Chúa Nhật XXVI TN C 2022: Sống tích cực từng ngày

Tuần trước, chúng ta đã hiểu mình phải là một người môn đệ trung thành để quản lý khối tài sản lớn lao Chúa giao phó cho ta trong cuộc đời trần thế. Nhưng chúng ta đã hành động như thế nào để có thể mang lại hạnh phúc thật sự cho mình và cho người khác? Đó là tuỳ thuộc vào kiểu sống tích cực hay tiêu cực của ta.

Chúa Nhật XXVI TN C 2022

Sống tích cực từng ngày

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước, chúng ta đã hiểu mình phải là một người môn đệ trung thành để quản lý khối tài sản lớn lao Chúa giao phó cho ta trong cuộc đời trần thế. Nhưng chúng ta đã hành động như thế nào để có thể mang lại hạnh phúc thật sự cho mình và cho người khác? Đó là tuỳ thuộc vào kiểu sống tích cực hay tiêu cực của ta.

Phải chăng người giầu không thể được vào Thiên Đàng? | GIESU.NET

1. Cảnh báo những người giàu

Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay cảnh báo những người giàu về thái độ sống hưởng thụ, ích kỷ và tiêu cực của họ đối với tha nhân.

Tiên trí Amos, trong Bài đọc I (x. Am 6,1.4-7), mô tả đời sống của hạng người đó: họ ăn uống linh đình, rượu chè be bét, đàn ca phóng túng nhờ buôn gian bán dối và bỏ mặc những kẻ đói khổ, khốn cùng. Ngài báo trước họ sẽ phải chịu cảnh lưu đày và dân tộc bị tiêu diệt.

Qua dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 16,19-31), Chúa Giêsu cũng mô tả cho ta thấy hai thái độ sống đối lập nhau: thái độ sống buông thả, hưởng thụ của người giàu và thái độ sống âm thầm chịu đựng của anh Lazarô nghèo khó. Kết thúc cuộc đời, anh được hưởng hạnh phúc tuyệt vời là ở trong lòng Abraham để dự tiệc Nước Trời, giống như thánh Gioan ở gần lòng Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly (x. Ga 13,23). Còn ông nhà giàu lại ở dưới âm phủ, bị lửa thiêu đốt, bị khát đến nỗi chỉ mong vài giọt nước từ bàn tay Lazarô nhỏ xuống lưỡi cho mát.

Câu chuyện trong dụ ngôn khiến chúng ta liên tưởng tới tình trạng thiên đường, luyện ngục và hoả ngục, mà mỗi người chắc chắn sẽ nhận được sau cuộc phán xét của Chúa, như kết quả cuộc sống ở thế trần. Nhưng chúng thật sự là gì và ta sẽ sống như thế nào để đạt được hạnh phúc thiên đường?

2. Thiên đường, luyện ngục, hoả ngục là gì?

Chúng là những tình trạng sống của con người sau khi chết, chứ không phải là những nơi chốn cố định, rõ rệt như nhiều người vẫn lầm tưởng hiện nay. Nếu ta mở lại sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, do Hội đồng Giám mục Việt Nam xuất bản năm 2010, ở số 1023-1029 nói về thiên đường, số 1030-1032 nói về luyện ngục, số 1033-1037 nói về hoả ngục cũng như mở lại những tài liệu của Công đồng Vaticanô II nói về Nước Trời, như hiến chế tín lý Lumen Gentium ở số 3, 5, 35-36, 44, 46 và hiến chế mục vụ ở số 39, 45, ta sẽ học được nhiều điều mới mẻ về các tình trạng sống này.

Trước hết, Thiên Chúa không tạo nên các toà nhà lớn với tường cao, có camera theo dõi như các trại giam để những ai vào đó không thể thoát ra ngoài. Trong dụ ngôn Tin Mừng, ông nhà giàu và Lazarô, dù ở hai tình trạng khác biệt, vẫn trông thấy nhau, nói chuyện với nhau, nhưng có một vực thẳm vô hình ngăn cách đôi bên. Ông ta còn xin Abraham gửi Lazarô về trần thế để nhắc bảo anh em mình thay đổi đời sống cho khỏi sa vào chốn cực hình như ông.

Thật ra, sau khi chết, thân xác gồm các yếu tố vật chất tan rã chờ ngày sống lại mãi mãi, thì con người chúng ta chỉ còn tinh thần, nên không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian. Chúa ở khắp mọi nơi với tất cả lòng từ bi, thương xót, tình yêu và quyền năng của Ngài. Vì thế, dù ở trong tình trạng thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục, mọi thụ tạo gồm thiên thần, con người, vạn vật đều thấy Ngài y như nhau. Hơn nữa tất cả chúng ta cùng sum họp với nhau, tiếp xúc với nhau, dù sống vào bất cứ thời đại nào và ở bất cứ nơi đâu trong trần thế. Đây cũng là tình trạng sống của chính Thiên Chúa, của các thiên thần, các hồn người đã khuất, trong đó có cả quỷ dữ lẫn tà ma. Tình trạng thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục không phải là do Chúa tạo ra, nhưng chính các thụ tạo dựng nên cho mình.

Thiên đường là tình trạng sống của những ai được kết hợp trọn vẹn với Chúa, không bị bất cứ một vết nhơ tội lỗi nào ngăn cản. Từng giây phút họ được Chúa chuyển thông cho họ sự sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận và nguồn chân thiện mỹ vô cùng.

Luyện ngục là tình trạng sống của những người, ngay sau khi chết, được nhìn thấy Chúa tốt đẹp, trong sáng vô cùng và soi mình vào Chúa như vào tấm gương trong. Đó là cách Chúa phán xét, chứ không phải Ngài sai các thiên thần ghi từng điều lành, điều xấu trong cuốn sổ hằng sống nào đó như ta thường tưởng tượng. Dưới ánh sáng của Chúa, họ nhận ra ngay được những vết đen bẩn bám vào hồn họ do những hành động tiêu cực, tội lỗi họ đã phạm trong cuộc đời trần thế. Do đó họ đau khổ vì không thể hoà nhập trọn vẹn với Chúa. Nhưng họ vẫn hy vọng vì nhờ lời cầu nguyện, hy sinh, nhất là những thánh lễ của Giáo Hội và người thân, họ sẽ thanh luyện mình dần dần, để cuối cùng sẽ đạt được tình trạng thiên đường.

Hoả ngục là tình trạng của những người, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, dù với bao ân huệ Chúa ban, tiếng lương tâm nhắc nhở, người thân khuyên bảo, Giáo Hội cầu nguyện, họ vẫn cương quyết cắt đứt mối dây liên lạc với Chúa. Nên khi vừa vượt qua cái chết, họ thấy ngay Chúa tốt đẹp, nhân từ, hoàn hảo vô cùng. Vì thế họ tiếc xót, tự dằn vặt chính mình, đau khổ và tuyệt vọng vì đã cắt đứt với nguồn tình yêu, sự sống và chân thiện mỹ. Nỗi đau khổ này chính là ngọn lửa thiêng liêng thiêu đốt họ muôn đời, chứ không phải Chúa ném họ xuống biển lửa, ở chung với quỷ dữ, như ta vẫn thấy được mô tả trong sách, hay qua hình ảnh về các tầng địa ngục của các tôn giáo khác.

3. Làm sao để nhanh chóng được vào thiên đường

Đó là niềm mơ ước của nhiều người chúng ta vì biết mình tội lỗi, xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa, nên chắc chắn mình phải sống trong luyện ngục để tẩy rửa các vết đen bẩn trong hồn. Ta chỉ mong được mau chóng ra khỏi đó để bước vào thiên đường.

Tuy nhiên, việc thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba (x. 2 Cr 12,2) và nhiều vị thánh đã cảm nghiệm được thiên đường ngay trong cuộc đời trần thế, như nhắc bảo chúng ta rằng: chúng ta có thể và phải xây dựng Nước Trời hay thiên đường bằng thái độ sống tích cực trong tinh thần nghèo khó của Chúa Giêsu.

Chúng ta rất giàu về thời giờ, ân huệ, tài năng và có khi cả tiền của. Tuy nhiên, nhiều người chúng ta lại đang có thái độ sống hưởng thụ, ích kỷ, chỉ biết có mình, phung phí các nguồn lực đó cho những đam mê, nghiện ngập như ông nhà giàu trong dụ ngôn. Ta không quản lý tốt gia sản của Cha Trên Trời nên không phát huy được hiệu quả của chúng để tạo nên thiên đường.

Một nụ cười, một lời thân tình kết nối yêu thương, một lời xin lỗi để tạo lại hoà khí, một cử chỉ ân cần để cảm thông, một hành động bác ái để chia sẻ… thường chỉ tốn một vài giây. Nhưng thử hỏi mỗi ngày ta làm được mấy lần để tạo nên hạnh phúc thiên đường cho người thân hay cho cộng đồng quanh ta? Nhiều khi ta đang tạo nên hoả ngục cho họ từ những thái độ im lặng giận hờn, những lời thô tục dối trá, những cử chỉ lãnh đạm, những hành động loại trừ nhau. Chính khi tạo nên hoả ngục cho người thì ta cũng giam hãm mình trong đó. Còn khi ta tạo nên hạnh phúc cho người thì ta cũng tạo thành thiên đường cho mình.

Thánh Phaolô khuyên nhủ ta hôm nay (x. Tm 6,11-16): “Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta xuất hiện”. Bằng những hành động, cử chỉ, lời nói, thái độ tích cực và trong sáng, chúng ta tạo nên thật nhiều điểm sáng trong từng ngày sống còn lại của đời mình. Nhờ đó chúng ta sẽ loại trừ và tẩy rửa những điểm tối bẩn trong hồn ta, để một ngày nào đó, có khi ngay trong cuộc đời trần thế, ta đã tạo thành thiên đường cho mình và cho cả những ai sống gần mình.

Lời kết

Ai cũng mong ước thiên đường nhưng ít ai ngờ rằng mình có thể tạo thành nó ngày từ lúc này. Bạn có nghĩ như thế không?

HKK