22/12/2024

Trung thực trong giáo dục: Cha mẹ không vô can

Trung thực trong giáo dục: Cha mẹ không vô can

Mỗi khi ngành giáo dục xảy ra chuyện tiêu cực, dường như đối tượng được “soi” nhiều nhất là ngành giáo dục, nhà trường, thầy cô. Nhưng có một chủ thể quan trọng khác chưa được “điểm mặt chỉ tên” tương xứng, đó chính là gia đình, cha mẹ.

Trung thực trong giáo dục: Cha mẹ không vô can - Ảnh 1.

Diễn đàn “Trung thực trong giáo dục” trên báo Tuổi Trẻ đang thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Ý kiến tham gia diễn đàn vui lòng gửi về: [email protected]

Bên cạnh đòi hỏi ngành giáo dục hay các thầy cô, nhà trường thay đổi, có lẽ sự thay đổi quan trọng nhất hãy nên bắt đầu từ chính cha mẹ.

Nếu quan niệm thực chất trong giáo dục được bắt đầu từ chính mỗi gia đình, cụ thể hơn từ chính các phụ huynh, nền giáo dục của chúng ta sẽ có một chất lượng mà chưa biết sẽ cao bằng ai hay cao tới đâu, nhưng chắc chắn sẽ phản ánh đúng hơn những gì ta đang có thay vì rất nhiều giá trị ảo như hiện nay.

Điểm cao là được

Anh tôi, giáo viên có thâm niên trong nghề và hiện đang dạy toán ở trường THPT tại một thành phố lớn, từng chua chát bình luận: “Thời này, không có ngành nào mà việc mua bán đồ giả được cả người bán và người mua cùng thích dù cả hai đều biết rõ cái đó là giả như ngành giáo dục”!

Làm nghề hơn 20 năm, anh đã quá quen mỗi dịp cuối năm sẽ lại có người nọ, người kia tới xin điểm làm đẹp học bạ THPT cho con để vào được một trường đại học có tiếng nào đó. “Ngay cả giáo viên cũng xin điểm làm đẹp học bạ cho con, vậy thì còn nói được ai đây”, anh nói thêm, bảo rằng rất nhiều cha mẹ không cần biết con học thế nào, miễn điểm của con cao là được.

“Không cần biết con mình học thế nào, miễn điểm cao là được” đã là một “thái độ sống” của nhiều phụ huynh hiện nay.

Nếu thoạt nhìn, phụ huynh có thể rất “sâu sát” với việc học của con. Nhưng không phải họ dành thời gian để tìm hiểu chương trình học của con, biết chính xác con đang học gì, cách học ra sao và con hiểu được kiến thức đến đâu, mà chỉ là đưa đón con tới trường, tới lớp học thêm, đưa tiền con mua dụng cụ, mua máy móc thiết bị cho con khi được yêu cầu…

Phần còn lại là chờ nhà trường báo về kết quả học, điểm tốt thì hân hoan, điểm xấu thì la mắng con, trách móc, thậm chí gây khó khăn với thầy cô, nhà trường.

Chưa kể một điểm rất lớn nữa là nhiều phụ huynh đang ngấm ngầm chạy đua thành tích của con với nhau chỉ để “mát mặt” với đồng nghiệp, họ hàng. Muốn biết “mặt trận” này sôi động thế nào, chỉ cần lướt xem một vài bài đăng trên Facebook mỗi mùa tuyển sinh.

Ở phương diện tích cực, có người bảo “họ có quyền tự hào vì con đạt thành tích tốt”, nhưng ở phương diện khác, có người cho rằng “phải chăng điều đó sẽ tạo thêm áp lực cho đứa trẻ khi phải gắng giữ thể diện cho cha mẹ vì đã trót khoe rồi?”, đồng nghĩa với việc đứa trẻ không dám thất bại và sẽ phải gồng sức thêm nữa để tiếp tục làm mát mặt phụ huynh?

 

Hướng tới giá trị thực chất

Trong cuộc sống, những điều thực chất luôn phải rất nỗ lực và mất nhiều thời gian rèn giũa mới có được. Sự thật giản dị này dường như người có năng lực thực chất nào cũng hiểu, và vì thế họ không sốt ruột, không muốn đốt cháy giai đoạn hay đi tắt trong việc vươn tới những giá trị thực.

Những phụ huynh thực chất hiểu rõ để con mình có được kiến thức vững chắc và tự chủ với cuộc đời, nó cần phải tự mình tìm cách giải quyết những thử thách của kiến thức, chứ không phải học thuộc lòng một vài bài văn, làm “tủ” một vài đề thi để “trả bài” và có điểm cao và học bạ đẹp.

Dù gì thì mỗi phụ huynh cũng từng là học sinh. Một ví dụ nhỏ thôi, nếu học thực, họ đều thấm thía là để viết được một câu văn từ ý nghĩ tự thân sẽ khó hơn rất nhiều lần so với việc chép lại từ trí nhớ ra một câu học thuộc lòng đâu đó, từ một cuốn văn mẫu nào đó.

Khi phụ huynh coi trọng giá trị thực chất, họ cũng sẽ dễ dàng nhận ra điều gì thực sự cần thiết và có ích cho sự phát triển của con mình. Nếu con giỏi, việc vào trường chuyên, lớp chọn sẽ rất tốt cho con. Nhưng nếu con chưa giỏi, con cần được học ở môi trường vừa sức để được “gánh” vừa với sức mình. Họ không bị ảo tưởng và càng không bận tâm xem con mình có “hơn” con ai không.

Làm được như thế, tức là họ đang thực sự vì con, yêu con mà không phải là yêu mình. Chỉ có như thế, họ mới đang đồng hành cùng sự học của con thực chất và đúng nghĩa.

Và chỉ cần mỗi phụ huynh làm được như thế thôi, đứa trẻ đã có được sự bình yên và thoải mái thực chất trong sự học. Khi làm được như vậy, phụ huynh nào cũng có thể tin rằng những điểm số con đạt được đã tiệm cận nhất với những kiến thức con mình đang có.

 

Hệ lụy khi chạy theo giá trị ảo

Khi cha mẹ chạy đua theo những giá trị ảo, họ trở thành “cỗ máy cái” truyền động lực cho cả một hệ thống giáo dục liên quan. Theo đó, thầy cô giáo sẽ bị “làm phiền”, thậm chí bị đe dọa khi dám… chấm điểm thấp cho con họ, ngay cả khi con họ kém thật. Các hội đồng thi có thể phải hành xử kiểu “có đi có lại” để không đẩy lãnh đạo một ngành giáo dục địa phương nào đó bị gặp rắc rối với phụ huynh, với lãnh đạo cấp cao hơn…

ĐỖ DƯƠNG
TTO