Nói cây xăng đóng cửa không phổ biến, Bộ Công Thương đang ở đâu?

Nói cây xăng đóng cửa không phổ biến, Bộ Công Thương đang ở đâu?

“Lãnh đạo bộ nên tự mang xe đi đổ xăng để biết người dân TP.HCM khổ thế nào”… là phản hồi của bạn đọc trong sáng 11-10, sau khi Bộ Công Thương cho rằng tình trạng cây xăng đóng cửa là không phổ biến.

Nói cây xăng đóng cửa không phổ biến, Bộ Công Thương đang ở đâu? - Ảnh 1.

Sáng 11-10, người dân rồng rắn xếp hàng đổ xăng tại cây xăng góc đường Trần Phú – Nguyễn Duy Dương, P.8, Q.5, TP.HCM – Ảnh: TR.D.

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, trong thông tin vừa phát đi chiều tối 10-10, Bộ Công Thương khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… là không phổ biến, do có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Lập tức thông tin này vừa phát ra đã gặp phải phản ứng quyết liệt của người tiêu dùng.

“Các vị trên bộ quá xa dân rồi đó. Nhìn báo cáo mà không đọc báo. Nhìn hình ảnh, thước phim người dân chờ đợi đổ xăng cả buổi trời thì sẽ không nói những lời này đâu” – bạn đọc Sus viết.

Cụ thể hơn, một số bạn đọc đã chỉ rõ các địa chỉ “làm khổ” người dân sau đây:

– “Bộ trả lời không đúng thực tế. Cả buổi tối tôi đi vòng vòng quận 12 và Gò Vấp có cây xăng nào mở bán đâu mà nói chỉ 100 cây đóng cửa”? – bạn đọc Võ Thoại.

– “Tại TP.HCM, tôi chạy gần 5km mới có nơi đổ xăng, 5 cây xăng thì 4 cây treo bảng hết xăng. Cây còn lại thì mọi người chen chúc vào đổ. Bộ Công Thương nên đi kiểm tra thực tế thay vì ngồi bàn giấy và nên trả lời có trách nhiệm với người dân” – bạn đọc tên Minh.

– “Hãy vi hành về Hóc Môn, quận 12,… để xem dân khốn khổ thế nào khi phải đẩy bộ xe giữa cơn mưa. Cây xăng nào cũng lắc đầu khi họ tấp xe vào” – bạn đọc tên Xuân.

– “Trời ơi! Vòng vòng quận Bình Tân và quận 6 nơi nào cây xăng cũng ghi: Chờ nhập hàng!” – bạn đọc Longlee.

– “Không biết chỗ khác thế nào chứ gần nhà tôi, tất cả cây xăng đều thông báo hết xăng (Cần Giuộc, Long An) – bạn đọc tên Việt.

– “Rạch Giá, Kiên Giang hôm nay cây xăng đóng cửa hàng loạt, Bộ Công Thương nói hơn 100 cây xăng là quá chủ quan, ngay cả cây xăng Bộ đội biên phòng KG đường LQK chiều nay cũng đóng cửa” – bạn đọc Long Giang.

Từ những thực tế, nhiều bạn đọc cho rằng không thể lấy lý do gì để bao biện cho tình trạng này, Bộ Công Thương phải có trách nhiệm đầu tiên.

Về ý này, bạn đọc Nguyễn Thanh viết: “Xăng dầu thế giới đang diễn biến bình thường thì không thể có bất cứ lý do nào mà thị trường xăng dầu TP.HCM và một số tỉnh phía Nam lại khó khăn đến thế. Bộ trưởng Bộ Công Thương hãy đi xe máy đến bất kỳ cây xăng nào sẽ thấy được sự khó khăn của người dân”.

Và, khi xảy ra vụ việc, thay vì nắm bắt tình hình thực tế, Bộ Công Thương lại không sát thực tế, thay vào đó trấn an người tiêu dùng bằng những báo cáo “trên mây”.

Bạn đọc tên Hiệp bức xúc: “Theo số liệu mà báo Tuổi Trẻ đã đưa thì vào chiều 10-10 chỉ riêng tại TP.HCM đã có đến 121/550 cây xăng ngừng hoạt động. Đối với một siêu đô thị năng động nhất cả nước thì như vậy là rất nghiêm trọng, chưa kể đến các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ cũng đang xảy ra tình trạng tương tự nhưng bộ lại đưa ra con số 100/17.000 cây xăng trên cả nước. Các vị đang ở đâu?”.

Nói cây xăng đóng cửa không phổ biến, Bộ Công Thương đang ở đâu? - Ảnh 3.

Một cửa hàng xăng trên đường Nguyễn Trãi, P.7, Q.5, TP.HCM cũng chật người chen nhau đổ xăng vào sáng sớm 11-10 – Ảnh: TR.D.

Đã đến lúc này, theo nhiều bạn đọc, Bộ Công Thương nên nhìn nhận thực tế và có những điều chỉnh hợp lý.

Về ý này, bạn đọc Hoàng Khanh viết: “Người dân TP.HCM và một số tỉnh phía Nam rất mệt mỏi trong vấn đề đổ xăng. Bộ Công Thương phản ứng quá chậm. Riêng TP.HCM đã có 121 cây xăng không bán, chứ không phải như bộ ngồi trên nghe báo cáo cả nước 17.000 cây xăng, đóng 100 cây đâu, thưa bộ”.

Cùng với suy nghĩ, chỉ bắt tay vào làm mới giải quyết được tình trạng khổ sở của người dân, bạn đọc Phan bổ sung: “Xin đừng nói nữa mà hãy hành động đi. Từ sáng hôm qua tới bây giờ rồi, người dân chúng tôi chờ dài cổ. Giữa trưa nắng đi tìm chỗ đổ xăng. Các vị có thấu hiểu?”.

Thêm vào, bạn đọc Doan Anh nói thẳng: “Không nên vòng vo né tránh trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng bán lẻ xăng dầu hiện nay là do cách điều hành của Bộ Công Thương không ổn. Đề nghị bộ nên rà soát xem cách điều hành của bộ thời gian qua có gì sai ở khâu nào nên sớm điều chỉnh, chứ không thể để người kinh doanh xăng dầu thì xin không bán, còn người tiêu dùng thì xin mua không được”.

Cùng ý này, bạn đọc Hen bổ sung: “Người dân chúng tôi không được biết và cũng không cần biết xăng dầu dự trữ như thế nào, nhưng để người dân chúng tôi khổ sở khi mua xăng, chắc chắn là lỗi của bộ”!

TR.D tổng hợp
TTO