22/12/2024

Lắng nghe để thấu hiểu những lời con nói

Lắng nghe để thấu hiểu những lời con nói

Đôi khi, con của bạn cũng cảm thấy rằng, cha mẹ của mình bận rộn đến nỗi không có thời gian lắng nghe mỗi khi chúng cần được hỗ trợ để thoát khỏi áp lực học hành hoặc có những băn khoăn mà chúng muốn giãi bày.

 

 

 

Dĩ nhiên, truyền hình và các phương tiện giải trí liên quan ở gia đình lại càng tạo thêm những rào cản, khiến cha mẹ và con cái càng ít có dịp lắng nghe lẫn nhau.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các gia đình ngày nay là làm sao để các thành viên thực sự biết lắng nghe nhau. Các bậc cha mẹ thường phàn nàn, con cái thường không muốn nghe những gì mình nói, chúng chỉ nghe những gì mà chúng muốn nghe thôi. Tuy nhiên, biết lắng nghe là một công việc khó khăn.

Vậy làm thế nào để có thể giúp trẻ trở thành một người biết lắng nghe? Dưới đây là một số ý tưởng gợi mở cho các bậc cha mẹ.

Lắng nghe để thấu hiểu những lời con nói - ảnh 1
Lắng nghe con cũng là một nghệ thuật  SHUTTERSTOCK

Việc biết chăm chú lắng nghe phải được cha mẹ thực hành và làm gương cho trẻ trước, sau đó nó sẽ trở thành một phần trong tính cách của trẻ. Nếu muốn con mình biết lắng nghe, trước hết cha mẹ phải là người biết lắng nghe để làm gương cho con. Kỹ năng lắng nghe cần phải được luyện tập đều đặn. Những thông điệp bằng lời phải được thể hiện một cách thoải mái: có sự tiếp xúc trực tiếp bằng ánh mắt, nét mặt, cử chỉ thân thiện. Những gì bạn nói cũng có giá trị trong việc chứng tỏ bạn đang biết lắng nghe.

 

Đừng ngắt lời trẻ

Người ta thường suy nghĩ nhanh hơn những gì họ nói. Với vốn từ vựng còn hạn chế và còn ít kinh nghiệm trong việc nói chuyện, trẻ thường mất nhiều thời gian hơn so với người lớn trong việc suy nghĩ và lựa chọn ngôn ngữ thích hợp để nói chuyện. Chính vì vậy, hãy tránh ngắt lời trẻ trước khi trẻ nói xong. Có thể đặt những câu hỏi nhằm giúp trẻ lựa chọn từ hoặc cụm từ phù hợp để diễn tả chính xác hơn những gì chúng muốn nói.

Khuyến khích việc nói chuyện giữa các thành viên trong gia đình. Hãy chắc chắn rằng, con cái luôn sẵn lòng chia sẻ mọi ý tưởng, cảm xúc và kinh nghiệm sống của mình với cha mẹ. Hãy nhớ rằng, tạo một bầu không khí biết lắng nghe trong gia đình sẽ giúp nuôi dưỡng ở trẻ khả năng thấu hiểu người khác, cũng như những cảm giác lành mạnh trong mọi mối quan hệ với người khác. Hãy gạt bỏ những phương tiện gây trở ngại cho cuộc nói chuyện. Tắt ti vi, tìm khoảng thời gian yên lặng để cha mẹ và con cái có nhiều thời gian nói chuyện với nhau hơn.

 

Kiềm chế nỗi sợ hãi và an ủi trẻ

Trẻ em thường phản ứng theo mức độ sợ hãi và lo lắng ở người lớn. Điều quan trọng là cha mẹ nên thường xuyên vỗ về và an ủi con rằng sẽ luôn bảo đảm an toàn cho con.

Sợ hãi, mất mát, giận dữ thường là những phản ứng của trẻ trong thời kỳ căng thẳng. Mỗi trẻ có cách biểu lộ khác nhau, cha mẹ nên kiên nhẫn, hiểu biết và an ủi con.

Để giảm căng thẳng ở trẻ, cha mẹ có thể đề nghị con viết truyện hoặc vẽ tranh về thế giới chung quanh, chơi đất sét, đọc truyện hay múa hát… Hãy để trẻ lựa chọn những hoạt động mình yêu thích nhằm giúp trẻ duy trì sự tự chủ và thoải mái.

Trẻ không những cần sự quan tâm và tình cảm của người thân trong nhà, mà còn ở bạn bè, họ hàng và láng giềng. Vì thế, cha mẹ nên cho trẻ thăm viếng, điện thoại và viết thư cho những người chung quanh nhiều hơn trong thời điểm này.

Có rất nhiều ích lợi khi chúng ta phát triển cho trẻ kỹ năng lắng nghe tốt. Trong thực tế, những em này sẽ có nhiều lợi thế so với những trẻ thiếu kỹ năng lắng nghe. Ở nhà trường, những trẻ được đánh giá và có thành tích cao thường là những trẻ có các mối quan hệ tốt với các bạn. Biết lắng nghe sẽ làm cho tư duy sâu sắc và khả năng diễn đạt linh hoạt hơn. Cuối cùng, biết lắng nghe, sẽ giúp trẻ xây dựng được nhiều mối quan hệ giao tiếp tốt với người khác, để gặt hái nhiều thành công hơn trên đường đời sau này.

 

Dạy con lễ phép từ lời chào

“Lời chào cao hơn mâm cỗ”, hầu như ai cũng biết câu này và hiểu được giá trị văn hóa của lời chào hỏi. Thế nhưng, nhiều gia đình đã không chú trọng con cái cách chào hỏi.

Có những gia đình hiện nay không chú trọng coi việc dạy con chào hỏi, động tác vòng tay trả lời thầy cô hay người lớn tuổi giờ đây cũng ít thấy. Ở những bữa cơm gia đình, cũng ít thấy các cháu mời người lớn trước khi ăn.

Thật ra, rất dễ dạy cho trẻ lời chào hỏi. Ngay từ khi trẻ biết nói, việc đầu tiên cha mẹ thường dạy con là, con chào bà đi, nói cháu chào bác ạ… Trẻ con tiếp thu rất nhanh và hào hứng với những cái mới nhưng cũng… mau quên! Vì thế, nhắc nhở con việc chào hỏi là chuyện bình thường. Khi có mặt khách mà con cái quên chào, hay khi con cái lớn, ngại chào hỏi, do mắc cỡ, cha mẹ cần nhắc nhở.

 

Nguyễn Thuỳ Trang

(Khoa Tâm lý – Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội)

TNO