Có nên phạt 5-10 triệu đồng khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm giảng viên, người học?
Có nên phạt 5-10 triệu đồng khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm giảng viên, người học?
Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu ai có hành xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học hay cán bộ, giảng viên… nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 88 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Chính phủ ban hành ngày 26.10 và bắt đầu có hiệu lực từ 12.12.
Theo Nghị định 88 về mức phạt và bồi thường vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong trường hợp kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học (chưa đến mức bị truy cứu hình sự), giảng viên bị phạt 5-10 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với người học nếu có hành vi tương tự với nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong trường.
Ngoài nộp phạt tiền mặt, người gây ra hành vi phải buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm, trừ trường hợp nạn nhân yêu cầu không công khai.
Trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bất cứ ai có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người khác đều bị phạt tiền để răn đe MỸ QUYÊN |
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho biết: “Việc trò xúc phạm thầy cô thì lâu nay cũng có, thậm chí có cả phụ huynh vào tận trường để cãi nhau, nói lời xúc phạm… Với học sinh, sinh viên thì dễ, đa phần các em chỉ nhất thời, trường sẽ xử lý bằng cách mời lên làm việc, cảnh cáo và viết bản kiểm điểm lần 1. Nếu lần 2 vẫn có hành vi xúc phạm thì buộc thôi học một tuần, lần 3 buộc thôi học luôn, chứ chưa phạt tiền bao giờ”.
Theo thạc sĩ Lý, chỉ khi học trò lấy cắp đồ của trường, phá hoại tài sản… thì trường sẽ phạt tiền đúng phần mất mát, có phụ huynh chứng kiến.
“Chúng tôi muốn giáo dục ý thức ứng xử của các em để các em trở thành người tốt, đồng thời luôn nhắc nhở, khuyên răn kín đáo chứ không bao giờ công khai, bêu riếu. Kinh nghiệm cho thấy cách làm như vậy đã khá hiệu quả”.
Trong khi đó, thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, giảng viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, nhìn nhận việc đưa ra bất kỳ hình thức phạt nào cũng chỉ nhằm mục đích răn đe chứ chưa nhằm mục đích giáo dục hay đi vào giải quyết triệt để vấn đề về bản chất.
“Việc xúc phạm người học, giảng viên… thì bị phạt tiền, vậy như thế nào là xúc phạm, mức độ nào thì phạt bao nhiêu… Nhiều khi chỉ một câu nói của người dạy thôi, cũng làm thay đổi cả cuộc đời của một người học và ngược lại. Vậy 5 hay 10 triệu đồng có đủ để bồi thường hay không?”, thạc sĩ Nhàn phân tích.
Thạc sĩ Nhàn tiếp tục nêu vấn đề: “Sau khi đóng phạt rồi, liệu chuyện đó có chấm dứt hay không hay nó lại trở thành tiền lệ giống kiểu: Một câu xúc phạm đáng giá 5 triệu, vậy để cô xúc phạm em hẳn 10 câu cô đóng 1 lần 50 triệu đồng…, hay là cứ có tiền phạt là được quyền xúc phạm người khác?”
VÌ thế, theo thạc sĩ Nhàn, cần thiết hơn là phải xây dựng được tiêu chuẩn về tác phong, hành vi, lối sống, phát ngôn và hành động của cán bộ, giảng viên, người học, phụ huynh… trong môi trường sư phạm.
Còn thạc sĩ Phạm Văn Mạnh, giảng viên Trường CĐ Công thương TP.HCM, lại cho rằng xử lý bằng cách phạt tiền cũng là một trong những biện pháp để hạn chế tình trạng vi phạm này trong môi trường giáo dục.
Tương tự, thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng nhận định quy định trên sẽ góp phần làm cho mối quan hệ giữa giảng viên – người học, giảng viên – giảng viên, sinh viên – sinh viên… trong trường học giảm bớt những ứng xử tiêu cực.
“Tuy nhiên, phạt tiền chỉ nên là biện pháp cuối cùng, quan trọng vẫn là nhắc nhở, cảnh cáo, răn đe theo hướng giáo dục ý thức để những người vi phạm tự thay đổi cách ứng xử theo hướng tích cực hơn”, thạc sĩ Đông cho hay.
MỸ QUYÊN
TNO