22/12/2024

Cùng con vào thời đại số: Cha mẹ livestream, con lãnh hậu quả

Cùng con vào thời đại số: Cha mẹ livestream, con lãnh hậu quả

“Một đoạn livestream sẽ là một miếng “mồi ngon” cho cộng đồng mạng cắt ghép, chỉnh sửa đăng trên nhiều nền tảng khác nhau từ Facebook, YouTube, TikTok, Instagram… Việc lộ những thông tin quan trọng là gần như chắc chắn”.

 

 

Cùng con vào thời đại số: Cha mẹ livestream, con lãnh hậu quả - Ảnh 1.

Dù đôi khi livestream xuất phát từ tâm lý muốn bảo vệ quyền lợi cho con, một số phụ huynh vô tình đã để lộ nhiều thông tin, hình ảnh riêng tư của con, có thể để lại tác động lâu dài.

Ông Lê Nhân – một chuyên gia an ninh mạng đang làm việc tại quận 1 (TP.HCM) – cho rằng bất kể thông tin gì liên quan đến trẻ em khi đưa lên mạng xã hội đều cần có sự tiết chế và cân nhắc kỹ lưỡng từ phía người lớn. Về mặt thông tin, với duy nhất một tấm hình, chỉ cần biết chức năng tìm kiếm ảnh trên Google, người dùng Internet đã có thể tìm kiếm được rất nhiều bức hình liên quan, biết được nguồn gốc hình ấy ở đâu, đăng khi nào.

 

Rủi ro lớn về an toàn thông tin

Theo ông Nhân, trường hợp ảnh hiển thị trên Facebook, những người “rành” về công nghệ có thể truy vết từ tài khoản người dùng để lần ra vô số thông tin xung quanh các em và những người thân. “Đó chỉ mới là với một bức ảnh, chưa nói tới livestream. Một đoạn livestream sẽ là một miếng “mồi ngon” cho cộng đồng mạng cắt ghép, chỉnh sửa đăng trên nhiều nền tảng khác nhau từ Facebook, YouTube, TikTok, Instagram… Việc lộ những thông tin quan trọng là gần như chắc chắn” – ông Nhân nói.

Tương tự, ông Trương Văn Cường – trưởng bộ phận an ninh mạng Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena – cho rằng dữ liệu cơ bản về trẻ em cần được bảo vệ trên môi trường số. Đặc điểm của Internet là tính lưu trữ. Kể cả có xóa đi rồi nhưng cũng sẽ có rất nhiều bảng lưu khác tồn tại nhiều nơi không thể “dọn dẹp” hết.

Theo ông Cường, các chuyên gia an ninh mạng thường khuyến cáo phụ huynh cần hạn chế lan truyền một số thông tin của con như hình ảnh, nơi con đang học, bạn bè, giáo viên phụ trách… Những thông tin trên đôi lúc sẽ “tiếp tay” cho người có ý đồ không tốt với trẻ nhỏ. Một số vụ bắt cóc trước đây đã từng xảy ra chỉ vì cha mẹ để lộ những thông tin về tên tuổi, hình ảnh, địa chỉ trường lớp của con.

“Trong trường hợp cha mẹ muốn khoe con qua các hình ảnh hay livestream, những chi tiết quan trọng cần được che đi hoặc làm mờ một cách hợp lý” – ông Cường nói.

 

Người bảo vệ vô tình làm hại

ThS Trần Vân Anh – giám đốc chương trình, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), đơn vị có nhiều hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian số – cho rằng cha mẹ, người thân – những người gần gũi nhất với trẻ em – phải có quyền và nghĩa vụ lớn nhất bảo vệ trẻ trước mọi sự xâm hại. Trong một số trường hợp, người livestream tưởng chừng đang lên tiếng bảo vệ con nhưng vô tình lại lan truyền rất nhiều thông tin riêng tư.

Mạng xã hội vốn có tính đa chiều. Người dùng có xuất phát điểm và trình độ nhận thức khác nhau sẽ lĩnh hội một thông điệp không giống nhau. Có người cảm nhận bạn đang ra sức bảo vệ con nhưng người khác có thể bóp méo thông tin dù cho bạn có đang thật sự vì con hay không. Đó là “lợi bất cập hại”, chưa biết livestream sẽ giải quyết được gì nhưng những ảnh hưởng có phần tiêu cực ngay trước mắt.

Theo bà Vân Anh, một khi đã “đăng đàn”, nếu được hưởng ứng, người ta sẽ càng thấy được khích lệ. Trong một số vụ livestream “đòi” quyền lợi cho con, phụ huynh nhận được những lời cảm thông, động viên từ cộng đồng mạng sẽ có tâm lý tiếp tục muốn chia sẻ, muốn làm tới cùng. Nhìn ở một góc độ nào đó, người livestream đã bị sự cảm thông này dẫn dắt.

Trên thực tế, số người xem những vụ livestream này như một sự mua vui thường nhiều hơn so với số người cảm thông. Chưa kể là những người có ý đồ xấu, hùa vào bắt nạt, tấn công những người có liên quan, kể cả trẻ em. Không loại trừ trường hợp các em sau khi chịu bắt nạt trực tuyến lại bị tấn công ngoài đời thực.

Khả năng trên hoàn toàn có thể bởi các thông tin quan trọng của con đã được người livestream công khai trên mạng xã hội. “Điều này còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần so với khi vô tình thất lạc thông tin. Ranh giới giữa ảo và thật rất mong manh trong khi người lớn lại vô tình làm ảnh hưởng tới con trẻ” – bà Vân Anh nói.

 

Không livestream được không?

Theo ThS Trần Vân Anh, cha mẹ cần tự nhủ không nên làm điều gì khi mất bình tĩnh. Lúc tức giận, phụ huynh cần quản lý cảm xúc bởi dù có thông thái đến đâu, một người sẽ không thể đưa ra những quyết định sáng suốt khi nóng giận. Do vậy trước khi muốn “tranh đấu” cho con, phụ huynh cần tự điều chỉnh để bình tĩnh hơn.

Sau khi đã “hạ hỏa”, cha mẹ cần nhìn vấn đề một cách đa chiều. Một mâu thuẫn nên được xem xét từ nhiều bên liên quan nhằm hiểu rõ gốc rễ vấn đề và có cách xử lý phù hợp. Nếu vẫn không thể giải quyết, phụ huynh có thể tiếp cận sự hỗ trợ của bên thứ ba như trường học, pháp luật.

Tốt nhất, phụ huynh đừng vì sự nóng giận và mong muốn cá nhân mà livestream để tìm câu trả lời cho những vấn đề của trẻ nhỏ. Điều này không chỉ gây hại cho bản thân các em mà còn với những người xung quanh.

 

Chuyện gì cũng livestream

Bà Nguyễn Phương T. (quận 3, TP.HCM) chia sẻ trước đây mình từng “nghiện” livestream cảnh gia đình ăn uống, nói chuyện. Một số livestream quay cảnh con đang vui chơi, có hôm ghi lại hẳn một buổi “tắm” của đứa con 3 tuổi. Nhưng rồi có lần, một người bạn của bà T. hiện ở Texas (Mỹ) nhắn tin gửi cho bà bức ảnh “trần truồng” con bà đang tắm được đăng lại trên một trang web về những phương pháp dạy con “độc lạ” ở Mỹ. Bên dưới là nhiều bình luận trái chiều, từ cách tắm con tới chuyện quay hình. Có cả một số ít bình luận khiếm nhã về cơ thể của con.

“Tôi nổi hết da gà. Từ đó tôi gần như bỏ livestream một cách tùy tiện. Chỉ những dịp nào quan trọng tôi mới livestream làm kỷ niệm thôi” – bà T. nói.

 

Coi chừng phạm luật

Điều 21 của Hiến pháp (2013) có quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Ngoại trừ một số trường hợp được luật cho phép, việc một người tự ý cung cấp những thông tin này, khi chưa được phép, đều bị xem là vi phạm.

A3aaaa 1(Read-Only)

Nhiều vụ livestream của phụ huynh đã kéo theo tình trạng bắt nạt trực tuyến ở trẻ em – Ảnh minh họa của GETTY IMAGES

Đối với trẻ em, việc bảo vệ thông tin cũng không ngoại lệ. Khoản 11 điều 6 của Luật trẻ em (2016) quy định về hành vi bị nghiêm cấm “công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân các em mà không được sự đồng ý của trẻ từ đủ 7 tuổi lên”. Việc cha mẹ thực hiện livestream vì mục đích gì, nhưng có dính tới thông tin của con cái là việc làm không nên và đang vi phạm pháp luật. Dù trong một số trường hợp, có thể con cái đồng ý nhưng việc đồng ý đó đôi lúc không thật sự xuất phát từ chính sự tự do về ý chí của trẻ hoặc không được giải thích rõ các hậu quả.

Nếu vì mục đích của mình mà xâm phạm các quy định nêu trên, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 31 nghị định 130/2021 với tiền phạt từ 20 – 30 triệu đồng, đồng thời buộc phải thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, dù họ có là cha mẹ, người giám hộ của trẻ.

Trường hợp các livestream lôi kéo trẻ em vào và gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác, những người có hành vi vi phạm này có thể bị xử phạt theo quy định tại điều 24 của nghị định 130/2021. Để tránh việc chúng ta có thể là những người bị vi phạm, tránh việc làm ảnh hưởng đến trẻ, không nên đưa trẻ vào các cuộc livestream của mình.

Luật sư LÊ Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM)

TUYẾT MAI ghi

TRỌNG NHÂN
TTO