04/01/2025

Lập biên bản vì không tiêm vắc xin COVID-19: Liệu có đúng luật?

Lập biên bản vì không tiêm vắc xin COVID-19: Liệu có đúng luật?

UBND phường Trần Phú đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế đối với một phụ huynh không cho con đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Vậy việc này liệu có đúng luật?

 

 

Lập biên bản vì không tiêm vắc xin COVID-19: Liệu có đúng luật? - Ảnh 1.

Trẻ từ 5 đến 12 tuổi tại Hà Nội tiêm phòng vắc xin COVID-19 – Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 5-9, Tuổi Trẻ Online đã đưa tin lãnh đạo UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh xác nhận UBND phường Trần Phú đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế đối với một phụ huynh không cho con đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Căn cứ để lập biên bản được UBND phường Trần Phú đưa ra là dựa trên Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ban hành năm 2007, một số nghị định và quyết định số 219 năm 2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Nội dung biên bản nêu ông K. (38 tuổi, trú tại khu 2, phường Trần Phú) có hành vi vi phạm hành chính không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hùng, phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng từ trước đến nay chưa có hướng dẫn, quy định nào của cơ quan phòng chống dịch yêu cầu hay bắt buộc mọi người phải tiêm vắc xin COVID-19. Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 dựa trên tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân tham gia.

“Với trường hợp trẻ không tiêm, địa phương lập biên bản vi phạm hành chính là không đúng quy định của pháp luật về phòng chống dịch. Chúng ta cũng không nên dùng biện pháp quá hà khắc ảnh hưởng đến tâm lý người dân”, ông Hùng nói.

Ông Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), cũng bày tỏ không đồng tình với phương án lập biên bản mà địa phương này đã thực hiện.

Theo ông Thái, việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 hiện nay cần dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia của người dân.

“Chúng ta nên đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động, chứ không phải các biện pháp hành chính, lập biên bản. Việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 có tác dụng phòng ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại, giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong. Người dân nên chủ động tham gia tiêm chủng để bảo vệ chính bản thân và gia đình, cộng đồng”, ông Thái cho hay.

Một lãnh đạo trung tâm y tế tại Hà Nội cũng cho rằng việc tiêm chủng COVID-19 hiện nay vẫn cần thiết trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời tổ chức điểm tiêm chủng thuận lợi để người dân tiếp cận, chứ không nên có những ràng buộc về văn bản.

DƯƠNG LIỄU
TTO