Quân bình Đời sống – Bài Suy niệm VII
Chúng ta đã suy niệm về sứ mệnh cứu độ là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã kêu gọi và giao phó cho chúng ta như đã kêu gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng: “Đừng sợ, từ nay các anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,1-11). Nhưng làm thế nào để sứ mệnh cứu độ ấy mang lại những kết quả tốt đẹp? Đó là câu hỏi chúng ta muốn đặt ra hôm nay.
Bài Suy niệm VII
(Is 6,1-8; 1cr 15, 1-11; Lc 5,1-11)
Thực hiện sứ mệnh cứu độ
Lời mở
Chúng ta đã suy niệm về sứ mệnh cứu độ là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã kêu gọi và giao phó cho chúng ta như đã kêu gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Đừng sợ, từ nay các anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,1-11). Nhưng làm thế nào để sứ mệnh cứu độ ấy mang lại những kết quả tốt đẹp? Đó là câu hỏi chúng ta muốn đặt ra hôm nay.
1. Những khó khăn trong việc thực hiện sứ mệnh
Chúng ta là những tín hữu Kitô: linh mục, tu sĩ, giáo dân. Chúng ta được Chúa Giêsu kêu gọi qua bí tích Rửa Tội và các bí tích khác để trở thành những tông đồ đi thu phục con người. Tuy nhiên, chúng ta có những cảm nhận và cảm xúc khác nhau về ơn gọi tông đồ này.
Cảm xúc đầu tiên là chúng ta thấy mình bất xứng. Sứ mệnh thì hết sức cao cả vì được chính Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu trao phó, nhưng con người chúng ta lại tầm thường, yếu đuối. Tiên tri Isaia trong Bài đọc I (x. Is 6,1-8) cũng cảm nhận như vậy: “Khốn thân tôi, tôi chết mất vì tôi là một người môi miệng ô uế. Tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế”. Với môi miệng ô uế, ta làm sao xứng đáng để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu!?
Cảm xúc thứ hai là chúng ta thấy mình bất lực. Rất nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân thấy hoạt động tông đồ truyền giáo của mình không có kết quả, dù rằng mình đã làm việc vất vả, có khi suốt cả đời người. Họ giống như các tông đồ thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm, mà không bắt được gì cả!” Nhiều giáo xứ cả năm không có ai theo đạo. Trong nhiều công ty, xí nghiệp hay môi trường chúng ta làm việc, chẳng có ai biết Đức Giêsu, thậm chí người ta còn bài bác Công giáo!
Nếu chúng ta theo dõi các số thống kê về tôn giáo của Nhà nước và của Giáo hội Công giáo Việt Nam, thì trong vòng 20 năm nay, từ 1999-2019, tỷ lệ người Công giáo so với dân số cả nước đã hạ từ 7% xuống còn 6,1%. Năm 2022 này chắc không còn được 6% dân số (x. Tổng Điều tra Dân số Việt Nam 2019). Dù rằng số linh mục hiện nay trên 5.000 người, chủng sinh trên 5.000 người, tu sĩ nam nữ trên 34.000 người và trên nửa triệu đoàn viên của các hội đoàn Công giáo tiến hành như Thiếu nhi Thánh Thể, Con Đức Mẹ, Liên minh Thánh Tâm, dòng Ba Đa Minh, Cát Minh, Phanxicô…
Như thế, sứ mệnh Chúa Giêsu giao phó cho chúng ta không đạt được kết quả mong muốn dù chúng ta đã không ngừng làm việc. Các linh mục được đào tạo 6-7 năm trong đại chủng viện về các môn học, trong đó có cả lĩnh vực truyền giáo, rồi sau đó ra các xứ đạo hoạt động. Các tu sĩ nam nữ cũng được đào tạo 3-4 năm thần học, năm nào cũng có những khoá thường huấn, rồi cũng tích cực tổ chức các hoạt động truyền giáo hay bác ái chuyên nghiệp. Tuy nhiên, kết quả truyền giáo rất thấp.
Còn người giáo dân hình như chưa ý thức về sứ mệnh truyền giáo cao cả của mình. Chúng ta thử nhìn lại xem tại giáo xứ của mình có bao nhiêu người trở lại đạo để tin theo Chúa Giêsu? Chính chúng ta đã thu phục được ai trong những người hàng xóm sống quanh ta?
Ngoài việc đào tạo giáo dục tinh thần, chúng ta còn có đầy đủ các phương tiện vật chất, giống như các tông đồ có sẵn cả thuyền và lưới. Chúng ta xây dựng những nhà thờ đẹp đẽ, những trung tâm hành hương hoành tráng, những nhà giáo lý rộng rãi, lập những chương trình đào tạo cho thiếu nhi. Rồi chúng ta trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, màn hình hoàn hảo; tổ chức các đoàn hoạt động giao lưu với các bạn trẻ, vui chơi và bác ái. Nhưng chúng ta thấy kết quả thế nào! Nhiều người thất vọng thưa với Chúa Giêsu: “Chúng tôi vất vả mà không thu phục được ai!”.
2. Đổi mới phương thức hành động
Có lẽ chúng ta phải nhìn lại cách thức hoạt động để thấy việc truyền giáo không phải hoàn toàn dựa vào sức lực của con người, nhưng đây là công trình của chính Thiên Chúa, khi sai Con Một Ngài đến cứu độ thế giới. Rồi Chúa Giêsu đã chọn chúng ta, sai chúng ta đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng này.
Thật sự chúng ta cảm thấy mình bất xứng để nói Lời Chúa, nhưng Thiên Chúa đã thanh tẩy môi miệng chúng ta không phải bằng than hồng như Isaia, mà bằng ngọn lửa của Thánh Thần và bằng chính Máu của Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể. Vì thế ta hãy can đảm nói Lời Chúa cho mọi người.
Hơn nữa, chúng ta hãy tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và những ân huệ của Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Khi kêu gọi các ông “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”, Người muốn chúng ta hoạt động truyền giáo cùng với Người và với nhau, chứ không phải mỗi người cầm chiếc cần câu của riêng mình đứng ở bờ biển để câu từng con cá nhỏ theo ý thích của cá nhân. Các ông đã bắt được hai thuyền đầy cá giữa ban ngày! Người ngư phủ thường đánh cá ban đêm để cá không thấy lưới hay thấy bóng người. Quả thật, khi ta cùng hoạt động với Chúa Giêsu, kết quả truyền giáo sẽ rất lớn lao.
Vì thế, trong Bài đọc II (x. 1Cr 15,1-11) thánh Phaolô kể về cuộc đời truyền giáo của mình: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu”. Thánh Phaolô đã gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, trở thành một với Chúa Giêsu: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Vì thế, mọi hành động của ngài đều là hành động của Chúa Giêsu và đều có kết quả truyền giáo.
Ngoài ra, chúng ta còn có các phương tiện thiêng liêng là các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, để ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ nhận được tình yêu, sự sống thần linh và cả quyền năng phi thường của Chúa Giêsu để rao giảng Tin Mừng, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ và làm cho kẻ chết sống lại như các tông đồ xưa để làm chứng cho Chúa và thu phục con người. Sau đại dịch Covid-19, nhiều người chúng ta ngại đến nhà thờ, ngại tham dự thánh lễ và rước lễ, ngại xưng tội vì chúng ta đã quen dự lễ online, xưng tội tập thể. Chúng ta quên mất các bí tích là những phương tiện hữu hiệu để kết hợp và hoà nhập với Chúa Giêsu.
Trong bài thư hôm nay, thánh Phaolô nhắc đến những lần hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh để giúp các tông đồ xác tín về sự hiện diện sống động của Chúa và làm chứng cho Người. Có một câu mà ta không để ý, đó là: “Chúa Giêsu hiện ra với tất cả các tông đồ” (1Cr 15,7). Chúng ta là tông đồ và nếu ta thật lòng muốn hoạt động truyền giáo, muốn rao giảng Chúa Giêsu thì chắc chắn Người sẽ hiện ta với ta để ta xác tín và làm chứng cho Người. Người sẽ làm những dấu lạ để ta cảm nghiệm về Người như phép lạ đánh bắt được nhiều cá của các tông đồ xưa.
Tôi xin chia sẻ với anh chị em về một cảm nghiệm mới có trong tháng Giêng vừa qua: vì dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, nên chúng tôi đã cung cấp 1008 phần thuốc trị Covid và phục hồi sức khoẻ cho các bệnh nhân nghèo. Qua sự quen biết với một giáo dân và một nữ tu, người ta cho chúng tôi 7.000 hộp thuốc vitamin C có kẽm, BComlex-C và vitamin PP (mỗi hộp 100 viên) để phục hồi sức khoẻ cho bệnh nhân. Trị giá số thuốc khoảng 430 triệu đồng. Đó là mẻ cá của Chúa Giêsu để giúp chúng tôi cảm nghiệm được Tin Mừng cứu độ của Người mang lại niềm vui, sức khoẻ, bình an cho con người thời đại hôm nay.
Lời kết
Cầu chúc anh chị em cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu và làm chứng cho Người. Amen.
HKK