18/11/2024

Nga và Trung Quốc thống trị việc thiết kế các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới

Nga và Trung Quốc thống trị việc thiết kế các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ông Fatih Birol, cho biết kể từ năm 2017, trên thế giới có tới 87% lò phản ứng hạt nhân mới được động thổ là thiết kế của Nga và Trung Quốc.

 

 

 

Nga và Trung Quốc thống trị việc thiết kế các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới - Ảnh 1.

Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam ở Ấn Độ do Nga thiết kế – Ảnh: BUSINESS STANDARD

Theo ông Birol, các nền kinh tế tiên tiến đã mất vị trí dẫn đầu thị trường, vì 27 trong số 31 lò phản ứng hạt nhân bắt đầu xây dựng từ năm 2017 là thiết kế của Nga hoặc Trung Quốc.

Cuộc chiến ở Ukraine đã góp phần làm tăng giá nhiên liệu hóa thạch, khiến năng lượng hạt nhân trở nên hấp dẫn hơn. Đây là cơ hội lớn để điện hạt nhân trở thành một phần chính của thị trường năng lượng thế giới, vì sản xuất điện hạt nhân không thải khí nhà kính gây hiện tượng nóng lên toàn cầu, theo kênh truyền hình CNBC.

Tuy nhiên để đi vào kỷ nguyên mới của điện hạt nhân, theo ông Birol, các chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách để đảm bảo hoạt động an toàn và bền vững của các nhà máy điện hạt nhân thời gian tới. Đầu tư vào các công nghệ mới cũng rất cần thiết.

Đến lúc ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề về chi phí vượt mức và sự chậm trễ của dự án, vốn gây khó khăn cho việc xây dựng các nhà máy mới ở các nền kinh tế tiên tiến thời gian qua, ông Birol nhấn mạnh.

Hiện nay, thế giới có 32 quốc gia sử dụng các lò phản ứng điện hạt nhân. Trong đó, 63% công suất tạo ra năng lượng đến từ các nhà máy điện hạt nhân đời cũ có tuổi đời ít nhất 3 thập kỷ, theo IEA.

Các lò phản ứng hạt nhân hiện có ở các nền kinh tế tiên tiến đặc biệt, sắp tới sẽ giảm công suất 1/3 nếu không có sự can thiệp, đầu tư của nhà nước.

Kể từ năm 2013, có 13 lò phản ứng điện hạt nhân thương mại ở Mỹ đã phải đóng cửa sớm.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, chính phủ liên bang đang trong quá trình thực hiện một chương trình trị giá 6 tỉ USD, để hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân đang gặp khó khăn tài chính.

Vừa qua, bộ này cũng đã sửa đổi các yêu cầu đối với việc nộp đơn xin cấp vốn và kéo dài thời hạn thêm 60 ngày đến ngày 6-9. Các quy tắc mới sẽ giúp các nhà máy điện hạt nhân có điều kiện duy trì các lò phản ứng – bà Kathryn Huff, trợ lý bộ trưởng Bộ Năng lượng, cho biết trong một tuyên bố về sự thay đổi quy tắc.

Trong kế hoạch của IEA, vào năm 2050 để thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 (lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu, bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định), lượng phát điện hạt nhân phải tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2050.

Đến năm 2050, IEA dự trù năng lượng hạt nhân sẽ đóng góp 8% vào tổng năng lượng toàn cầu.

Kế hoạch của IEA về năng lượng hạt nhân, bao gồm các công nghệ điện hạt nhân bằng các lò phản ứng module nhỏ (SMR), tạo ra khoảng 1/3 năng lượng của một nhà máy điện thông thường.

IEA hy vọng: “Chi phí thấp hơn, kích thước nhỏ hơn và giảm rủi ro, dự án SMR có thể cải thiện sự chấp nhận của xã hội và thu hút đầu tư tư nhân”. Canada, Pháp, Anh và Mỹ đang hỗ trợ phát triển công nghệ lò phản ứng module nhỏ này.

GIA MINH
TTO