19/11/2024

Cùng con sống ‘có kỹ năng’

Cùng con sống ‘có kỹ năng’

Cha mẹ cần dạy con những kỹ năng gì để sống tốt, sống bình an trong cuộc đời nhiều thử thách này – chứ không chỉ phó thác cho nhà trường, xã hội?

 

 

Cùng con sống có kỹ năng - Ảnh 1.

Cha mẹ cần đồng hành với con trong quá trình con học cách trưởng thành – Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Trong những năm gần đây, những thông tin về nhóm vị thành niên có hành vi đánh nhau, cướp giật… có xu hướng gia tăng, mà một trong các nguyên nhân là sự thiếu hụt kỹ năng sống trong giới trẻ.

Theo tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, hiện có rất nhiều khái niệm kỹ năng sống của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO)…

Trong đó khái niệm của UNESCO khá dễ hiểu: Kỹ năng sống là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hằng ngày.

Có thể hiểu đơn giản kỹ năng sống là năng lực cá nhân để tồn tại và phát triển trong xã hội, bao gồm năng lực tự chủ (chính mình) và năng lực tương tác hiệu quả với môi trường (tự nhiên, xã hội). Kỹ năng sống được biểu hiện qua hành động trong thực tế cuộc sống (thực hành). Đó là quá trình con người vận dụng vốn hiểu biết của mình để thực hiện hành động nhằm đạt mục tiêu mong muốn.

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân

 

* Vì sao cha mẹ cần dạy kỹ năng sống cho con trẻ, thưa ông?

– Kỹ năng sống có vai trò không thể thiếu với mỗi cá nhân khi biến nhận thức, cảm xúc thành hành động thực tế; giúp ta tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm để có sự tự tin và suy nghĩ theo hướng tích cực, từ đó hành động tích cực; sống yêu đời, hạnh phúc, làm chủ cuộc sống của mình; hành xử phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh văn hóa – xã hội.

Ở góc độ làm cha mẹ, việc nuôi dạy con tạm gọi là “hoàn thành” khi con có đủ năng lực để tự mình tồn tại và phát triển trong xã hội. Vì vậy, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là vấn đề quan trọng cần được người lớn quan tâm.

So với nhà trường và xã hội, giáo dục kỹ năng sống tại gia đình có những đặc thù và lợi thế riêng: có quan hệ huyết thống, có tình thương yêu, có tính cá biệt (hướng tới cá nhân cụ thể với đặc điểm tâm lý và tiềm năng riêng), có hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” và cả hình mẫu, có bài học kinh nghiệm… Vì vậy, bên cạnh nhà trường và xã hội, cha mẹ cần chủ động dạy kỹ năng sống cho con như là sự lấp đầy quan trọng.

Cùng con sống có kỹ năng - Ảnh 3.

Tiến sĩ tâm lý BÙI HỒNG QUÂN

* Giữa muôn vàn kỹ năng sống, cha mẹ chọn dạy “món” nào cho con?

– Trước hết cần xác định mục tiêu của việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mà theo UNESCO là học để biết – học để làm – học để là chính mình – học để cùng chung sống. Trên cơ sở đó, cha mẹ xác định các kỹ năng sống cần thiết nhất cho con. Cha mẹ có thể chia hệ thống kỹ năng sống cần dạy con thành hai nhóm: nhóm tự chủ (bản thân) và nhóm tương tác (với môi trường tự nhiên, xã hội).

Nhóm tự chủ bao gồm các kỹ năng cần thiết nhất là: tự nhận thức (bản thân), quản lý cảm xúc, kiểm soát căng thẳng (stress), suy nghĩ tích cực, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, xác định mục tiêu cá nhân, tự chăm sóc/tự phục vụ…

Còn nhóm tương tác bao gồm nhiều kỹ năng: sinh tồn, sống hài hòa với thiên nhiên, xây dựng mối quan hệ, lắng nghe thấu cảm, giao tiếp hiệu quả, đàm phán – thương lượng, làm việc tập thể, thể hiện bản thân, giải quyết mâu thuẫn…

Cần lưu ý các kỹ năng không tồn tại độc lập mà bổ sung, đan xen lẫn nhau. Và dạy kỹ năng sống không phải là “cho có” mà cần hướng đến sự hình thành và phát triển kỹ năng theo các tiêu chí đánh giá như tính đúng đắn, tính linh hoạt và đặc biệt là sự thành thạo.

 

* Cha mẹ không phải là giáo viên hay chuyên viên huấn luyện, vậy họ dạy kỹ năng sống cho con bằng cách nào?

– Khác với dạy học trên lớp, dạy kỹ năng sống càng “thực” (tình huống/bối cảnh/vấn đề) càng tốt. Cha mẹ có thể tạo ra “tình huống có vấn đề” bằng nhiều cách: nhắc lại một tình huống từng xảy ra trước đó trong gia đình, họ hàng, môi trường sống xung quanh; đọc/kể câu chuyện trong sách báo, phim ảnh, trên tivi; nấu bữa tiệc đãi khách; trang trí nhà cửa dịp lễ tết; thảo luận cách sử dụng tiền lì xì; chuẩn bị cho chuyến dã ngoại; cùng “đu trend” mạng xã hội…

Còn phương pháp dạy kỹ năng sống cần “động”, nghĩa là con cần trải qua giao tiếp và hoạt động để hình thành kỹ năng, chẳng hạn: hỏi – đáp, trò chơi, cùng bàn luận, cùng phân tích, cùng giải quyết tình huống, sắm vai, trực quan hóa (hình vẽ, clip, phim…), vẽ sơ đồ tư duy, hướng dẫn làm theo, giao việc…

Và cha mẹ cũng đừng quên thường xuyên khen ngợi để động viên con rèn kỹ năng sống thành thói quen. Ngược lại cha mẹ nên tránh phương pháp giảng giải – khuyên bảo, bởi khi đó cha mẹ “động” mà con “tĩnh”.

Đặc biệt phương pháp hiệu quả nhất trong giáo dục nói chung và giáo dục kỹ năng sống nói riêng là “thân giáo” – dạy bằng chính bản thân cha mẹ. Chúng ta không thể dạy cái mà ta không có, vì vậy muốn dạy con kỹ năng sống nào thì cha mẹ cần sở hữu nó rồi mới hướng dẫn cho con.

HUỲNH THANH BÌNH thực hiện
TTO