Hoại tử chân do biến chứng tiểu đường, chăm sóc chân tại nhà thế nào?

Hoại tử chân do biến chứng tiểu đường, chăm sóc chân tại nhà thế nào?

Nam bệnh nhân 62 tuổi, ở TP.HCM, bị tiểu đường loại 2. Lúc đầu, bệnh nhân bị hoại tử ngón chân cái nhưng do thói quen đi chân không và ít cắt móng chân nên sau đó bị hoại tử tiếp ngón thứ hai, nhập viện Bệnh viện Trưng Vương điều trị.

 

 

 

Ngày 18.9, BS.CKI Võ Kế Đạt, khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, trong thời gian điều trị tại bệnh viện, các y bác sĩ và điều dưỡng thường hay nhắc nhở bệnh nhân phải mang dép và hướng dẫn cách chăm sóc đôi chân khi về nhà. Qua thời gian điều trị và hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc đúng cách, hiện tại đôi chân bệnh nhân đã khỏe mạnh và có thể tự đi tái khám được một mình.

Theo bác sĩ Đạt, loét bàn chân ở người tiểu đường là biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến kết cục đoạn chi hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm và đúng cách.

“Trong thực hành lâm sàng, từng gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân mất đi bàn chân vì biến chứng mạch máu và thần kinh của bệnh lý đái tháo đường, thường là ở giai đoạn trễ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải bỏ đi bàn chân khiến chúng tôi vô cùng tiếc nuối”, bác sĩ Đạt chia sẻ.

Thường đó là những bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh khiến chân tê bì, mạch máu nuôi bàn chân còn tốt, nhưng vì cảm giác tê nên bệnh nhân đã tự đắp thuốc không rõ loại, hoặc ngâm chân lâu trong nước nóng khiến bàn chân bị bỏng hoặc nhiễm trùng nặng nề, hoại tử lan rộng, dẫn đến phải đoạn chi.

 

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị loét, thậm chí tháo khớp

Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), tính đến năm 2021, thế giới có khoảng 537 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Tại Việt Nam, số người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường theo IDF năm 2021 là khoảng 4,2 triệu người, chiếm 6% dân số, trong đó có hơn 2 triệu người chưa được chẩn đoán.

PGS.TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh – Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, sau đại dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường tăng trở lại, vừa là bệnh khởi phát mới, hoặc bệnh trong lúc dịch không tiếp cận được y tế trong giai đoạn giãn cách.

Tình trạng lúc vào khoa đa số loét bàn chân đái tháo đường nhập viện ở mức độ nặng, với tình trạng nhiễm trùng hoại tử tại chỗ, có nguy cơ lan rộng ra nhiễm trùng toàn thân đe dọa đến tính mạng. Đa số các tình trạng đó cần được phẫu thuật cắt lọc cấp cứu và dẫn lưu, giải áp ổ nhiễm trùng tại chỗ, tránh vào nhiễm trùng huyết.

Thời gian điều trị tùy vào mức độ bệnh, nhưng thường là rất lâu, có thể từ vài tuần đến vài tháng, gây tốn kém và di chứng để lại ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nghiêm trọng, có thể là mất ngón chân, một phần hoặc toàn bộ bàn chân. Vì vậy, việc phòng ngừa và phát hiện các vết loét ở giai đoạn sớm rất quan trọng, vì khi nhiễm trùng hoại tử ở mức độ nặng thì di chứng để lại cũng vì vậy mà rất nặng nề.

 

Cách chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường tại nhà

Theo bác sĩ Đạt, để chăm sóc tốt bàn chân đái tháo đường ở nhà chúng ta nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện các vết nứt, sưng, đỏ… Rửa chân bằng nước ấm ở nhiệt độ có thể tắm cho trẻ sơ sinh, cắt móng chân cẩn thận, không cắt quá ngắn, không đi chân đất, mang vớ sạch, mềm, mang giầy ôm vừa chân, chất liệu êm, kiểm tra giày trước khi xỏ chân. Giữ chân ấm áp và khô ráo, tuy nhiên nếu da quá khô có thể thoa dưỡng ẩm, đặc biệt chú ý vùng gót chân, nhưng không thoa vào giữa các ngón.

“Tuyệt đối không tự ý cắt, lọc bỏ các đốm đen hoại tử nếu chưa được bác sĩ hướng dẫn. Tuyệt đối không ngâm nước nóng, không tự điều trị, không tự thoa thuốc lên bàn chân”, bác sĩ Đạt lưu ý.

Tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như tổn thương da, hay có cục sần ở bàn chân, nhiễm trùng hoặc đốm đen hoại tử… để tránh biến chứng nặng hơn. Hãy đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và được hướng dẫn chăm sóc đúng cách.

LÊ CẦM

TNO