Vì sao Mỹ và NATO tìm cách sớm chấm dứt ‘đấu pháo’ với Nga?

Vì sao Mỹ và NATO tìm cách sớm chấm dứt ‘đấu pháo’ với Nga?

Mỹ và NATO được cho là có thể hỗ trợ cuộc xung đột ngắn ở Ukraine nhưng không thể hỗ trợ cho một cuộc chiến dài vì kho vũ khí đã cạn kiệt và cần nhiều thời gian để chế tạo vũ khí mới.

 

 

Với những khó khăn trong việc gia tăng năng suất sản xuất vũ khí, cộng với những lý do thuyết phục khác, Mỹ và NATO được cho là nên nghĩ đến cách chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine thay vì tiếp tục theo đuổi mục tiêu làm cho Nga bị suy yếu, theo phân tích của tờ Asia Times.

 

Năng lực hạn chế

Trong Thế chiến 2, Mỹ cung cấp gần 2/3 tổng nguồn tiếp tế chiến tranh cho phe Đồng minh và lực lượng Mỹ trong giai đoạn 1940-1945, sản xuất khoảng 297.000 máy bay, 193.000 khẩu pháo và 86.000 xe tăng.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt năm 1939 thông qua đạo luật huy động bảo vệ, giúp thành lập Hội đồng sản xuất chiến tranh, Văn phòng quản lý sản xuất và tập hợp ngành công nghiệp để cung cấp cho cuộc chiến. Năm 1941, tổng thống ban bố quyền khẩn cấp quốc gia không giới hạn, trao cho chính quyền quyền lực chuyển đổi sản xuất công nghiệp sang các nhu cầu quân sự.

Vì sao Mỹ và NATO tìm cách sớm chấm dứt 'đấu pháo' với Nga? - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm một nhà máy sản xuất tên lửa chống tăn Javelin tại bang Alabama hồi tháng 5 REUTERS

Tuy nhiên ngày nay, Mỹ và các đối tác NATO đều gặp vấn đề trong chuỗi cung ứng khi cuộc chiến tại Ukraine tiếp tục kéo dài. Tương tự, Nga cũng đối diện với vấn đề này. Mỹ và châu Âu đối diện nguy cơ vì ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp sản phẩm công nghệ cao từ châu Á.

Việc mua sắm quốc phòng tại Mỹ và châu Âu do đó trở trên không được liên tục. Ngân sách được phân bổ để mua một số lượng khí tài nhất định và khi hợp đồng hoàn tất và không mua thêm nữa, dây chuyền sản xuất bị đóng và các nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 cũng ngừng sản xuất hoặc chuyển sang dự án khác.

Do đó, nếu có thêm đơn hàng mới, mạng lưới nhà cung cấp và dây chuyền sản xuất sẽ phải khởi động lại từ đầu. Bên cạnh đó là vấn đề về thiếu cơ sở hạ tầng để chế tạo một số loại vũ khí, thiếu công nhân có tay nghề và kỹ sư.

Tham mưu trưởng quốc phòng Anh Tony Radakin gần đây thừa nhận rằng năng lực sản xuất công nghiệp để bổ sung vũ khí đã trở thành vấn đề lớn vì tốc độ sử dụng vũ khí tại Ukraine.

Vì sao Mỹ và NATO tìm cách sớm chấm dứt 'đấu pháo' với Nga? - ảnh 2
Vũ khí Mỹ gửi cho Ukraine hồi tháng 1 KHÔNG QUÂN MỸ

Ngay cả các nhà thầu cũng thừa nhận khó khăn trong việc tăng năng suất để tái cung cấp vũ khí cho quân đội. Hãng Raytheon gần đây được trao hợp đồng trị giá 634 triệu USD để tái nạp kho tên lửa chống máy bay Stinger của quân đội Mỹ nhưng nói rằng không thể bắt đầu sản xuất trước năm 2023.

Mỹ đã gửi hơn 1/3 số tên lửa Stinger và Javelin cho Ukraine và khi cuộc chiến tiếp tục kéo dài, kho dự trữ các loại vũ khí này có thể sẽ giảm xuống còn một nửa.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã chuyển cho Ukraine 18 khẩu lựu pháo 155 mm cùng 36.000 quả đạn, 2 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon, hàng ngàn bộ kính nhìn đêm và các thiết bị dò nhiệt, bộ đàm, UAV, áo chống đạn, mũ cối, thiết bị phòng thủ hóa sinh… Gần đây, quốc hội Mỹ còn thông qua đạo luật phân bổ bổ sung Ukraine trị giá 40 tỉ USD, gồm 14 tỉ USD viện trợ vũ khí và nhân đạo cho Ukraine.

 

Hai nguy cơ

Với sự viện trợ lớn như vậy, Mỹ và NATO đối diện với hai mối nguy hiểm lớn.

Thứ nhất là không đủ khí tài trong kho để tiếp tục hỗ trợ Ukraine nếu cuộc chiến kéo dài lâu hơn, ngay cả khi vũ khí mới đang được sản xuất vì cần nhiều thời gian. Nếu xung đột vượt ra khỏi biên giới Ukraine, NATO có thể đối diện với thách thức khổng lồ trong việc phòng thủ cho một vùng lãnh thổ rộng lớn với lượng vũ khí ít ỏi.

Theo Asia Times, không có dấu hiệu nào cho thấy việc thiếu thốn vũ khí này có thể chấm dứt trong một vài năm tới, ngay cả khi các nước có quyết tâm. Một vài chính phủ tại châu Âu đã bắt đầu tăng mức chi tiêu quân sự nhưng việc sản xuất vũ khí tại châu Âu được cho là rất chậm, hơn cả tại Mỹ. Những nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ càng khiến vấn đề thêm phức tạp.

Mối nguy hiểm thứ hai là nếu xung đột bùng phát tại một khu vực khác như trên bán Triều Tiên, hoặc Đài Loan bị tấn công, nước Mỹ sẽ hứng chịu gánh nặng gần như là quá sức.

Hiện tại, lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản đang bị thiếu nguồn cung cấp quân sự trầm trọng trong khi Đài Loan đã được thông báo rằng Mỹ sẽ không thể cung cấp một số loại vũ khí cho hòn đảo này, gồm những loại lựu pháo đang được chuyển cho Ukraine.

Vì sao Mỹ và NATO tìm cách sớm chấm dứt 'đấu pháo' với Nga? - ảnh 3
Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp tại Donetsk REUTERS

Giới làm chính sách tại Mỹ được cho là biết rõ nguy cơ của việc thúc đẩy cuộc chiến ủy nhiệm tại Ukraine có thể làm lan rộng ra cả khu vực. Họ có thể tính toán rằng Nga đang chịu thiệt hại lớn về quân số lẫn khí tài, nhưng không ai dám chắc về việc Nga có thể cầm cự bao lâu.

Nếu xung đột lan rộng có thể nhanh chóng làm tiêu hao kho dự trữ của NATO và một cuộc chiến chỉ với lực lượng pháo hạng nặng là chủ chốt cũng đủ gây thiệt hại lớn cho châu Âu. Bên cạnh đó, nếu bị ép quá mức, quân đội Nga có thể tuyên bố quyền sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để phản ứng, điều mà giới chính trị gia nước này từng bóng gió và vận động. Nguy cơ xung đột leo thang và nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cộng với việc thiếu nguồn cung cấp vũ khí được cho là lý do thuyết phục để phương Tây cân nhắc lại chính sách làm suy yếu Nga.

VI TRÂN

TNO