Cha mẹ mắng mỏ kết quả học tập, trẻ sẽ hoang mang khi nghĩ về tương lai

Cha mẹ mắng mỏ kết quả học tập, trẻ sẽ hoang mang khi nghĩ về tương lai

Từ một học sinh giỏi, P.V.H. (18 tuổi) bỏ bê học tập, không hứng thú với mọi hoạt động. Cha mẹ nghĩ rằng con thiếu ý chí mà không hề biết trẻ đã có ý định tự sát, kết thúc cuộc đời mình vì trầm cảm.

Cha mẹ mắng mỏ kết quả học tập, trẻ sẽ hoang mang khi nghĩ về tương lai - Ảnh 1.

Các bác sĩ chia sẻ tại hội thảo “Trầm cảm học đường” ở Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chiều 11-10 – Ảnh: D.LIỄU

Chia sẻ tại hội thảo “Trầm cảm học đường” chiều 11-10 ở Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Lê Công Thiện – trưởng phòng tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần – cho biết tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh.

 

Rối loạn trầm cảm dẫn đến tự sát ở trẻ em

“Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng (xung đột gia đình, chỉ trích, không đạt thành tích trong học tập) và thể hiện lòng tự trọng thấp, mặc cảm quá mức.

Trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em”, bác sĩ Thiện nói.

Bác sĩ Đỗ Thùy Dung – phòng tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai – chia sẻ trường hợp P.V.H. (18 tuổi, Thái Bình) nhập viện vào cuối tháng 6 vừa qua với lý do buồn chán, muốn chết.

Qua khai thác, H. có tính cách hiền lành, trầm tính. Bố mẹ em luôn kỳ vọng rất nhiều và đề cao thành tích. H. có thành tích học tập tốt, còn có niềm đam mê với môn tiếng Anh.

Sau khi thi đỗ cấp III, H. tiếp tục học trường chuyên của tỉnh, lớp 10 được thầy cô chọn vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi tiếng Anh. Bố mẹ hối thúc việc học tiếng Anh.

Việc hối thúc, áp đặt quá mức khiến H. cảm thấy bị áp lực và dần dần chán nản ghét cả môn học yêu thích.

Sau đó, H. xin ra đội tuyển vì cảm thấy áp lực và chán nản. Điều này khiến bố mẹ buồn và thường xuyên mắng mỏ, thường xuyên nhắc lại việc bỏ thi này, càng khiến em chán nản bi quan, không có định hướng cho tương lai.

“Khoảng hai tháng trước khi đến khám, H. cảm thấy chán nản tất cả mọi thứ, không muốn học, không tham gia các hoạt động với lớp. Về nhà, em thường xuyên ở trên phòng không ra ngoài, khó ngủ và dành hầu hết thời gian để chơi điện tử.

Khi bị bố mẹ nhắc nhở, H. không nghe lời như trước, ngược lại còn cáu gắt, vùng vằng hoặc từ chối giao tiếp. Bố mẹ phải nhờ cô ruột tới nhà nói và đưa cháu đi khám.

Chia sẻ với cô ruột, H. nói: “Cháu chỉ muốn chết để kết thúc cuộc đời, cuộc sống không còn thú vị”. Bệnh nhân được cô đưa đến khám tại phòng khám chuyên khoa tâm thần, được chẩn đoán giai đoạn trầm cảm nặng có ý tưởng tự sát, được chỉ định nhập viện.

Sau quá trình điều trị, H. tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vui vẻ và không còn suy nghĩ tiêu cực. Nam sinh này cũng cải thiện mối quan hệ với bố mẹ và được xuất viện, duy trì tái khám theo hẹn”, bác sĩ Dung thông tin.

 

Dấu hiệu của trầm cảm học đường

Theo bác sĩ Thiện, ở từng độ tuổi, trẻ sẽ có những biểu hiện trầm cảm khác nhau. Đối với trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi có những biểu hiện như: khóc lóc, bướng bỉnh, cãi lời, hành vi gây hấn; buồn bã, bơ phờ, thiếu động lực, mất quan tâm, thu mình; lo lắng, ban đầu suy nghĩ về sự mệt mỏi của cuộc sống…

Còn đối với trẻ nhóm tuổi từ 11 tuổi đến 19 tuổi có triệu chứng thờ ơ, tuyệt vọng, tức giận, cảm xúc không thích hợp, từ chối, thu mình; bơ phờ và thiếu động lực, mất quan tâm, tư duy và vận động chậm chạp, các vấn đề về hiệu suất/thành tích, suy giảm nhận thức.

Trẻ có thể ít chú ý hơn đến ngoại hình và nhạy cảm hơn với sự từ chối của bạn bè và trong các mối quan hệ lãng mạn; lo âu, chán ghét, thiếu tự tin, tự trách bản thân, nghiền ngẫm, lo sợ tương lai; hành vi tiêu cực hoặc chống đối xã hội; sử dụng rượu hoặc các chất bất hợp pháp, nguy cơ sử dụng chất cao như thuốc lá điện tử, cần sa… và tự sát.

 

Phát hiện những dấu hiệu ban đầu rất quan trọng

“Vậy ai là người phát hiện trầm cảm học đường?”. Theo bác sĩ Thiện, việc phát hiện ra những biểu hiện ban đầu của trầm cảm học đường rất quan trọng. Để từ đó có những can thiệp kịp thời, “kéo” trẻ ra khỏi trầm cảm.

Trong đó, các thành viên trong gia đình là người quan trọng nhất, cha mẹ cần dành thời gian cho con hằng ngày để theo dõi diễn biến tâm lý con.

Sau đó là thầy cô giáo, cán bộ lớp, đoàn trường, cán bộ y tế, tâm lý trường học, bạn bè. Khi phát hiện những dấu hiệu trẻ có vấn đề về tâm lý cần tiếp cận tìm hiểu nguyên nhân và điều trị cho trẻ kịp thời.

DƯƠNG LIỄU
TTO