Vì sao tội phạm lừa qua mạng vẫn hoành hành: Biết thủ đoạn lừa vẫn ‘sập’ bẫy!
Vì sao tội phạm lừa qua mạng vẫn hoành hành: Biết thủ đoạn lừa vẫn ‘sập’ bẫy!
Giả danh công an, nhân viên nhà mạng gọi điện thoại hù dọa rồi yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt; làm quen qua mạng rồi “gửi” quà biếu từ nước ngoài về để dẫn dắt đóng tiền nhận hàng; rao tin “việc nhẹ lương cao” dụ con mồi rồi lừa bán qua Campuchia và đòi tiền chuộc…
Những thủ đoạn lừa đảo không mới, báo chí, truyền thông và cả chính quyền liên tục cảnh báo, công an vào cuộc điều tra… nhưng danh sách nạn nhân vẫn dài ra hằng ngày. Vì sao?
Ông M.X.Đ kể lại sự việc bị tội phạm công nghệ cao lừa mất 1,74 tỉ đồng B.N |
Nhức nhối và dai dẳng nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện dọa bị hại có liên quan đến các vụ án. Sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền đến tài khoản chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra xác minh, rồi chiếm đoạt…
Đối tượng lừa đảo làm giả lệnh bắt, dọa phong tỏa tài sản của chị K.M.M.U |
Nghĩ chuyển tiền vào tài khoản mình đứng tên thì không sao
Điển hình là trường hợp của ông M.X.Đ (53 tuổi, ngụ TP.HCM). Ông Đ. kể ngày 9.7, ông nhận được một cuộc điện thoại (ĐT) từ số máy 0985.469.xxx thông báo: “Thuê bao của quý khách sẽ bị cắt sau 2 tiếng. Nếu muốn biết thông tin chi tiết thì nhấn phím số 2”. Ông Đ. lo lắng nên nhấn phím số 2 thì một nam thanh niên tiếp chuyện, tự xưng là “Tổng đài viên bên viễn thông” và cho biết có một số ĐT đăng ký tên ông Đ. chuyên đi phá rối, lừa đảo người dân, công an báo lại cho tổng đài khóa số của ông.
Đối tượng lừa đảo yêu cầu ông Đ. cung cấp số tài khoản, ảnh chụp thẻ ngân hàng để kiểm soát |
Theo lời nam thanh niên gợi ý, ông Đ. đồng ý nối máy đến Công an TP.Đà Nẵng để tìm hiểu thêm. Đầu dây bên kia, một người đàn ông nghe máy xưng là trực ban Công an TP.Đà Nẵng và yêu cầu ông Đ. đem CCCD đến Công an TP.Đà Nẵng thì mới xác minh, kiểm tra được.
Ông Đ. bị đối tượng lừa đảo dọa bắt tạm giam nếu chống đối CHỤP MÀN HÌNH |
“Do ở xa nên họ hướng dẫn tôi chụp ảnh CCCD gửi qua phần mềm Line (có thể gọi điện, nhắn tin, chụp ảnh). Do không rành về công nghệ nên cứ làm theo. Họ hướng dẫn chuyển tiền…”, ông Đ. nói. Sau đó, người xưng trực ban nói sẽ gửi CCCD của ông Đ. đến tổng bộ để kiểm tra. Lát sau, một người bên phía tổng bộ trả lời: “Qua xác minh CCCD và số điện thoại này cho thấy ông Đ. có liên quan đường dây mua bán ma túy và rửa tiền”. Trong khi ông Đ. vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, người trực ban gửi hình ảnh công an bắt giữ một người đàn ông tên Dũng cho ông Đ. và hỏi: “Có biết ông Dũng không? Người này khai nhận ông có mở một tài khoản ngân hàng chi nhánh TP.Đà Nẵng chuyên sử dụng để buôn bán ma túy và rửa tiền”. Ông Đ. thảng thốt: “Tôi đang ở TP.HCM. Tôi là dân lao động, có biết gì đâu mà nói tôi buôn bán ma túy, rửa tiền?”.
Những người xưng là cán bộ điều tra nói do vụ án đang trong quá trình điều tra, yêu cầu ông Đ. không được nói với bất kỳ ai, kể cả vợ con. Đồng thời, họ yêu cầu ông đi thuê khách sạn ở để làm việc và mang toàn bộ giấy tờ liên quan ngân hàng theo để chứng minh tài chính, cũng như chứng minh ông không phạm tội.
Ông Đ. tâm sự: “Họ nói nếu để người khác biết thì công an sẽ làm khó trong quá trình điều tra. Tôi hoặc vợ con tôi phải ngồi tù. Nghe đến đây tâm trí tôi hoảng loạn”.
Sau khi bị dẫn dắt qua nhiều lần chuyển ĐT, ông Đ. vì quá hoảng sợ và để chứng minh mình không phạm tội, đã làm theo yêu cầu của những đối tượng trên. Ông Đ. chụp ảnh thẻ ngân hàng, số tài khoản ngân hàng gửi cho nhóm lừa đảo, dẫn đến tài khoản ngân hàng bị tội phạm kiểm soát, nhưng ông không hay biết.
Từ ngày 9 – 11.7, ông Đ. đã 3 lần chuyển số tiền hơn 440 triệu đồng. Biết ông Đ. hết tiền, nhóm lừa đảo yêu cầu ông Đ. chuyển tiền của vợ ông để xác minh. “Họ nói nếu vợ tôi có tiền thì cũng có liên quan vì “của chồng công vợ”. Tin lời họ, tôi về nhà lấy sổ tiết kiệm của vợ chuyển thêm 300 triệu”, ông Đ. rầu rĩ. Chưa dừng lại, nhóm lừa đảo tiếp tục dàn dựng, gọi ĐT nói rằng ông Dũng khai ông Đ. bán tài khoản ngân hàng cho nhóm rửa tiền với số tiền 500 triệu đồng, yêu cầu ông vay mượn tiền chuyển thêm 500 triệu đồng để chứng minh tài chính, nhưng ông Đ. chỉ mượn được 5 triệu.
Khi biết mình bị lừa, ngoài số tiền 1 tỉ đồng có sẵn trong tài khoản, ông Đ. đã chuyển thêm 740 triệu đồng vào tài khoản của mình, nhưng đều bị bọn chúng rút sạch nên đến Công an P.An Phú Đông (Q.12, TP.HCM) trình báo. “Họ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của tôi nên không có bất cứ nghi ngờ gì. Tôi cũng nghĩ cứ để tổng bộ kiểm tra, nếu không vi phạm sẽ được trả lại tiền. Tôi chỉ muốn chứng minh bản thân trong sạch, nhanh chóng kết thúc sự việc mà giờ… trắng tay”, ông Đ. thở dài.
Tội phạm đánh vào tâm lý bất an của nạn nhân
Các đối tượng lừa đảo công nghệ cao bất chấp thủ đoạn để có thể tiếp cận, tạo dựng niềm tin, thậm chí hù dọa bắt nạn nhân đi tù nếu chống đối. Chia sẻ với chúng tôi, các nạn nhân cho biết họ bị đối tượng lừa đảo ra đòn tâm lý, khiến nạn nhân nghe xong thấy bất an, muốn nhanh chóng kết thúc sự việc nên làm theo lời đề nghị và bị mất tiền oan.
Vừa qua, chị K.M.M.U (22 tuổi, ngụ TP.HCM, là sinh viên một trường đại học ở TP.HCM) cũng bất ngờ nhận được cuộc gọi từ người lạ thông báo chị có liên quan đường dây rửa tiền, mua bán hàng cấm, yêu cầu chuyển tiền để điều tra. “Mặc dù tôi đã biết đến thủ đoạn lừa đảo qua số ĐT, nhưng lần này vẫn bị mất tiền oan. Do đối tượng mạo danh nhân viên bưu điện, tôi lại thường sử dụng dịch vụ vận chuyển này nên nghĩ có đơn hàng ai gửi nhầm”, chị U. tâm sự.
Theo lời kể của nạn nhân, ngày 26.7, có số máy lạ gọi cho chị xưng là nhân viên bưu điện và đọc vanh vách thông báo: “Chị có một đơn hàng bị kẹt ở TP.Đà Nẵng. Đơn hàng này có chứa hàng cấm là vảy tê tê, ngoài ra còn có 2 thẻ ngân hàng và 2 bộ quần áo”. Sau đó, người này chủ động nối máy đến Công an TP.Đà Nẵng để hướng dẫn chị hủy đơn hàng.
Vài giây sau, một người đàn ông xưng là cảnh sát kinh tế công tác tại Công an TP.Đà Nẵng tiếp chuyện, yêu cầu chị U. cung cấp CCCD, số ĐT, họ tên để cơ quan điều tra xác minh. Trước sự ngỡ ngàng của nạn nhân, người tự xưng cảnh sát này khẳng định: “Chị U. có liên quan đường dây rửa tiền. Chị phải chuyển tiền cho chúng tôi kiểm tra để chứng minh không phạm tội”.
Tương tự trường hợp ông M.X.Đ, đối tượng lừa đảo cũng yêu cầu chị U. gọi điện qua phần mềm Line để điều tra. Họ yêu cầu chị giữ máy suốt 4 tiếng đồng hồ, yêu cầu giữ bí mật, không tiết lộ cho bất kỳ ai. Trong thời gian này, họ hướng dẫn chị chuyển tiền cho số tài khoản lạ để điều tra.
“Họ hỏi tài khoản của tôi còn bao nhiêu tiền thì chuyển hết qua cho họ kiểm tra, nếu không phạm tội sẽ trả lại”, chị U. nhớ lại. Sau khi U. chuyển khoản 2 triệu đồng, đối tượng lừa đảo vẫn không buông tha, yêu cầu chị vay mượn tiền bạn thêm 20 triệu gửi cho họ mới có thể chứng minh chị trong sạch. “Tôi lo sợ vừa khóc, vừa gọi điện khắp nơi vay mượn tiền. Bạn bè thấy tôi cần số tiền lớn và thái độ ấp úng bất thường nên kịp thời phát hiện và can ngăn. Tôi không biết chuyện sẽ tệ tới mức nào nếu tiếp tục làm theo yêu cầu của nhóm lừa đảo”, nạn nhân bộc bạch.
Trên đây, là 2 trường hợp điển hình của hàng ngàn nạn nhân đã bị sập bẫy. Một lãnh đạo của cơ quan tố tụng tại TP.HCM cho biết bản thân bà cũng từng nhận nhiều cuộc ĐT gọi dọa nạt, bảo rằng bà dính đến tội phạm, yêu cầu chuyển tiền xác minh tiền sạch hay tiền bẩn. Các đối tượng này còn gửi cả lệnh bắt giả có đóng mộc đỏ, số ĐT của công an quận… Qua đó cho thấy loại tội phạm này ngày càng phức tạp và thủ đoạn tinh vi nên người dân cần hết sức cảnh giác. (còn tiếp)
Theo số liệu của Bộ Công an, từ đầu năm 2022 đến nay đã phát hiện 1.487 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm cả lừa đảo theo phương thức truyền thống và lừa đảo trên không gian mạng, với 1.543 đối tượng, trong đó đã đấu tranh, khám phá 1.049 vụ, với 1.304 đối tượng, đạt tỷ lệ 70%.
BÍCH NGÂN
TNO