22/12/2024

Hoang phí ‘đất vàng’

Hoang phí ‘đất vàng’

Đất nước đang trong thời kỳ phát triển rất cần chắt chiu, tận dụng mọi nguồn lực, tuy nhiên vẫn còn không ít sự lãng phí vô lý kéo dài nhiều năm ở những công trình, dự án trên “đất vàng” bỏ hoang.

 

 

 

Công trình nghìn tỉ bỏ hoang giữa trung tâm Hà Nội

Đứng cạnh tòa nhà Keangnam hoành tráng do doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đầu tư xây dựng là “xác” nhà cao tầng mang tên dự án (DA) Trung tâm điều hành và giao dịch của Tổng công ty xi măng VN – VICEM (tòa nhà VICEM). Tòa nhà này tọa lạc tại lô 10E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy (P.Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm) – khu “đất vàng” với diện tích gần 8.500 mxây dựng. Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ xây dựng tòa văn phòng tiêu chuẩn hạng A, cao 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, tổng diện tích sàn khoảng hơn 78.000 m2. Dự án được khởi công vào năm 2011, dự kiến hoàn thành sau khoảng 3 năm nhưng chậm tiến độ, sau đó được lùi thời hạn đi vào hoạt động sang cuối năm 2017. Tổng mức đầu tư ban đầu gần 1.952 tỉ đồng, và được điều chỉnh tăng lên 2.743 tỉ đồng (tăng gần 800 tỉ đồng).

Hoang phí 'đất vàng' - ảnh 1
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội) đang bị bỏ hoang  NGUYỄN BẮC

Sau nhiều vi phạm, năm 2020, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại VICEM trong việc đầu tư tòa nhà VICEM này.

Tính đến nay là sau hơn 11 năm khởi công, công trình tòa nhà VICEM vẫn chỉ là khối bê tông dãi nắng dầm mưa khiến nhiều người không khỏi xót xa. Chưa kể, vị trí lô đất nằm ngay mặt đường Phạm Hùng, được giới bất động sản đánh giá là “đất vàng” hiếm có ở trung tâm TP.Hà Nội.

Thật đau xót khi đất nước chưa giàu nhưng còn quá nhiều dự án bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí kéo dài, góp phần làm nghèo quốc gia.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT

Ngày 29.10, theo quan sát của PV Thanh Niên, DA này được rào xung quanh bởi các lớp tôn đã hoen gỉ, cây dại mọc um tùm. Bên trong công trình, phần hầm, sân, sảnh tòa nhà… bị bỏ hoang, nước đọng lênh láng. “Lô đất rộng gần 1 ha, nằm ở vùng trung tâm thành phố đầy tiềm năng sinh lợi kinh tế như thế, nhưng bị bỏ hoang hơn chục năm qua đã là quá lãng phí. Đây lại thêm công trình tòa nhà văn phòng xây dựng cả mấy nghìn tỉ đồng rồi bỏ dở, xuống cấp. VICEM là DN vốn nhà nước, tức là tiền ngân sách từ thuế người dân đóng mà ra, vậy mà đầu tư làm ăn thế này thì chết”, ông Nguyễn Công Tâm (45 tuổi, người dân P.Mễ Trì), chủ một DN kinh doanh văn phòng ở Hà Nội, xót xa nói.

 

Dân ở tạm bợ trong khi đất bỏ hoang

Tại Q.Hoàng Mai (Hà Nội) đã 18 năm qua, DA khu đô thị mới Thịnh Liệt vẫn đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. DA do Công ty TNHH MTV nhà ở và đô thị Licogi – thuộc Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư. Năm 2004, UBND TP.Hà Nội có quyết định thu hồi khoảng 35 ha đất tại các phường: Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc Q.Hoàng Mai, tạm giao cho Licogi lập phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), chuẩn bị triển khai.

Theo ghi nhận, khu đất thực hiện DA khu đô thị mới Thịnh Liệt có vị trí đắc địa bậc nhất Q.Hoàng Mai khi tiếp giáp với nhiều khu đô thị đã quy hoạch đồng bộ, hiện đại. DA có vị trí gần công viên và các khu cư dân hiện hữu sầm uất. Dù vậy, đến nay tất cả vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa. Trong khi đó, nhiều người dân ở đây cho biết, DA đã làm đảo lộn cuộc sống, tước đi kế sinh nhai của họ.

Theo tư liệu của Thanh Niên, DA sẽ kết thúc vào năm 2011 theo kế hoạch 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 hoàn thành GPMB, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư phục vụ tái định cư… Giai đoạn 2, xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự.

Tại một số cuộc họp về điều chỉnh dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội từng nêu rõ, tiến độ GPMB quá chậm, với nguyên nhân chính do Công ty TNHH MTV nhà ở và đô thị Licogi chưa chủ động trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, TP.Hà Nội vẫn để chủ đầu tư tiếp tục làm với điều kiện phải quyết liệt GPMB và sớm đầu tư xây dựng DA. Cuối 2020, các đơn vị chức năng Q.Hoàng Mai đã hoàn thành GPMB giai đoạn 1 của dự án với tổng diện tích khoảng gần 30 ha. Nhưng đến nay, phần diện tích đã GPMB này cỏ dại mọc um tùm. Hạ tầng trong khu đất vẫn chỉ là những lối đi tạm, chưa được thảm nhựa.

Một người dân sống trong khu vực DA này bức xúc: “DA này lâu lắm rồi, từ năm 2004. Chán lắm, đất thì cứ để hoang đấy, có làm gì đâu. Người dân thì thiếu nhà ở, phải làm nhà tạm”. Đáng nói, câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là việc tại sao DA này chậm trễ bao nhiêu năm nay vẫn chưa bị thu hồi, vẫn để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện…

 

Gian nan đòi lại đất công

Tại TP.HCM, nhiều khu “đất vàng” giao cho DN bị bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích, nhưng việc thu hồi để xây dựng trường học lại gặp nhiều trở ngại, thậm chí là sự chây ì, thách thức của DN.

Nằm ở khu vực ngoại thành TP.HCM, Q.12 có hơn 720.000 người dân thường trú và tạm trú, cùng hơn 60.000 người lưu trú, gây áp lực lớn đến công tác xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập cho con em trong độ tuổi đi học. Nhiều phường, học sinh phải học chen chúc trong những lớp có sĩ số hơn 50 học sinh. Cũng trên địa bàn, nhiều khu đất do nhà nước giao cho các DN nhưng sử dụng không hiệu quả, thậm chí DN còn đem cho thuê lại hưởng chênh lệch.

Trước thực trạng đó, từ đầu năm 2021, Quận ủy Q.12 đã báo cáo 14 khu đất sử dụng chưa hiệu quả và đề xuất thu hồi để xây dựng trường học và các công trình công cộng khác. Một số khu đất có diện tích lớn như: khu đất rộng gần 10.800 m2 ở P.Tân Thới Nhất do Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM quản lý; khu đất rộng gần 25.500 m2 tại P.Hiệp Thành do Công ty CP hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex quản lý; khu đất rộng hơn 53.300 m2 ở P.Trung Mỹ Tây do Công ty TNHH đầu tư – thương mại Đồng Tiến quản lý…

Đáng nói, Sở QH-KT cũng thống nhất đề xuất của Q.12 nhằm tăng quỹ đất giáo dục cho địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có khu đất nào được bàn giao về cho địa phương để xây trường học. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND Q.12, dân số của quận ngày càng gia tăng, nhu cầu trường lớp “là vấn đề rất cấp bách”.

“Tinh thần là các khu đất phù hợp quy hoạch, DN sử dụng không hiệu quả, lãng phí thì đề xuất thành phố thu hồi. Thực tế có những khu đất được giao 20 – 30 năm mà DN không triển khai. Quận đề xuất xây trường học và công trình công cộng nên được người dân đồng tình, ủng hộ và mong muốn triển khai sớm”, ông Đức nói thêm.

Ở trung tâm TP.HCM, khu “đất vàng” số 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10) rộng gần 11.000 m2 bị Công ty CP giày Sài Gòn sử dụng sai mục đích, cho thuê mặt bằng hưởng chênh lệch, và Thanh tra Sở TN-MT từng xử phạt hàng trăm triệu đồng. Đến tháng 12.2020 là hết thời hạn thuê đất, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi (cuối tháng 5.2021) và điều chỉnh quy hoạch để xây dựng trường học nhưng đến nay DN này vẫn chây ì, không chịu bàn giao.

 

“Thật đau xót…”

Bình luận về việc DN chây ì không giao “đất vàng” số 419 Lê Hồng Phong, đại biểu HĐND TP.HCM Trần Quang Thắng nói rằng không thể chấp nhận kiểu DN coi thường kỷ luật, kỷ cương nhà nước. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, tổ chức cưỡng chế để thu hồi bởi đất công thì không ai được phép chiếm dụng. “Lãnh đạo thành phố cũng cần đôn đốc, theo dõi việc thực hiện quyết định thu hồi, chứ không thể phó mặc cho cấp dưới mà không kiểm tra, như vậy sẽ không nghiêm minh”, ông Thắng nói.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, thẳng thắn bày tỏ: “Thật đau xót khi đất nước chưa giàu nhưng còn quá nhiều dự án bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí kéo dài, góp phần làm nghèo quốc gia. Nhiều nước có nền kinh tế vững hơn như Nhật Bản, Singapore… trình độ phát triển cao hơn nước ta nhưng tinh thần tiết kiệm của họ rất tốt, lan tỏa sâu rộng trong từng người dân. Đấy là điều đáng học hỏi”.

Hoang phí 'đất vàng' - ảnh 2
 Khu đất rộng gần 10.800 m2 ở P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM do Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM quản lý được đề xuất thu hồi để xây trường học SỸ ĐÔNG

GS Đặng Hùng Võ cho rằng muốn lan tỏa tinh thần tiết kiệm là quốc sách thì trước tiên phải tháo gỡ, xử lý triệt để các DA, công trình bỏ hoang đang tồn tại. Nhà nước cần có cơ chế, phòng ngừa, triệt tiêu những DA, công trình bỏ hoang, lãng phí kéo dài. Ngay từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch đã phải rất thận trọng, có tâm có tầm để tránh lãng phí. Nhưng nếu vì lý do nào đó không tránh được sai sót thì phải mạnh dạn dứt khoát sửa sai sớm, không được để kéo dài. Nhà nước và người dân cùng phải tiết kiệm nguồn lực chứ chưa giàu mà hoang phí thì khó khá lên được.

Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, để tồn tại nhiều công trình, DA bỏ hoang, lãng phí tiềm năng “đất vàng” về bản chất cũng gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia nên phải rà soát, bổ sung chế tài pháp luật xử lý tổ chức, cán bộ, cá nhân liên quan. Mỗi địa phương cần tự rà soát lại các DA, công trình bỏ hoang, đề xuất giải pháp xử lý, tìm lối thoát, chấm dứt sự lãng phí. Trường hợp DN lập DA, ôm đất giữ phần, phải cương quyết thu hồi. Thậm chí truy trách nhiệm cán bộ, tổ chức buông lỏng quản lý, để đất đai bị hoang phí.

Ý kiến:

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà: Xử lý trước 4 tỉnh có 2.000 dự án treo

ẢnhLãng phí đất đai do các DA chậm tiến độ, treo. Trước đây, có 28.155 ha đất vướng DA chậm tiến độ hoặc treo, dù đã xử lý được trên 10.000 ha, nhưng vẫn còn hơn 18.000 ha chưa được xử lý. Nguyên nhân có nhiều, do chậm GPMB, quy hoạch thay đổi; các nhà đầu tư đã lựa chọn kém năng lực; quá trình xử lý các vấn đề pháp luật đất đai có chồng chéo, vi phạm pháp luật có kết luận thanh tra hoặc tòa án…

Về giải pháp, Chính phủ đã lập đề án tập trung vào 4 tỉnh, thành có trên 2.000 DA treo, đưa ra các phương án để xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền. Với việc sửa luật Đất đai sắp tới, nhằm tránh lợi ích nhóm trong lợi dụng chính sách, luật sẽ tập trung rất cụ thể vào các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, các nội dung liên quan đến định giá. Hầu hết các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu, đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch.

Đối với vấn đề định giá hiện nay, quy định trong luật bao gồm khung giá, bảng giá và định giá cụ thể. Tuy nhiên, khung giá, bảng giá hiện nay không sát thị trường, được thực hiện 5 năm 1 lần; các cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai, giá đất được thu thập không đầy đủ, thiếu chính xác. Nếu có đầu vào chính xác về dữ liệu đất đai, có thể thay đổi cơ bản phương pháp định giá dựa vào các cơ sở dữ liệu về đất đai bao gồm giá đất.

Mai Hà (ghi)

TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN: Không thể để bỏ hoang mãi

Ảnh

Cần rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng các khu “đất vàng” bỏ hoang, công trình nhiều năm còn đang dang dở. Việc này vừa xử lý lãng phí, vừa đưa được công trình vào sử dụng để thị trường có thêm động lực phát triển, nhà nước cũng thu thêm được ngân sách, DN phát triển công trình tạo ra công ăn việc làm cho lao động. Chưa kể, ngành bất động sản còn liên quan mật thiết với nhiều ngành khác như xây dựng, vật liệu xây dựng… nên việc tập trung xử lý các công trình này cũng một phần nào đó thúc đẩy các ngành kinh tế khác.

Tất nhiên, với các công trình bị bỏ hoang lâu năm như vậy thì cơ chế vốn cũng không nên quá cứng nhắc mà cần được linh hoạt. Sâu xa hơn thì tiềm năng phát triển nằm đó, còn các nguyên tắc quản lý lại là do con người. Do đó, để thay đổi được cho hiệu quả thì con người đóng vai trò quan trọng. Làm sao đặt mục tiêu để cho DA được đi vào sử dụng, công trình không còn hoang hóa, và có những giải pháp để quản lý được vấn đề này, làm sống lại công trình thì sẽ đạt hiệu quả nhiều mặt hơn là cứ để hoang phí như vậy.

Lê Quân (ghi)

 

THANH NIÊN

TNO