23/11/2024

Lớp học tiếng Anh đặc biệt của các cụ cao niên

Lớp học tiếng Anh đặc biệt của các cụ cao niên

Hơn 4 năm nay, trừ thời điểm giãn cách xã hội vì dịch bệnh, lớp học tiếng Anh đặc biệt với các học viên là các cụ ông, cụ bà từ hơn 60 đến gần 90 tuổi đều đặn diễn ra vào mỗi thứ ba hàng tuần, tại căn hộ tập thể cũ ở Q.Ba Đình (Hà Nội).

 

 

Học không bao giờ là muộn

Lớp học tại một căn hộ ở tầng 3 khu tập thể cũ trên phố Nguyễn Công Hoan (Q.Ba Đình, Hà Nội) có 14 học viên, gồm 13 cụ bà và 1 cụ ông. Người nhiều tuổi nhất cũng gần 90, còn ít tuổi nhất năm nay cũng đã 60.

Bà Nguyễn Thị Thắng, chủ nhà và cũng là học viên đầu tiên của lớp, cho hay khi biết có lớp dạy miễn phí cho người cao tuổi, bà đã chủ động đề xuất tổ chức lớp ngay tại nhà mình.

Bà Thắng tâm sự muốn học tiếng Anh như cách để tập thể dục cho trí não khi tuổi đã cao. Qua lớp học, bà cùng mọi người không chỉ học mà còn được gặp gỡ, trò chuyện, vừa biết thêm ngôn ngữ mới mà đầu óc lại minh mẫn, vui vẻ hơn.

Lớp học tiếng Anh đặc biệt của các cụ cao niên - ảnh 1

Các học viên “đặc biệt” hăng hái phát biểu tại lớp học  LÊ HÙNG

Bà Nguyễn Thị Thanh Đà (Q.Đống Đa, Hà Nội, năm nay 81 tuổi) cho hay đều đặn mỗi tuần bà tự đi xe máy đến lớp cách nhà 5 km. “Tôi nghĩ rằng mình biết thêm được một thứ gì, nhất là ngoại ngữ, thì càng tốt. Trong gia đình, các con, các cháu biết ngoại ngữ, nếu mình không biết thì trở thành người rất lạc lõng, lạc hậu”, bà Đà tâm sự.

Cũng như bà Thắng, bà Đà chia sẻ nhờ có lớp tiếng Anh mà cuộc sống của bà vui hơn, tuổi già vì thế mà bớt cô đơn, thấy mình như trẻ lại. Khi biết các ông bà miệt mài theo đuổi việc học tiếng Anh, nhiều người thân quen thường hỏi “ở tuổi này còn đi học làm gì?”. Và câu trả lời của các học viên đặc biệt này đều khá giống nhau: học không bao giờ là muộn, con cháu thấy gương ông bà già như thế này mà vẫn còn học thì sẽ chăm chỉ học tập hơn.

Dù vậy, họ cũng đều chia sẻ việc học ở tuổi này không hề dễ dàng bởi đã học là nghiêm túc chứ không phải chỉ đến lớp chỉ cho vui. Bà Nguyễn Thị Thanh Đà tâm sự: “Ở tuổi này, hầu như ai cũng vậy, tai nghễnh ngãng, mắt cũng không còn tinh, nên chỉ riêng việc nghe cô giáo giảng và ghi chép trên bảng cũng đã hạn chế, khó khăn. Tuy nhiên, nếu cố gắng, không ngại ngùng thì sẽ vượt qua”.

Bà Nguyễn Thị Lộc thì nhớ lại buổi học đầu tiên với cảm xúc “vừa khó vừa sợ”. Lần đầu luyện đọc tiếng Anh trên phần mềm điện thoại, cụ Lộc chỉ được 54 điểm. Cụ phấn đấu vượt 90 điểm, nên luyện đọc đến tận 600 lần, cuối cùng cán mốc 100 điểm tuyệt đối đầy tự hào.

Bà Nguyễn Thị Thắng thì cho hay, học ngoại ngữ còn đòi hỏi phải học phát âm trong khi tuổi cao thì lưỡi không thể linh hoạt như trẻ nhỏ, nên nhiều từ phát âm đi phát âm lại vẫn không đúng.

“Ví dụ khi nói “I am very well” thì để phát âm từ “well” với người già chúng tôi khá khó, vì để nói được phải cong lưỡi, nhiều người trong lớp không nói được chỉ biết nhìn nhau cười”, bà Thắng vui vẻ nhớ lại.

Nhiều cụ bà mỗi ngày đi học đều mặc áo dài với tâm sự: để vừa nhớ lại cảm giác của nữ sinh ngày xưa, vừa thể hiện sự tôn trọng với giáo viên và các học viên khác.

 

Học rất nhiều từ những học viên đặc biệt

Các lớp tiếng Anh miễn phí này do thượng tọa Thích Chân Quang sáng lập từ năm 2019 tại nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước, với mong muốn giúp người già không còn cô đơn, tìm được niềm vui trong cuộc sống. Hiện ở Hà Nội có khoảng gần chục lớp dạy tiếng Anh cho người già, cả trực tiếp lẫn trực tuyến, trung bình mỗi lớp có 12 – 15 học viên.

Giáo viên đứng lớp là tình nguyện viên thuộc đủ mọi ngành nghề, được đào tạo đại học chuyên ngành tiếng Anh, nhưng chung mong muốn truyền tải đam mê học ngoại ngữ, trang bị kiến thức nền tảng đến người cao tuổi. Những cụ sức khỏe yếu, khó khăn trong việc đi lại sẽ được hỗ trợ học trực tuyến qua máy tính, điện thoại thông minh vào các buổi tối.

Cô giáo Phùng Hải Yến (30 tuổi), giáo viên hướng dẫn lớp học mở tại nhà bà Nguyễn Thị Thắng ở Q.Ba Đình, cho biết đã dạy tiếng Anh cho các cụ từ đầu năm 2019. Cô Yến là một nhân viên văn phòng, biết đến lớp học từ 4 năm trước trong một lần đi dạy hộ nhưng nhận thấy sự đam mê, nhiệt tình khi được học tiếng Anh của các cụ, cô quyết định đăng ký tham gia làm giáo viên không có thù lao và gắn bó đến nay, dù công việc văn phòng cũng bận rộn.

Theo cô Yến, thời gian đầu cũng rất khó khăn, bởi các cụ cao tuổi nên việc nhớ được từ vựng là khá khó, chưa nói đến phát âm. Để duy trì được lớp học cần sự kiên trì bền bỉ. Có như vậy việc học của các cụ mới không bị áp lực, dẫn đến chán nản và bỏ lớp. “Khi lớp học mới bắt đầu, có những hôm cả một buổi học chỉ dạy được 2 – 3 từ vựng. Song dần dần nhờ sự nỗ lực, ham học hỏi, mỗi ngày tích cóp một chút của các cụ, giờ đây các cụ đã nói được khá nhiều từ vựng, thậm chí bây giờ đã có thể giao tiếp căn bản”, cô Yến cho hay.

Cô Yến cũng chia sẻ, một trong những lý do khiến cô gắn bó với lớp học này suốt 4 năm qua còn là vì cô nhận lại được nguồn năng lượng vô cùng tích cực, tinh thần “học không bao giờ là muộn” từ chính các học viên đặc biệt này. Nhiều bác còn dùng điện thoại thông minh để ghi âm lời giảng của giáo viên để về nghe lại. Dù cô giáo đáng tuổi cháu của các ông bà nhưng luôn nhận được sự yêu thương, tôn trọng theo đúng tinh thần “tôn sư trọng đạo” của các cụ.

TUỆ NGUYỄN – LÊ HÙNG

TNO