Trẻ con không có lỗi trong nỗi áp lực của người lớn

Trẻ con không có lỗi trong nỗi áp lực của người lớn

Gần đây, tự tử trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội, không chỉ có thanh thiếu niên, những người trưởng thành cũng tìm đến cái chết khi bức bách. Đáng nói, nhiều người còn tước đi mạng sống của con mình, những đứa trẻ vô ưu, vô tội.

 

 

Trẻ con không có lỗi trong nỗi áp lực của người lớn - Ảnh 1.

Đứa trẻ trưởng thành trong vòng tay yêu thương sẽ giàu ký ức tuổi thơ – Ảnh: TẤN KHÔI

Hổ dữ còn không ăn thịt con

Mới đây, ngày 17-5, tại tỉnh Quảng Nam, vì mâu thuẫn chuyện vợ chồng, người đàn ông 29 tuổi chở theo con gái 6 tuổi đến cầu Cửa Đại, dừng xe máy lại rồi bồng con trèo qua lan can cầu gieo mình xuống sông Thu Bồn. Sau nhiều ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng xác nhận cả hai đều tử vong.

Sự việc trên không phải hy hữu, trước đó, ngày 10-5, tại tỉnh Hải Dương, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của chị H.T., giáo viên mầm non, và hai con nhỏ trên sông Thái Bình. Ngày 8-5, chị T. đã đưa hai con (một cháu 9 tháng tuổi và một cháu 2 tuổi) đi khỏi nhà. Sau đó, người thân, đồng nghiệp nhận được nhiều tin nhắn của chị với nội dung khá tiêu cực, nên vội vã đi tìm.

Sau gần hai ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cả ba mẹ con. Nguyên nhân vụ việc đang được tiếp tục làm rõ, song theo phỏng đoán ban đầu có thể một phần xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng.

Từ những vụ việc đau lòng trên, có người thương tâm về mất mát lớn cho một gia đình, có người hờn trách sao người lớn “nhẫn tâm”, cũng có người lên án cho sự ích kỷ khi lựa chọn cái chết.

Nhưng hơn hết, chúng ta cần nhìn nhận vào điểm khởi nguồn của thực trạng trên. Liệu xã hội có đang xem nhẹ những khủng hoảng tâm lý xuất phát từ mâu thuẫn gia đình? “Con giun xéo lắm cũng quằn”, khi những áp lực của người lớn quá bức bách, nhưng bị lãng quên và phó mặc, những sự việc đau lòng lại liên tiếp xảy ra.

 

Trẻ con không có lỗi trong nỗi áp lực của người lớn

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện – đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM – cho biết các rối loạn tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách, rối loạn lưỡng cực… có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến hành vi tự sát của một người.

Bên cạnh đó, các khó khăn trong mối quan hệ như ly hôn, tang chế, các tình huống căng thẳng về kinh tế, xã hội hoặc việc bị quấy rối, bắt nạt, xâm hại cũng có thể dẫn đến ý định tự sát.

“Chúng ta không thể nào biết rõ điều gì xảy ra trong tâm trí của người tự sát có hành vi ôm theo con cái mình. Có thể trong những khủng hoảng, khó khăn về tinh thần, suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực dẫn đến họ muốn cùng với con mình chấm dứt sự sống để không còn bận tâm, lo lắng về những người phụ thuộc ở lại”, ông Thiện chia sẻ.

Cùng quan điểm đó, TS tâm lý Lê Minh Công – giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường đại học KHXH&NV TP.HCM – cho rằng nhiều phụ nữ sau sinh có rối loạn trầm cảm hoặc loạn thần thường có nguy cơ tự tử, khi đó họ có thể giết con hoặc tự tử cùng con như một cách thức cảm nhận sợ không còn mình thì không ai có thể chăm sóc, lo lắng cho con cái của họ.

Nhiều người khác có xung động tự tử do ghen tuông hoặc quá áp lực vì cuộc sống gia đình cũng có thể sát hại con cái họ như cách “trút” cảm xúc tiêu cực mà mình đang trải qua. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng khác nhưng không thể làm rõ được các yếu tố này, vì là tâm lý của cá nhân từng người.

Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, hành vi tự sát hay sát hại tính mạng của con cái là hành vi tiêu cực không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, với những người có hành vi đó, có thể họ phải đối diện với rất nhiều vấn đề khó khăn, các rối loạn tâm thần… mà người khác không biết được. Vì thế, ông Thiện cho rằng xã hội không nên phán xét hay lên án họ một cách chủ quan và vội vã.

Với kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiều dự án chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch COVID-19, theo TS Lê Minh Công, xã hội cần xây dựng chiến lược phòng ngừa sức khỏe tâm thần cộng đồng cũng như sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Điều này giúp phòng ngừa trước một bước, đồng thời giúp các cá nhân có trải nghiệm sức khỏe tâm thần có thể được hỗ trợ thích đáng. Mặt khác, cũng cần tránh cho trẻ em gần với những người có nguy cơ cao, tiền sử tự tử hoặc nguy cơ sát hại người khác.

Các chuyên gia cho rằng cần đào tạo và mở rộng các cơ sở phục hồi tâm lý, trị liệu tâm lý. Chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội cùng với người thân trong gia đình cũng dành nhiều hơn sự quan tâm đối với những người có biểu hiện bất thường về tâm lý để ngăn chặn những sự việc đau lòng.

 

CẨM NƯƠNG
TTO