26/12/2024

Vì sao 54% người lao động tại Việt Nam muốn nghỉ việc?

Vì sao 54% người lao động tại Việt Nam muốn nghỉ việc?

Ngày 14-6, hơn 300 đại diện doanh nghiệp cùng các chuyên gia, lãnh đạo địa phương đã cùng tham gia hội thảo Giữ chân người lao động sau đại dịch COVID-19 tại tỉnh Long An. Một khảo sát được công bố với những số liệu gây bất ngờ.

 

 

Vì sao 54% người lao động tại Việt Nam muốn nghỉ việc? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng – phó văn phòng Bộ Lao động, thương binh và xã hội – thảo luận về cách giữ chân người lao động tại hội thảo – Ảnh: SƠN LÂM

Tại hội thảo Giữ chân người lao động sau đại dịch COVID-19 do Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An phối hợp Manpower Group, bà Nguyễn Tâm Thanh – giám đốc nhân sự vùng Cargill Việt Nam và Thái Lan – đã đưa ra kết quả khảo sát cho thấy 54% người lao động đang có tâm lý muốn nghỉ công ty mình đang theo làm.

Theo bà Thanh, đây là tâm lý chung của người lao động trên toàn thế giới sau dịch COVID-19. Tại Thái Lan, khảo sát cho thấy tâm lý này xuất hiện trong hơn 60% người lao động.

“Khi đại dịch xảy ra, suy nghĩ người ta thay đổi. Họ thấy cuộc đời quá ngắn ngủi, thấy người thân lần lượt ra đi và xuất hiện tâm lý nghĩ xa quá làm gì cho mệt. Điều này dẫn đến tinh thần thị trường bây giờ cũng đã thay đổi”, bà Thanh thảo luận.

Ông Phạm Anh Thắng – phó văn phòng Bộ Lao động, thương binh và xã hội – đưa ra các con số cho thấy nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng. Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua khi đại dịch xảy ra. Vào quý 3-2021, lượng lao động đã giảm 5,3 triệu người so với hai năm trước đó.

Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp thời điểm cuối năm 2021 cũng tăng đến hơn 1,8 triệu người.

Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành và vùng miền có sự đảo chiều. Khoảng 1,3 triệu lao động từ thành thị về nông thôn. Lao động trong ngành nông nghiệp và dịch vụ giảm xuống, trong khi các lĩnh vực nông, lâm và thủy sản tăng lên.

Để giữ chân người lao động, nhiều chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An cho rằng câu chuyện không chỉ về lương mà còn các phúc lợi ngoài lương, về sự chia sẻ giữa người lao động và quản lý, về việc nhận định đúng xu hướng tâm lý của lao động trên thị trường vào từng thời điểm.

Bà Nguyễn Thu Trang – giám đốc tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam – cho biết khảo sát cho thấy 95% doanh nghiệp đánh giá các phúc lợi ngoài lương như chương trình đào tạo phát triển kỹ năng, có tổ chức công đoàn, bảo hiểm sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ theo mức lương, chế độ giờ làm việc linh hoạt… rất cần thiết để giữ chân người lao động. Theo khảo sát có đến 49% người lao động sẵn sàng chuyển công ty để có được phúc lợi tốt hơn.

Bên cạnh đó, bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc – phó tổng nguồn nhân lực Coca – Cola Việt Nam – cho rằng việc thường xuyên đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp, nâng cao khả năng quản lý cho nhân sự lãnh đạo, thường xuyên khảo sát nhu cầu của người lao động cũng là việc ưu tiên để người lao động gắn bó hơn với công ty.

SƠN LÂM
TTO