15/09/2024

Thuế thu nhập cá nhân: ‘Sửa ở thời điểm thích hợp’, ổn không?

Thuế thu nhập cá nhân: ‘Sửa ở thời điểm thích hợp’, ổn không?

Chi phí phục vụ cuộc sống tăng cao, rất nhiều người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho rằng đã đến lúc cần sửa Luật thuế TNCN để nhắc đến luật này không chỉ là thông tin tăng thu, mà còn là sự chia sẻ, nhân văn của Nhà nước.

 

 

 

 

Thuế thu nhập cá nhân: Sửa ở thời điểm thích hợp, ổn không? - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức (TP.HCM) – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trước bối cảnh vật giá leo thang, cử tri một số địa phương vừa có kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc bằng 70% đối với người nộp thuế.

 

Xin đừng thờ ơ

Phản hồi kiến nghị này, Bộ Tài chính cho rằng hiện đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế TNCN để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp.

Cách đây hơn 4 năm, từ đầu năm 2018, trong văn bản lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật thuế TNCN, Bộ Tài chính thừa nhận một số quy định trong luật như biểu thuế lũy tiến từng phần quá nhiều bậc và khoảng cách giữa các bậc quá dày, gây bất lợi cho người nộp thuế…

Ngoài 7 bậc thuế với mức thuế cao nhất lên tới 35%, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cũng quá lạc hậu. Như 4,4 triệu đồng/tháng không đủ để nuôi một đứa trẻ ở thành phố, lại càng không đủ để chăm sóc một người già không còn sức lao động. Chi phí thuốc men, đi lại, bệnh viện đều tăng cao. 

Để được giảm trừ, người phụ thuộc như cha mẹ người nộp thuế phải quá tuổi lao động và phải có thu nhập bình quân tháng không quá 1 triệu đồng. Điều này cho thấy chính sách quá bất cập, xa vời với thời cuộc.

“Thế nhưng, đến giờ phút này mà Bộ Tài chính vẫn chưa đề xuất để sửa toàn diện Luật thuế TNCN cho thấy sự quá chậm trễ, đủng đỉnh, thờ ơ của bộ này trước khó khăn của người nộp thuế” – trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, thẳng thắn nhận định.

Bởi chính sách thuế TNCN đang tận thu khi chuyển nhượng chứng khoán lỗ nặng nhưng vẫn phải nộp 0,1% giá chuyển nhượng. Hay các khoản chi chính đáng của người nộp thuế không được trừ trước khi tính thuế như quy định ở nhiều nước.

Nhìn sang các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh… hay các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan… chính sách thuế TNCN luôn đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế. 

Như tại Mỹ, thu nhập chịu thuế được tính là tổng thu nhập trừ các khoản phải giảm trừ như học phí, lãi vay mua nhà… sau đó, trừ tiếp ngưỡng chịu thuế rồi mới nhân với các mức thuế theo biểu thuế lũy tiến. Ngưỡng chịu thuế tại Mỹ cũng được áp dụng theo đối tượng như người đã kết hôn, người độc thân, thậm chí người độc thân là trụ cột kinh tế gia đình…

 

Sòng phẳng với người nộp thuế

Để sòng phẳng với người nộp thuế, luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, đề nghị cần sửa đổi toàn diện bằng cách thiết kế lại luật này và bắt đầu từ tư duy đánh thuế. Trước tiên, mức thuế bậc đầu tiên cần hạ xuống 1-2% để khuyến khích tính tuân thủ của người nộp thuế. Vì mức thuế quá cao 5% ở bậc 1 được xem là gánh nặng đối với người nộp thuế.

Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, TS Tú đề nghị phải nâng mức giảm trừ gia cảnh hằng tháng lên mức 20 triệu đồng cho người nộp thuế và 10 triệu đồng/người phụ thuộc. Đặc biệt, người nộp thuế phải được trừ các khoản chi chính đáng như tiền mua nhà, thuê nhà, trả lãi vay ngân hàng cho mua nhà, học phí con, cho bản thân… 

“Đây là những chi tiêu thiết yếu, vô cùng thiết thực của người dân. Nên khoản chi nào có biên lai, hóa đơn chứng từ là được trừ trước khi tính thuế TNCN” – ông Tú đề nghị.

 

Nên nhìn sang bên cạnh học tập?

Tại Malaysia, ngoài mức giảm trừ gia cảnh, người nộp thuế được trừ hơn 20 khoản chi khác như chi phí chăm sóc cha mẹ, học phí, tiền khám chữa bệnh cho bản thân… Tại Thái Lan cũng vậy, người nộp thuế cũng được giảm trừ gia cảnh, tiền lãi vay mua nhà trả góp, học phí cho con, tiền mua bảo hiểm nhân thọ… trước khi tính thu nhập chịu thuế.

Còn ở Việt Nam, Luật thuế TNCN được ban hành từ cuối năm 2007. Dù có sửa đổi một lần nhưng theo nhiều chuyên gia, chưa đúng bản chất của sắc thuế này cũng như chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

LÊ THANH
TTO