Siết trách nhiệm người nhà bệnh nhân khi vào viện

Siết trách nhiệm người nhà bệnh nhân khi vào viện

Hàng loạt vấn đề được ngành y tế TP.HCM đề xuất bổ sung khi góp ý dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó có việc luật hóa quyền và nghĩa vụ thân nhân bệnh nhân khi vào viện, nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho nhân viên y tế cứu người.

 

 

 

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM về việc góp ý dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo đề nghị của Bộ Y tế và Đoàn ĐBQH TP.

Siết trách nhiệm người nhà bệnh nhân khi vào viện - ảnh 1
Cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175  NHẬT THỊNH

Theo đó, Sở Y tế TP đánh giá cao dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (gọi tắt là luật KCB) sửa đổi lần thứ 4 (ngày 25.7.2022) đã được soạn thảo công phu, bổ sung nhiều điều, khoản theo ý kiến góp ý của các địa phương, nhất là các góp ý của TP.HCM như bổ sung chức danh nghề nghiệp: cấp cứu viên ngoại viện, phân cấp hệ thống khám chữa bệnh (KCB), bác sĩ (BS) người nước ngoài khi KCB tại VN cho người VN phải sử dụng tiếng Việt…

 

Kiến nghị xuất phát từ thực tiễn

Tuy nhiên, thực tế hoạt động KCB tại TP trong thời gian qua, nhất là sau đại dịch Covid-19 đã phát sinh nhiều vấn đề mới, Sở Y tế TP đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.

Siết trách nhiệm người nhà bệnh nhân khi vào viện - ảnh 2
 Việc pháp luật quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người nhà bệnh nhân khi vào viện sẽ giúp môi trường bệnh viện an toàn hơn, y bác sĩ an tâm hơn khi cứu người NHẬT THỊNH

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật KCB (điều 1), Sở đề xuất bổ sung “Quyền và nghĩa vụ thân nhân của bệnh nhân (BN)” trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Lý do, thực tiễn trong thời gian qua, nhiều vụ gây mất an ninh trật tự ở các cơ sở KCB, gây mất an toàn cho BN và nhân viên y tế (NVYT) là do thân nhân BN gây ra. Do đó, dự thảo luật KCB cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của BN và thân nhân BN.

Về quyền và nghĩa vụ của BN (chương 2), Sở Y tế đề xuất bổ sung quyền và nghĩa vụ thân nhân của BN trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật KCB, nên cần thay đổi tên chương 2 thành “Quyền và nghĩa vụ của BN và thân nhân của người bệnh”.

Luật hóa hành vi vào bệnh viện tấn công nhân viên y tế là chống người thi hành công vụ, vì hành vi này vừa sai về mặt đạo đức vừa ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh, tính mạng người khác nên phải bị xử phạt một cách thích đáng, chứ không để tình trạng vào bệnh viện là rượt nhân viên y tế chạy…

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan

Tại khoản 3, điều 16 bổ sung, điều chỉnh thành “BN và thân nhân người bệnh phải chấp hành nội quy của cơ sở KCB, quy định của pháp luật về KCB”. Bởi tình trạng tấn công, hành hung NVYT là một thực trạng đáng báo động. Mới đây, đêm 27.7, thân nhân BN không hài lòng với cách giải thích và xử lý của BS khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM) nên đã có hành vi hành hung BS. 10 ngày sau, cũng tại BV này, một thân nhân BN khác dùng vật nhọn tấn công BS khoa cấp cứu chỉ vì không hài lòng với cách xử trí của BS.

 

Luật hoá để bệnh viện an toàn hơn

TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho rằng NVYT rất mong có được những bộ luật giúp bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của mình khi thực hiện công việc cứu người. NVYT mong nhận được môi trường làm việc an toàn hơn và nếu chẳng may có chuyện không hay xảy ra thì các thủ tục báo cáo sự cố được đơn giản hóa nhằm được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.

Đồng ý với đề xuất của Sở Y tế, TS-BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV Q.11 (TP.HCM), cho biết: Mỗi ngày BV này có khoảng 2.300 – 2.400 BN khám ngoại trú và 230 – 240 BN nội trú. Như vậy, tổng số người ra vào BV mỗi ngày khoảng 3.000 người (tính cả BN và thân nhân). Theo TS-BS Dũng, lâu nay, quyền và nghĩa vụ của thân nhân BN chỉ nằm trong quy chế, quy định của BV chứ chưa có luật quy định, nên luật hóa vấn đề này thì BV sẽ dễ xử lý hơn, đặc biệt là bảo vệ NVYT. Chẳng hạn, với người bệnh chăm sóc cấp 1 trong tình huống đặc biệt thì cấm thân nhân BN vào (khu cấp cứu, hồi sức), chỉ khi nào BN ổn định ra phòng bệnh bình thường thì thân nhân được vào chăm sóc và hỗ trợ BN, nhưng thực tế có khi thân nhân vẫn vào. Ngoài ra, ở khu nội trú, yêu cầu thân nhân BN phải đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, giúp BN tuân thủ điều trị hướng dẫn của BS; không được làm gì khác như mời người khác vào phòng bệnh, cho uống thuốc ngoài chỉ định. “Tựu trung lại cần quy định để thân nhân BN đảm bảo an toàn BV, an toàn cho NVYT, cho BN…”, BS Dũng nói.

BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy, thông tin: Mỗi ngày ở BV Chợ Rẫy có tối thiểu 28.000 người. BS Việt tính toán, trung bình có 3.000 BN nội trú, kèm theo đó là 3.000 người nuôi bệnh và có tối thiểu 3.000 người bên ngoài phòng bệnh để thay phiên cho 3.000 người trong phòng bệnh; như vậy, đã có 9.000 người. Đối với BN ngoại trú là 6.000 người, trung bình có khoảng 9.000 người đi cùng, tức trong BV đã có thêm 15.000 người. Như vậy, chỉ tính riêng BN và thân nhân đã có 24.000 người và còn có 4.000 NVYT của BV. Thân nhân BN ở trong BV đông như vậy đã làm ảnh hưởng rất nhiều, kẻ gian trà trộn vào móc túi, sử dụng điện nước, ảnh hưởng môi trường vệ sinh…

“Luật KCB hiện chưa đề cập đến thân nhân BN, nhưng thân nhân BN – người nuôi bệnh là một hiện hữu trong BV và luật có quy định người nhà BN ký một số giấy tờ. Bên cạnh đó, do phong tục tập quán của người VN, khi bệnh là phải có người nhà kế bên nhằm ổn định tâm lý, hỗ trợ BN, thực hiện các thủ tục pháp lý cho BN. Do đó, đề nghị luật cần có chương quy định về “Quyền và nghĩa vụ của thân nhân BN”, BS Việt nói.

Đồng quan điểm, giám đốc một BV thuộc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, khi bệnh tật, ai cũng lo lắng, nhất là thân nhân luôn muốn được bên cạnh chăm sóc, chia sẻ với BN nặng, là điều chính đáng. Tại BV đã có quy định thân nhân BN, như tại khoa cấp cứu quy định rõ 9 điều, trong đó thân nhân BN phải tuân thủ đến 7 điều: cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan KCB cho BN; ngồi chờ trước phòng cấp cứu, khi cần NVYT sẽ mời vào; không mang vật dụng, tư trang, túi xách vào phòng cấp cứu; thân nhân BN trong phòng cấp cứu không nói chuyện lớn tiếng, không nói chuyện qua ĐTDĐ, không ngồi trên giường bệnh; giữ gìn vệ sinh trật tự, không ăn uống, vứt rác bừa bãi trong phòng cấp cứu; khi có thắc mắc vấn đề gì xin vui lòng liên hệ NVYT; hợp tác với NVYT khi di chuyển người bệnh vào khoa…

Tuy nhiên, theo vị này, lâu lâu cũng xảy ra “đại náo” BV, việc luật hóa “quyền và nghĩa vụ thân nhân BN” là để dễ điều chỉnh, dễ chế tài. Do đó, đánh giá, phân loại BN để ưu tiên cấp cứu là vấn đề cốt lõi. Không chỉ ở BV, ở bất cứ đâu người dân cũng phải tôn trọng người thi hành công vụ…

 

Phải xem tấn công y bác sĩ là chống người thi hành công vụ

Theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM), trong bối cảnh các BV không đủ tiền để hợp đồng trả lương cho nhiều điều dưỡng, NVYT, nên tỷ lệ điều dưỡng/BS/BN không bao giờ đủ, dẫn đến mới chấp nhận để người nhà BN vào chăm sóc. Người nhà BN vừa không có chuyên môn, vừa ẩn chứa rất nhiều vấn đề về an ninh trật tự. Có nhiều thân nhân BN vào BV đi khắp BV, có trường hợp còn gây gổ với người khác, với NVYT.

Theo ĐB Lan: “Luật hóa hành vi vào BV tấn công NVYT là chống người thi hành công vụ, vì hành vi này vừa sai về mặt đạo đức vừa ảnh hưởng chất lượng KCB, tính mạng người khác nên phải bị xử phạt một cách thích đáng, chứ không để tình trạng vào BV là rượt NVYT chạy… Cũng giống như đi máy bay mà chống tiếp viên, phi công thì bị cấm bay. Luật hóa để môi trường BV an toàn hơn, văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, sạch sẽ cho BV…”.

Bà Lan cũng đặt vấn đề: Thân nhân BN là ai? Ở VN thường một BN thì cả gia đình vào thăm, chăm sóc, ai cũng đòi quyền coi bệnh án, chỉ đạo KCB này kia, khiếu nại… nên NVYT rất ngại thân nhân BN. “Đòi hỏi của thân nhân BN rất nhiều, theo tôi, luật cần quy định thân nhân phải ở cấp độ nào, bản thân người bệnh có đồng ý không? Bởi vào BV khi nào mổ thì người nhà phải ký cam đoan, ngay cả luật KCB cũng chưa nói rõ người nhà BN là ai, ràng buộc ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm với BN?”.

Đặt vấn đề để đảm bảo an ninh tại BV, an toàn cho NVYT, cho BN tại BV, có nên giảm mật độ thân nhân BN vào BV, chẳng hạn 1 BN kèm 1 người nuôi như thời điểm Covid-19, tại 1 số khoa mà BN tự chăm sóc được thì không cho thân nhân vào… PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), cho rằng không cho thân nhân BN vào BV là lý tưởng nhất, điều này ai cũng muốn, nhưng thực tiễn tại VN thì chưa thể được. Vì NVYT chăm sóc chuyên môn cho BN còn chưa xuể, huống gì nói đến tắm rửa, cho BN ăn uống… Mặt khác, chi phí chăm sóc y tế còn chưa tính đủ mà BN đã gánh nhiều, nếu tính thêm chi phí chăm sóc nữa thì BN lo không xuể. “Vẫn cho người nhà BN vào BV nhưng có nội quy, có kỷ luật và nhất là khi vi phạm thì phải nghiêm trị để có tính răn đe. Cấm người nhà vào nuôi bệnh là khó vì văn hóa, kinh tế…”, PGS-TS Diễm Tuyết nói.

Còn theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để người nhà BN không vào BV thì đòi hỏi nhân lực y tế phải đủ mạnh về số lượng, cần thêm loại hình trợ lý điều dưỡng và cần tính chi phí chăm sóc… Muốn thực hiện được, đòi hỏi sự đồng bộ về thể chế: tự chủ tài chính, giá, đánh giá chất lượng BV và kết quả đánh giá chất lượng gắn liền giá thu…

Điều dưỡng, bác sĩ bị tấn công nhiều nhất

TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, thông tin: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), NVYT là đối tượng có nguy cơ bị tấn công bạo lực với tỷ lệ ghi nhận từ 8 – 38%. Việc tấn công bạo lực với NVYT tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe, thể chất; làm giảm động lực của NVYT; ảnh hưởng chất lượng chăm sóc BN; gặp rủi ro trong cung cấp dịch vụ và chăm sóc sức khỏe; gây tổn thất tài chính lớn trong y tế.

Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, điều dưỡng có nguy cơ bị tấn công cao nhất với 39% – bị chửi mắng hoặc bị tấn công bạo lực khi ở BV. 46% điều dưỡng ghi nhận họ bị tấn công trong vòng 5 đêm trực gần nhất (thời điểm nghiên cứu) và 1/3 trong số đó bị tấn công bạo lực. Điều dưỡng tại phòng cấp cứu thì tỷ lệ bị tấn công cao hơn, gần như 100% họ bị chửi mắng và hơn 82% bị tấn công bằng vũ lực. Bên cạnh đó, 50% BS bị tấn công bạo lực khi làm ở cấp cứu. Đại học Michigan (Mỹ) ghi nhận: 89% đối tượng tấn công BS là BN; 9% là thân nhân BN; 2% là bạn bè BN. 78% BS làm việc tại khu cấp cứu là mục tiêu của các trường hợp tấn công. Trong đó, 75% là bị chửi mắng, 21% bị tấn công bằng vũ lực, 5% bị chặn đường bên ngoài BV và 2% bị theo dõi.

Về nguyên nhân NVYT bị tấn công, đó là do BN có thời gian chờ đợi lâu; môi trường đông đúc; chất lượng món ăn không được tốt; nhận được thông tin xấu về người thân; trình độ văn hóa kém, thu nhập thấp; tiền sử từng có hành vi tấn công người khác đặc biệt là NVYT; có mang theo vũ khí.

DUY TÍNH

TNO