm phát thải khí methane trong nông nghiệp. Tại Việt Nam, phần lớn khí methane là từ các hoạt động canh tác lúa, trong khi ở New Zealand là từ ngành chăn nuôi. Mục tiêu của sự hợp tác đó không chỉ nhằm giảm lượng khí methane ở từng nước mà còn cả khu vực.

Chúng tôi cũng phối hợp với Việt Nam trong đảm bảo sự an toàn cho các con đập. Đây sẽ là một trong những vấn đề mà hai thủ tướng sẽ thảo luận khi gặp nhau trong tuần này. 

Mục tiêu cuối cùng của các dự án an toàn đập là nhằm tăng sức chống chịu và giúp người nông dân Việt Nam, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, đủ sức đương đầu với lụt – một hậu quả của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Ardern sẽ bàn gì ở Việt Nam? - Ảnh 3.

Nguồn: Đại sứ quán New Zealand, Bộ Ngoại giao Việt Nam – Dữ liệu: DUY LINH – Đồ họa: TẤN ĐẠT

* Vậy Việt Nam và New Zealand có đang chia sẻ thông tin gì với nhau không, chẳng hạn như trong chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU)?

– IUU là một vấn nạn mà ngay cả các lực lượng thực thi pháp luật của New Zealand cũng lo lắng. Chúng tôi đã phối hợp với Việt Nam tại nhiều diễn đàn khu vực để chia sẻ cách giải quyết vấn đề. Sự hợp tác đó hiện vẫn đang tiếp tục, trong đó có một dự án New Zealand tài trợ thông qua một tổ chức nghề cá trong khu vực. 

Dự án đó vẫn đang trong quá trình phát triển, với trọng tâm là xây dựng một bản đồ về IUU giúp Việt Nam có thông tin chính xác. Có thể nói đang có rất nhiều hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này để bảo đảm rằng dù đó là vùng biển của New Zealand hay Việt Nam, chúng ta cũng đều có thể ngăn chặn IUU thông qua việc chia sẻ thông tin.

Ngưỡng mộ “mũ nồi xanh” Việt Nam

Theo Đại sứ Tredene Dobson, một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác chính là gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Bà Dobson bày tỏ ngưỡng mộ Việt Nam khi có tới 20% binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình là nữ. Theo bà, đó là điều mà Việt Nam nên thực sự tự hào và bà hy vọng New Zealand có thể làm theo điều đó trong tương lai.

“Tôi có một người bạn chí cốt cũng là lính gìn giữ hòa bình được triển khai đến Nam Sudan. Anh ấy luôn kể cho tôi nghe về những người lính Việt Nam tình cờ gặp. Chúng ta tự hào vì đang sát cánh cùng nhau tham gia vào cùng một nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm sớm đem lại hòa bình cho Nam Sudan”, đại sứ New Zealand chia sẻ.

DUY LINH thực hiện
TTO