Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đà Nẵng là hạt nhân miền Trung

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đà Nẵng là hạt nhân miền Trung

Đó là nhận định của lãnh đạo Bộ Công Thương dựa trên phân tích tiềm năng, thế mạnh về địa lý, hạ tầng và nhân lực TP Đà Nẵng tại hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ ngày 4-11.

 

 

 

 

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đà Nẵng là hạt nhân miền Trung - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Huy (phải), giám đốc Công ty cổ phần Trung Nam EMS, giới thiệu các bảng mạch in doanh nghiệp này chế tạo tại triển lãm bên lề hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng 2022 – Ảnh: TẤN LỰC

Theo ông Đỗ Thắng Hải – thứ trưởng Bộ Công Thương, TP Đà Nẵng giữ vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có dư địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ và liên kết, tạo giá trị lan tỏa toàn vùng.

 

Đặt mục tiêu công nghiệp đóng góp 40% GDP

Ngày 4-11, Bộ Công Thương và UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng 2022 với sự tham gia của đại diện nhiều tỉnh thành, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chia sẻ với các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, ông Đỗ Thắng Hải cho biết hiện nay công nghiệp hỗ trợ nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. 

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đà Nẵng là hạt nhân miền Trung - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương, nói về tiềm năng công nghiệp của Đà Nẵng – Ảnh: TẤN LỰC

Việt Nam xác định phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là trung tâm, chế tạo công nghệ thông minh là bước đột phá với mục tiêu đến năm 2030 tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP (trong đó 30% là công nghiệp chế biến, chế tạo). Trong đó, công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, việc cần làm là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất lắp ráp trong ngoài nước.

“TP Đà Nẵng đóng vai trò hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với thế mạnh địa lý, hạ tầng và nhân lực, Đà Nẵng còn nhiều dư địa phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ; giữ vai trò tạo liên kết với các doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo tính lan tỏa cho vùng kinh tế” – ông Hải nhận định.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đà Nẵng là hạt nhân miền Trung - Ảnh 3.

Gian trưng bày các sản phẩm liên quan tới ngành điện của Mitsubishi Electric – Ảnh: TẤN LỰC

Được biết, tính tới hiện tại Đà Nẵng đã thu hút được 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ USD. Thành phố này hiện có khoảng 110 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó các doanh nghiệp FDI đa số đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.

Thông tin tới doanh nghiệp, ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, nói thành phố này đã thực hiện nhiều chủ trương khuyến khích công nghiệp hỗ trợ, cùng với công nghệ thông tin và công nghệ cao thành ba trụ cột công nghiệp TP. 

Mục tiêu của Đà Nẵng là thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng về số lượng, có khả năng tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tập trung vào các sản phẩm linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm, đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp. 

Đà Nẵng hướng tới thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh vào thành phố để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, tạo động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đà Nẵng là hạt nhân miền Trung - Ảnh 4.

Doanh nghiệp sản xuất thiết bị chống ồn giới thiệu về tính năng sản phẩm tại triển lãm bên lề hội nghị – Ảnh: TẤN LỰC

“Đà Nẵng đã ban hành chính sách hỗ trợ và chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn và khu vực miền Trung – Tây Nguyên cùng các tỉnh thành khác hợp tác. 

Đồng thời thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, các tập đoàn đa quốc gia để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Hồ Kỳ Minh cho hay.

 

Công nghiệp là trụ cột kinh tế nhiều tỉnh thành

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương có nền công nghiệp phát triển đã chia sẻ tình hình phát triển kinh tế dựa vào công nghiệp như là trụ cột bền vững. Ông Bùi Quang Hải, giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, cho biết những năm gần đây TP này có sự đột phá lớn về công nghiệp, là trụ cột phát triển kinh tế. Trong đó, riêng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 90%. 

Việc tập trung phát triển công nghiệp đã thu hút dòng vốn đầu tư rất lớn, lên tới hàng tỉ USD. Trong đó, riêng Tập đoàn LG đã đầu tư vào đây trên 7 tỉ USD, VinFast hơn 3 tỉ USD. Hiện toàn TP Hải Phòng có tới 419 dự án FDI với tổng vốn trên trên 24 tỉ USD. Thành phố này cũng phát triển được mạng lưới 321 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. 

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đà Nẵng là hạt nhân miền Trung - Ảnh 5.

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “tranh thủ” tiếp cận tìm hiểu sản phẩm và cơ hội hợp tác – Ảnh: TẤN LỰC

Ông Hải đề xuất các địa phương và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ để dễ dàng kết nối, liên kết với các đối tác, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Quang – phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, từ khi có sự hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đã thúc đẩy công nghiệp phát triển mạnh mẽ. 

Tới nay, tỉnh này đã huy động được 10 tỉ USD vốn đầu tư. Nhờ đó, nền kinh tế địa phương tăng trưởng bình quân 12,5%/năm, tổng thu ngân sách tăng bốn lần so với 10 năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo là then chốt, mũi nhọn của tỉnh với 1.050 doanh nghiệp chế biến chế tạo.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đà Nẵng là hạt nhân miền Trung - Ảnh 6.

Các sản phẩm lọc nhớt cho xe ô tô được Công ty cổ phần HIFILL sản xuất tại Đà Nẵng – Ảnh: TẤN LỰC

Đánh giá về tình hình phát triển công nghiệp trong nước, ông Phạm Tuấn Anh, phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, nhìn nhận các ngành công nghiệp đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển đất nước; có tỉ lệ đóng góp lớn nhất với ngân sách và là ngành xuất khẩu chủ đạo; hình thành được một số tập đoàn tư nhân lớn và giải quyết nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tuy nhiên, nội lực nền công nghiệp trong nước hiện còn yếu so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn thấp, trình độ nhân lực, kỹ thuật sản xuất cũng tương tự. Chưa hình thành được chuỗi cung ứng trong nước và chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Nền công nghiệp phát triển không cân đối, phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Công nghiệp nặng – nền tảng các ngành công nghiệp hiện chiếm tỉ trọng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc đầu vào từ bên ngoài, giá trị gia tăng thấp, dễ bị tổn thương trước các biến động bên ngoài.

 

TẤN LỰC