Hướng dẫn mới của CDC Mỹ về bệnh viêm gan bí ẩn

Hướng dẫn mới của CDC Mỹ về bệnh viêm gan bí ẩn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Âu thông tin nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm gan bí ẩn – viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ – vẫn chưa được tìm ra.

 

 

 

Tuy nhiên, các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao vi rút adeno (adenovirus). WHO đang có các nghiên cứu đánh giá vai trò của vi rút này với các ca bệnh viêm gan bí ẩn.

Tại VN, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Nhi T.Ư, Viện Vệ sinh dịch tễ và các tỉnh, thành tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.

Hướng dẫn mới của CDC Mỹ về bệnh viêm gan bí ẩn - ảnh 1
Minh họa cấu trúc của adenovirus  SHUTTERSTOCK

Cần cho con tiêm phòng đầy đủ

Theo bản tin tối qua của Đài ABC News, tại Mỹ đến thời điểm này đã ghi nhận ít nhất 109 ca mắc viêm gan bí ẩn ở trẻ em và ít nhất 5 trẻ tử vong do bệnh này. 418 ca đã được ghi nhận ở ít nhất 33 quốc gia, vùng lãnh thổ. 70% bệnh nhân dương tính với adenovirus.

Các cơ quan y tế khẳng định bệnh này không liên quan tới vắc xin Covid-19, bởi nhiều trong số những trẻ mắc bệnh còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi để được tiêm phòng Covid-19.

Các cơ quan y tế cũng chưa ghi nhận mối liên hệ nào giữa căn bệnh này với một loại thực phẩm, con vật, khu vực địa lý hay tình trạng nhiễm độc nào.

Tiến sĩ Ali Raja (Bệnh viện đa khoa Massachusetts, Mỹ) nói trên Đài ABC News rằng cha mẹ nên lưu ý 3 triệu chứng sau đây của trẻ: vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu sẫm. Đây là các triệu chứng cảnh báo liên quan tới bệnh gan.

Trong khi đó, hôm qua CDC Mỹ cũng đưa ra hướng dẫn mới nhất để cha mẹ có thể nhận diện các triệu chứng liên quan đến bệnh viêm gan gồm: sốt, mệt mỏi, buồn nôn/nôn, vàng da, vàng mắt. Đặc biệt, CDC Mỹ khuyến nghị cha mẹ cần cho con tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh, trong đó có tiêm phòng viêm gan từ khi sinh ra tới khi 2 tuổi.

 

Vi rút Adeno được cảnh báo trong y tế về gây bệnh ở trẻ nhỏ

Về adenovirus, TS-BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật – Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết đây là vi rút đã được phát hiện từ năm 1953 và nó có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan. Vi rút này có tới 57 type và 7 chủng với những khả năng gây bệnh khác nhau. Các tổn thương thường gặp nhất gồm: viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), viêm bàng quang, viêm màng não… Sau vi rút rota,

vi rút adeno là nguyên nhân thứ 2 gây bệnh ở đường tiêu hóa với các triệu chứng tại dạ dày, ruột… Ở trẻ nhỏ, các rối loạn tiêu hóa thường gặp do vi rút adeno bao gồm tiêu chảy, nôn, buồn nôn.

Adeno là vi rút rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Theo các nghiên cứu trước đây, đa số trẻ nhỏ từng nhiễm adeno một lần trong giai đoạn từ 0 – 4 tuổi. Gần đây, adenovirus type 41 được tìm thấy ở các trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn, song việc vi rút này có thực sự là căn nguyên gây bệnh hay không vẫn là câu hỏi lớn, theo BS Hoa.

BS Hoa cũng cho hay, adenovirus type 41 hiện chỉ được xác định là nguyên nhân gây tiêu chảy. Tại thời điểm này, vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định adeno là nguyên nhân gây bệnh ở nhóm trẻ có tổn thương gan cấp nói trên. Tuy nhiên, việc ghi nhận sự có mặt của adeno ở một số bệnh nhi cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ và nghiên cứu sâu.

BS Hoa đánh giá khả năng xuất hiện các trường hợp mắc viêm gan bí ẩn tại VN là hoàn toàn có thể. Hiện các nước gần VN đã ghi nhận ca mắc, trong đó Indonesia đã báo cáo có 3 ca tử vong; Singapore ghi nhận 1 ca mắc là trẻ 10 tháng tuổi. Về điều trị, dù là nguyên nhân nào thì viêm gan ở trẻ em cũng cần cảnh giác để phát hiện sớm, điều trị sớm nhằm hạn chế thấp nhất mức độ tổn thương.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi T.Ư, các năm qua, vi rút adeno vẫn được cảnh báo là cần khống chế, vì vi rút này thường lây nhiễm trên nền các trẻ có suy giảm miễn dịch, trẻ có bệnh phổi mãn (trẻ đẻ non). Ngoài ra, adeno vẫn được biết là nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và vẫn thường được cảnh báo trong y tế.

LIÊN CHÂU – PHƯƠNG AN

TNO