18/11/2024

Bộ Ngoại giao phản đối báo cáo của Mỹ về nạn buôn người ở Việt Nam

Bộ Ngoại giao phản đối báo cáo của Mỹ về nạn buôn người ở Việt Nam

Trả lời Tuổi Trẻ Online, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh báo cáo của Mỹ về nạn buôn người năm 2022 không phản ánh đầy đủ và chính xác các nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống vấn nạn này.

 

Bộ Ngoại giao phản đối báo cáo của Mỹ về nạn buôn người ở Việt Nam - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng – Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Hôm 19-7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo tình hình buôn người năm 2022, trong đó đánh giá Việt Nam “không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và không có những nỗ lực đáng kể để làm như vậy”.

Ngày 21-7, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước báo cáo trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh báo cáo của Mỹ có các thông tin “không xác thực, không phản ánh đầy đủ và chính xác về tình hình cũng như nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam”.

“Chúng tôi mong muốn phía Mỹ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.

Chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người” – bà Hằng nhấn mạnh.

Trong báo cáo tình hình buôn người năm 2022, Mỹ xếp Việt Nam trong nhóm 3 cùng với các nước như Brunei, Campuchia, Malaysia, Myanmar tại Đông Nam Á và một số nước khác như Trung Quốc, Cuba…

Cũng theo báo cáo này, những nước nằm trong nhóm 3 có thể bị hạn chế nhận một số viện trợ từ Mỹ trong tương lai. Trong báo cáo năm 2021, Việt Nam nằm trong nhóm 2 cần theo dõi.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, bà Thu Hằng khẳng định Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn người với sự tập trung cao độ của tất cả bộ, ngành và địa phương.

Một trong những ví dụ gần nhất là vào ngày 18-7, Bộ Lao động – thương binh và xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký quy chế phối hợp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn người.

Ngoài chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030 công bố vào tháng 2-2021, Việt Nam còn ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.

Những văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng được ban hành suốt thời gian qua.

Ở khía cạnh quốc tế, Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

“Việc phòng, chống mua bán người trong nước và qua biên giới luôn được rà soát để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra”, bà Thu Hằng nêu rõ.

Trước Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Cuba cũng đã lên tiếng phản đối báo cáo tình hình buôn người năm 2022 do Mỹ soạn thảo.

DUY LINH
TTO