02/11/2024

Sợi dây kết nối cha mẹ và con cái tuổi teen là cảm xúc

Sợi dây kết nối cha mẹ và con cái tuổi teen là cảm xúc

Quả thật là việc dạy con, đặc biệt các bạn tuổi teen bây giờ không đơn giản, nhất là trong bối cảnh xã hội có nhiều mặt trái như hiện nay. ThS Nguyễn Thị Mỹ Linh chia sẻ.

 

 

 

Sợi dây kết nối cha mẹ và con cái tuổi teen là cảm xúc - Ảnh 1.

ThS Nguyễn Thị Mỹ Linh

Việc dạy trẻ tuổi teen sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu phụ huynh tạo được sự kết nối giữa cha mẹ và con cái ngay từ khi các bé còn ở độ tuổi mầm non.

Sự kết nối này được hình thành từ việc duy trì những bữa cơm gia đình, từ việc phụ huynh quan sát, lắng nghe và chia sẻ với con từ khi các bé còn nhỏ. Nó sẽ tạo ra một thói quen: khi gặp một vấn đề nào đó khó khăn, trăn trở thì việc đầu tiên trẻ nghĩ đến là tâm sự với ba mẹ để giải tỏa nỗi lòng.

Cái “nếp” này sẽ xác nhận một điều: cha mẹ là chỗ dựa tinh thần tin cậy của con và trẻ sẽ bớt chông chênh khi bước vào tuổi teen.

Điều quan trọng trong việc dạy trẻ tuổi teen là quan tâm đến cảm xúc của chúng, chứ đừng quá chú trọng đến việc đúng – sai.

Người lớn chúng ta cũng có những sai lầm thì phụ huynh cũng cần chấp nhận những thất bại của con em mình. Cần lắng nghe và đối thoại với con để đồng hành cùng con, giúp con rút ra những bài học từ thất bại đó.

Thực tế có nhiều phụ huynh khi thấy con học hành giảm sút là dằn vặt, la mắng khiến trẻ cảm thấy mình có lỗi. Và những lần sau, khi mắc phải những sai lầm, trẻ sẽ giấu kín mà không dám nói với ba mẹ.

Đây chính là mầm mống khiến trẻ cảm thấy cô đơn, áp lực, không thể giãi bày với người thân trong gia đình và có thể có những hành động đáng tiếc.

Hơn thế nữa, trẻ tuổi teen ngày nay được thoải mái tiếp xúc với phim ảnh, clip… có nhiều nội dung khác nhau. Vậy làm sao để con em chúng ta biết phân biệt đúng – sai? Tôi cho rằng đầu tiên cần tác động đến nhận thức, cảm xúc của trẻ.

Từ nhận thức đúng đắn, trẻ sẽ có hành động đúng đắn. Thế thì các bậc cha mẹ cần phân tích cho trẻ hiểu nếu con làm theo phương án A thì con sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, những người xung quanh sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Rồi từ đó trẻ sẽ có cách chọn lựa phương án tốt nhất cho mình. Đừng áp đặt theo kiểu “con không được làm cái này, con không được làm cái kia” và cuối cùng trẻ sẽ làm cho bằng được.

Trên thực tế, một số phụ huynh không tạo được nền móng cũng như những chuẩn mực tốt đẹp đối với con từ khi chúng còn nhỏ.

Đến khi thấy con bước vào tuổi teen, vừa ương bướng lại càng ngày càng xa cách cha mẹ thì nhiều người mới hốt hoảng quay lại kiểm soát con, sợ con vướng phải những cạm bẫy ngoài xã hội, ra sức bảo vệ con bằng cách cấm đoán khiến trẻ bức xúc và chống đối cha mẹ đến cùng.

H.HG. ghi
TTO