Người dân Ukraine trở về vùng chiến sự Donetsk vì ‘không có nơi nào để đi’
Người dân Ukraine trở về vùng chiến sự Donetsk vì ‘không có nơi nào để đi’
Tại thành phố Kramatorsk ở miền đông Ukraine, dân số giảm từ 220.000 người còn khoảng 50.000 người trong thời gian đầu chiến sự, nhưng nay con số này đã tăng trở lại lên 68.000 người.
Anna Protsenko sơ tán khỏi vùng Donetsk ở miền đông Ukraine khi lực lượng Nga áp sát, sau đó cô bắt đầu một cuộc sống mới tại nơi khác (cũng tại Ukraine). Nhưng cô thấy không thoải mái, và tốn kém.
Sau 2 tháng, Protsenko trở về nhà ở Pokrovsk (thuộc vùng Donetsk ở miền đông Ukraine), tìm một công việc đơn giản để mưu sinh. Người phụ nữ 35 tuổi thiệt mạng chỉ hai ngày sau khi trở về nhà. Ngày 25-7, bạn bè của Protsenko vừa đưa tiễn cô lần cuối.
“Ở nơi khác, không ai thuê chúng tôi, và chúng tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà”, Hãng tin AP dẫn lời Anastasia Rusanova, một người bạn của Protsenko, cho hay. “Không có nơi nào để đi, ngoại trừ Donetsk”.
Văn phòng thị trưởng thành phố Pokrovsk ước tính 70% những người di tản đã trở về nhà. Tại thành phố lớn hơn như Kramatorsk, cách vùng chiến sự khoảng một giờ lái xe, các nhà chức trách cho biết dân số đã giảm từ 220.000 người còn khoảng 50.000 người trong thời gian đầu chiến sự, nhưng nay con số này đã tăng trở lại lên 68.000 người.
Chính quyền Ukraine có thể không vui khi nhiều thường dân vẫn quanh quẩn nơi vùng chiến sự, nhưng cư dân vùng Donetsk cũng có nỗi khổ riêng. Một số người cảm thấy không được chào đón vì nói tiếng Nga khi di tản tới các vùng nói phổ biến tiếng Ukraine.
Nhưng thiếu tiền vẫn là vấn đề lớn nhất. Ở Kramatorsk, một số người xếp hàng chờ các thùng hàng viện trợ nhân đạo cho biết họ quá khó khăn để có thể sơ tán.
“Ai sẽ chăm sóc chúng tôi?”, Karina Smulska, người đã trở lại Pokrovsk sau một tháng sơ tán, cảm thán. Ở tuổi 18, Smulska là lao động kiếm tiền chính trong gia đình với công việc bồi bàn.
Trong một ngôi nhà đơn sơ ở làng Malotaranivka, ngoại ô Kramatorsk, bà Tamara Markova (82 tuổi) và con trai Mykola Riaskov cho biết họ chỉ sơ tán 5 ngày tới thành phố miền trung Dnipro, trước khi quay về nhà vì không muốn phải xa nhau.
Ở nơi sơ tán, bà Markova sẽ phải tới viện dưỡng lão, còn con trai Riaskov tới nhà dành cho người tàn tật.
Bây giờ ở quê nhà, mỗi khi tiếng còi báo động không kích vang lên, bà Markova sẽ tới chỗ trú ẩn cùng với hàng xóm cho đến khi vụ ném bom qua đi. Viện trợ nhân đạo tới mỗi tháng một lần, nhưng với bà Markova như thế là đã đủ.
Khi mùa đông tới, hàng xóm sẽ che cửa sổ giúp bà Markova bằng phim nhựa cách nhiệt. Khí đốt để sưởi ấm thì lúc có lúc không.
Nỗi nhớ nhà và cả việc chẳng có gì đảm bảo khi sơ tán cũng là những lý do khiến người ta quay lại Donetsk. Hằng ngày có chuyến tàu sơ tán rời Pokrovsk đến miền tây Ukraine, nơi tương đối an toàn và cũng có chuyến tàu dành cho những người muốn về nhà. Chuyến sơ tán thì miễn phí, chuyến quay về thì không.
Oksana Tserkovnyi đi tàu về Donetsk cùng con gái 10 tuổi do không thể tìm được việc làm ở nơi ở mới, trong khi chi phí thuê một căn studio (căn hộ nhỏ) rơi vào khoảng 200 USD/tháng. Tserkovnyi dự định quay lại công việc trước kia, làm việc trong một mỏ than.
Vitalii Anikieiev, tài xế taxi chuyên chờ khách ở ga Pokrovsk, cho biết anh đã chứng kiến nhiều người không thể tái định cư ở nơi khác, “bởi họ đã hết tiền”.