Đưa con lần đầu đi học xa nhà, mẹ dặn: ‘Không nên giấu dốt’
Đưa con lần đầu đi học xa nhà, mẹ dặn: ‘Không nên giấu dốt’
Dù tân sinh viên đi học xa nhà được xem là một bước trưởng thành nhưng nhiều phụ huynh không giấu được nỗi băn khoăn, lo lắng từ việc đi lại bằng xe buýt cho đến nhà trọ.
Trước khi cho tân sinh viên phải đi học xa nhà, bắt đầu cuộc sống tự lập, hầu hết phụ huynh đều dặn dò kỹ lưỡng con em mình về những vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình học tập và làm việc ở môi trường mới.
Sinh viên điền thông tin làm thủ tục nhập học tại nhà thi đấu Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM THÚY LIỄU |
Cô Bùi Thị Liễu, mẹ của Phạm Hoài Thanh (tân sinh viên khoa Quản lý giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ: “Tôi và con gái đón xe khách từ Gia Lai vào nhập học. Trên đường đi, xe gặp sự cố nổ lốp nên phải dừng lại thay. Vì chưa tìm được chỗ trọ nên trước mắt con đăng ký vào ký túc xá (KTX) và tạm thời đi xe buýt đi học”.
Với vấn đề biến thái, móc túi, cướp giật trên xe buýt, cô Liễu cũng lo lắng và luôn nhắc nhở con gái phải cẩn thận, gặp vấn đề gì phải báo ngay cho tài xế và tiếp viên để được giúp đỡ. Lần đầu con gái xa nhà, cô Liễu căn dặn con cố gắng học tập, hòa hợp với môi trường mới, “có gì không biết thì phải hỏi ngay chứ không nên giấu dốt”.
Về phần mình, nữ sinh viên Hoài Thanh cho biết bản thân đã có thể tự lập được nên việc sống xa nhà không đáng lo ngại. “Để phòng tránh những vấn đề phát sinh khi đi xe buýt, tôi sẽ tìm chỗ ngồi an toàn, gần tài xế để ngồi. Nếu chẳng may trở thành nạn nhân, mình sẽ hô hoán và nói với những người trên xe để được giúp đỡ”, tân sinh viên nói.
Còn cô Lê Thanh Xuân cùng con trai từ Huế vào nhập học khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Tôi và con đã chủ động vào trước ngày nhập học để tìm hiểu về trường. Gia đình lựa chọn cho cháu ở KTX và nhập học xong sẽ qua KTX nhận phòng”.
Cô Lê Thanh Xuân cùng con trai điền thông nhập học HUYỀN TRÂN |
Lần đầu đưa con đi học xa nhà, cô Xuân khó có thể tránh khỏi những xúc động. Người mẹ này rơm rớm nước mắt nói: “Khi đi xe buýt thì tôi cũng có dặn dò con là phải thật sự cảnh giác nhất là khi chuẩn bị lên xuống xe, đeo balo ở trước rồi sử dụng điện thoại phải cẩn thận, tốt nhất là không nên sử dụng điện thoại trên xe buýt”.
Đưa con gái Bùi Ánh Dương (tân sinh viên khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) từ Vũng Tàu lên TP.Thủ Đức nhập học từ sáng sớm, ông Bùi Tiến Dũng nói: “Tôi cho con gái ở KTX và đi học bằng xe buýt để con làm quen môi trường mới. Tôi chưa đánh giá hết được những bất trắc nếu con đi xe buýt nhưng quãng đường từ KTX đến trường khá gần và đa số là sinh viên nên chắc cũng không phức tạp lắm”.
Chú Bùi Tiến Dũng và con gái đến trường làm thủ tục nhập học THÚY LIỄU |
Chú Dũng nhận định: “Sinh viên đi học xa nhà là một bước trưởng thành, vì việc sống tự lập là điều cần thiết để con trải nghiệm xã hội, để con bước ra khỏi vùng an toàn cũng là cách giúp con có thêm kinh nghiệm sống”.
Dù không quá lo lắng về việc sống tự lập, Bùi Ánh Dương, con gái của chú Dũng, vẫn trăn trở vì mức độ hòa nhập với môi trường mới. “Tôi chỉ hơi ngại một điều là sống tập thể thì ít nhiều sẽ không thoải mái như ở nhà. Để phòng tránh việc móc túi thì tôi nghĩ rằng bản thân sẽ hạn chế mang theo nhiều tiền mặt. Đồng thời mình cũng có học võ nên trường hợp gặp biến thái mình cũng không quá lo lắng”, nữ sinh tâm sự.
Trong khi đó, Huỳnh Ngọc Quỳnh Hoa (tân sinh viên khoa Ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) không khỏi lo lắng: “Mình vào đây với mẹ, tìm được trọ thì mẹ về quê. Không có người thân đi cùng nên mình lo nếu xảy ra sự cố thì không biết giải quyết thế nào. Nhưng sau khi nộp hồ sơ nhập thì mình cảm thấy ổn hơn”.
Rất đông phụ huynh ngồi chờ con tại quầy hướng dẫn của CLB Tư vấn Tuyển sinh nhân văn, Trường ĐH Khoa học và xã hội và nhân văn TP.HCM HUYỀN TRÂN |
Là người sống khá khép kín, sợ khó hòa nhập với cuộc sống tập thể nên Quỳnh Hoa chọn ở trọ thay vì KTX. “Mình sẽ đi xe máy đến trường, còn nếu thời tiết xấu thì mình có thể đi xe buýt. Mình đã có học võ từ trước và luôn mang theo những dụng cụ tự vệ nên cũng không quá lo lắng với những vấn đề rủi ro khi đi xe buýt. Mình tự lập từ nhỏ nên ba mẹ chỉ dặn dò đừng sa đà vào làm thêm mà ảnh hưởng đến việc học thôi”, nữ sinh kể.
Anh Nguyễn Hoàng Long (thành viên CLB Tư vấn Tuyển sinh nhân văn) thông tin: “Từ 21-23.9, tân sinh viên nhập học khá đông và thường tập trung vào buổi sáng. Tổ tư vấn chính của CLB cùng với sự tham gia của các CLB thuộc các khoa khác sẽ hướng dẫn phụ huynh và tân sinh viên đến làm thủ tục nhập học, đăng ký KTX trực tuyến… Ngoài ra, đội hình ‘Xe ôm sinh viên’ sẽ hỗ trợ đưa tân sinh viên và phụ huynh di chuyển qua KTX vì có một số bạn chưa quen đường ở làng ĐH”.
THUÝ LIỄU – HUYẾN TRÂN
TNO