22/01/2025

Gạo Việt ra ‘đấu trường’ thế giới

Gạo Việt ra ‘đấu trường’ thế giới

Các giải nhất, nhì, ba ở hạng mục gạo thơm sau khi được chọn từ cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” lần 3 sẽ đại diện cho Việt Nam dự thi “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2022 (The World’s Best Rice 2022).

 

 

 

 

Gạo Việt ra đấu trường thế giới - Ảnh 1.

Ban giám khảo chấm mẫu gạo thơm, gạo nếp trước khi nấu – Ảnh: THẢO THƯƠNG

Sáng 4-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” lần thứ 3, năm 2022. Cuộc thi dành cho hai chủng loại gạo là gạo thơm các loại và gạo nếp. Trong đó, gạo thơm là dòng gạo cao sản, giúp phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, tăng giá trị, thu nhập của người nông dân. Vì thế, cuộc thi không có các giống gạo đặc sản vùng miền nổi tiếng có số lượng hạn chế.

Mùa giải năm nay có sáu đơn vị tham gia dự thi gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH thương mại HK, DNTN Hồ Quang Trí, Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng cộng 8 mẫu gạo thơm, 4 mẫu gạo nếp. 

Ban giám khảo gồm Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hội Đầu bếp Việt Nam, Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ và Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC. 

Ban giám khảo chấm điểm trên các tiêu chí: mẫu gạo, nếp trước và sau khi nấu; sau đó thuyết minh đặc tính của các mẫu.

Kết quả, gạo thơm của Công ty cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED được trao giải nhất, giải nhì là gạo ST24 của DNTN Hồ Quang Trí, giải ba là gạo của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

Với gạo nếp, giải nhất và giải ba thuộc về Công ty cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED, giải nhì thuộc về Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Thường Quân – chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam (VICA), trưởng ban giám khảo cuộc thi – chia sẻ cách chấm gạo: đầu tiên là theo cảm quan (dựa vào màu sắc và độ đồng đều), sau khi cảm quan xong mới nấu, lúc này chấm dựa trên những tiêu chí như: độ trắng của cơm, độ dẻo, độ ngọt, độ thuần, độ nguyên hạt sau khi nấu…

Cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2019. Gạo ST24 của kỹ sư Hồ Quang Cua (thuộc DNTN Hồ Quang Trí, tỉnh Sóc Trăng) đoạt giải nhất. Ngoài ra, gạo ST25 của doanh nghiệp này cũng đoạt giải ba.

Khi tham gia cuộc thi Gạo ngon thế giới 2019, vượt qua Thái Lan, gạo ST25 của ông Cua đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đoạt được danh hiệu này trong cuộc thi tìm kiếm gạo ngon trên phạm vi toàn cầu.

Năm 2020, cuộc thi diễn ra lần 2, gạo ST25 đoạt giải nhất trong nước và giành giải nhì tại cuộc thi Gạo ngon thế giới 2020 diễn ra tại Mỹ (giải nhất thuộc về Thái Lan, giải ba thuộc về Campuchia).

Năm 2021, do COVID-19, cuộc thi trong nước không diễn ra. Nhưng tại Dubai, ban tổ chức vẫn nhận mẫu từ các đơn vị của Việt Nam, nhưng kỹ sư Hồ Quang Cua không tham gia. Gạo Hom Mali của Thái Lan tiếp tục giành quán quân “Gạo ngon thế giới” năm 2021, không có giải nhì, ba.

THẢO THƯƠNG
TTO