22/12/2024

Đua nhau lên mạng đoán đề thi tốt nghiệp THPT có vi phạm pháp luật?

Đua nhau lên mạng đoán đề thi tốt nghiệp THPT có vi phạm pháp luật?

Sau việc nhóm sinh viên Kaito Kid phải xác minh nghi vấn ‘lộ đề thi’ khi dự đoán trúng đề văn tốt nghiệp THPT khiến nhiều độc giả thắc mắc ‘vậy từ trước đến nay học sinh, giáo viên lên mạng đoán đề có vi phạm pháp luật?’.

 

 

 

 

Đua nhau lên mạng đoán đề thi tốt nghiệp THPT có vi phạm pháp luật? - ảnh 1
Một fanpage với 3,2 triệu thành viên cũng thực hiện thăm dò ý kiến, đoán đề thi văn tốt nghiệp THPT 2022

CHỤP MÀN HÌNH

Tràn ngập các kiểu đoán đề trên mạng

Những ngày qua dư luận quan tâm câu chuyện tài khoản Kaito Kid được cơ quan chức năng xác minh nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên có một thực tế nhiều năm qua, trước mỗi kỳ thi lớn, như thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT thường có hiện tượng cư dân mạng dự đoán đề thi môn ngữ văn rầm rộ.

Thậm chí nhiều fanpage với hàng triệu thành viên còn thực hiện các cuộc thăm dò để tìm ra tác phẩm có tỷ lệ bình chọn cao nhất, dự đoán sẽ vào đề thi tốt nghiệp THPT.

Việc dự đoán đề thi, thực chất là dự đoán tác phẩm văn học mà đề sẽ ra trong đề thi môn văn tốt nghiệp THPT, hoặc thi lớp 10 ở TP.HCM có vi phạm pháp luật không, có bị xử phạt gì không, đặc biệt trong trường hợp nếu dự đoán trúng như trường hợp của tài khoản Kaito Kid?

Đua nhau lên mạng đoán đề thi tốt nghiệp THPT có vi phạm pháp luật? - ảnh 2
Tràn ngập các bài đoán đề thi trên mạng

CHỤP MÀN HÌNH

Phóng viên Báo Thanh Niên trao đổi với luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát, về vấn đề này.

Luật sư Lê Trung Phát cho biết: “Theo tôi, ngay lúc này, các em sinh viên trong nhóm Kaito Kid cứ bình tĩnh phối hợp với các cơ quan chức năng. Việc cho rằng đang đứng trước nguy cơ bị xử phạt cũng chỉ là dự đoán. Bởi cơ quan chức năng cũng phải chứng minh các bạn đang vi phạm quy định pháp luật nào theo viện dẫn trong công bố của Bộ giáo dục và Đào tạo tại Nghị định 15/2020. Và tôi cho rằng, việc xử phạt các bạn không phải dễ nếu không chứng minh được có vi phạm theo Điều 101 tại Nghị định này”.

 

 

Current Time0:00
/
Duration1:36
Auto

 

 

“Kaito Kid” là 3 sinh viên đại học tại TP.HCM

Vậy việc lên mạng dự đoán đề thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi quan trọng khác vẫn tràn lan từ trước đến nay thì có vi phạm pháp luật không, có bị xử phạt không? Nhiều bạn đọc cũng thắc mắc “trước giờ chúng ta có dự báo thời tiếtdự đoán tỉ số các trận bóng đá, nhiều người cũng đoán đúng tỉ số luôn, vậy dự đoán như vậy có gì sai, có bị phạt không?”.

Luật sư Lê Trung Phát trả lời: “Lâu nay, việc dự đoán một việc gì đó, nó không bị xử phạt bởi đó chỉ là quan điểm, ý kiến của một cá nhân nào đó. Việc dự đoán thường là dựa trên kinh nghiệm, kiến thức của họ trong nội dung dự đoán. Việc dự đoán có thể trúng hoặc sai”.

Đua nhau lên mạng đoán đề thi tốt nghiệp THPT có vi phạm pháp luật? - ảnh 3
Luật sư Lê Trung Phát

HÃNG LUẬT LÊ TRUNG PHÁT

“Người dự đoán không cam kết cho kết quả dự đoán của mình, không yêu cầu người tiếp cận thông tin dự đoán phải trả bất kỳ lợi ích nào và không có tính ràng buộc cho bất kỳ ai phải tin vào điều dự đoán đó, nên họ sẽ không bị chịu bất cứ nghĩa vụ hay trách nhiệm pháp lý nào. Vì vậy, pháp luật của chúng ta vẫn chưa ban hành bất kỳ một quy định nào về việc xử lý đối với người dự đoán, cho dù việc dự đoán đó cho ra kết quả đúng về sau”, luật sư Lê Trung Phát nói.

Nên thay đổi cách ra đề thi tốt nghiệp THPT

Bình luận về thói quen rầm rộ đoán đề thi từ nhiều năm nay, trước các kỳ thi quan trọng của đông đảo thí sinh, phụ huynh, Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, tác giả sách, giải nhì học sinh giỏi văn cấp quốc gia năm 2015, cho hay: “Thật ra việc đoán đề thi từ trước đến nay đều diễn ra, vì các bài học trong trường đều giới hạn nên xác suất đoán đề trúng cũng là bình thường. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận tại sao ‘xu hướng đoán đề’ trở nên tràn lan và bị đẩy cao. Đó là do mạng xã hội phát triển quá và các luật về quản trị mạng vẫn còn chưa chạm hết được những thay đổi liên tục của công nghệ”.

Câu chuyện Kaito Kid vướng lùm xùm lộ đề này phải chăng là bước ngoặt, để chúng ta thấy rằng nhất thiết nên đổi mới lại cách ra đề thi văn tốt nghiệp THPT, tránh việc đoán đề, học tủ đang trở thành vấn nạn?

Đua nhau lên mạng đoán đề thi tốt nghiệp THPT có vi phạm pháp luật? - ảnh 4
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương

NVCC

Nguyễn Hữu Quỳnh Hương trao đổi: “Nhiều người sẽ nghĩ giải pháp đổi mới sáng tạo đề ngữ văn sao cho mới lạ, tạo ra tư duy nghiên cứu, phản biện, bình luận hơn nhưng việc tạo ra một phong cách ra đề khác cũng sẽ gây áp lực cho nhiều đối tượng. Cụ thể, đối với các bạn học sinh thành thị (nơi được tiếp cận với văn hoá xã hội dễ dàng hơn) sẽ thấy đề thi cũ, nghèo nàn và yêu cầu “sự khác biệt”. Tuy nhiên đối với vùng nông thôn thì chưa chắc nếu đổi mới và đưa đề mở quá các em đã thuận lợi đạt được điểm cơ bản”.

Nữ tác giả sách, đồng thời là học sinh giỏi quốc gia môn ngữ văn năm 2015, cho rằng muốn thay đổi đề thi phải đi kèm thay đổi quá trình dạy học và tư duy về môn văn cho cộng đồng nữa. Vì thi phải dựa trên chuyện các bạn được học gì.

“Đường dài, tôi vẫn đề xuất quá trình dạy phải đổi mới thì mới “sáng tạo tuyệt đối” việc lồng ghép các vấn đề xã hội. Vì văn học là nhân học, thậm chí 10 – 20 năm nữa đề thi có thể tư duy về những tác phẩm “cũ” như Vợ chồng A Phủ bằng cách yêu cầu học sinh liên hệ thực trạng bắt vợ trong văn hoá người đồng bào chẳng hạn. Hay cao hơn nữa là văn hoá được phản ánh như thế nào…

Chúng ta có thể tạm gọi xem việc liên hệ thực tế như một tiến trình bắt buộc trong việc dạy và học văn. Chứ không phải chỉ “hiểu”, “phân tích”, “so sánh”. Cái này làm văn chương với đại chúng vẫn xa rời thực tế”, chị Quỳnh Hương trao đổi.

Đua nhau lên mạng đoán đề thi tốt nghiệp THPT có vi phạm pháp luật? - ảnh 5
Thí sinh sau giờ thi môn văn tốt nghiệp THPT 2022

THÚY HẰNG

Còn trong ngắn hạn, làm sao để đổi mới đề thi, tránh việc đoán đề, rồi “ôm tủ“, “học tủ”? Theo Quỳnh Hương, nhìn từ góc độ người học, cô mong muốn: “Đề thi văn tốt nghiệp THPT cần được thay đổi/cập nhật cách diễn đạt trong yêu cầu của thí sinh bằng những từ ngữ hiện đại, phù hợp với văn hoá và tư duy của công chúng. Cái này để vừa giáo dục tư duy bằng ngôn ngữ, vừa tránh đề giống 100% đề cũ, như bị lấy lại trong ngân hàng đề thi rồi mix (trộn) lại với nhau”.

Bài học cho những người chuyên đi đoán đề thi

Ở góc nhìn của một luật sư, Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát cho biết câu chuyện Kaito Kid và nghi vấn lộ đề này cũng là bài học cho một số bạn khi có thói quen dự đoán đề thi của các kỳ thi, đặc biệt là các kỳ thi quốc gia. Bởi việc dự đoán sai thì sẽ không sao, nhưng nếu việc dự đoán mà đúng thì có tính nhạy cảm trong việc này. Nó có yếu tố của việc làm lộ đề thi, tiêu cực và như vậy có cơ sở để các cơ quan chức năng vào cuộc trong việc điều tra làm rõ, xử lý theo luật định.

Theo luật sư Lê Trung Phát, trước khi có kết luận rõ ràng về việc có vi phạm hành chính hay không của người dự đoán, tất nhiên họ sẽ bị phiền phức trong việc phối hợp điều tra với các cơ quan chức năng. Cũng sẽ khiến cho họ mất thời gian, công sức và kể cả mất thu nhập vì không được làm việc mà phải đi phối hợp với các cơ quan chức năng; trong khi việc dự đoán thật sự không mang lại cho mình một lợi ích nào.

“Và đây cũng không phải là một việc làm có lợi gì cho thí sinh, bởi vô tình tạo cho các thí sinh trước khi thi tin vào dự đoán mà “ôm tủ” và có nguy cơ lại bị “tủ đè”. Nên để các thí sinh nhận thức rằng, mình học gì thì có thể thi đó, đề thi cũng nằm trong chương trình học, nên cố gắng học tốt thì sẽ thi tốt mà thôi”, luật sư Lê Trung Phát nhấn mạnh.

 THUÝ HẰNG

TNO