Quân bình Đời sống – Bài Suy niệm III
Trong hoàn cảnh khó khăn của dịch Covid-19, các thành viên của gia đình phải hành động thế nào để bảo vệ sự ổn định và hạnh phúc? Hơn nữa, trong đường hướng Hội Thánh hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, họ đồng hành với nhau như thế nào trên con đường hạnh phúc? Đó là câu hỏi để chúng ta cùng suy tư.
Bài Suy niệm III
(Sm 1,20-28; 1Ga 3,1-2.2-24; Lc 2,41-52)
Con đường hạnh phúc
Lời mở
Lễ Thánh Gia năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đe doạ bùng phát với biến thể Omicron khiến cho nhiều gia đình trên thế giới lâm vào cảnh khốn đốn. Lạm phát tăng cao. Giá sinh hoạt đắt đỏ. Nhiều người bị thất nghiệp. Kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng. Trong hoàn cảnh khó khăn này, các thành viên của gia đình phải hành động thế nào để bảo vệ sự ổn định và hạnh phúc? Hơn nữa, trong đường hướng Hội Thánh hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, họ đồng hành với nhau như thế nào trên con đường hạnh phúc? Đó là câu hỏi để chúng ta cùng suy tư.
1. Con đường hạnh phúc của gia đình
Có thể nói, khi các thành viên của mỗi gia đình kết hợp với nhau, cùng hành động thì họ làm nên một con đường. Con đường này sẽ dẫn đưa họ đến niềm vui, hạnh phúc, thành công, phát triển và sung túc về vật chất lẫn tinh thần. Tổ tiên ta đã từng dạy rằng: “Cha con đồng lòng thì đất cũng hoá nên vàng, anh em chung sức thì đá cũng thành ra ngọc”, “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Các thành viên giống như chiếc xe do các con ngựa cùng kéo, nên cùng chạy về một hướng rất nhanh và an toàn.
Tuy nhiên, nếu mỗi người sống ích kỷ theo sở thích của mình, không quan tâm đến nhau, không biết hy sinh cho nhau để cùng xây dựng hạnh phúc chung, thì họ giống như những con ngựa sẽ phá nát chiếc xe, khi mỗi con chạy về một hướng. Còn nếu vài con chạy về hướng này, vài con chạy theo hướng khác, thì chúng tốn rất nhiều công sức mà chiếc xe chẳng di chuyển được bao nhiêu.
Bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 2,41-52) như muốn diễn tả phần nào thực trạng đáng buồn của nhiều gia đình trong thời đại hiện nay. Giai đoạn đầu tiên khi cả 3 thành viên là Mẹ Maria, thánh Giuse và trẻ Giêsu cùng trẩy hội Đền thờ Giêrusalem, họ đi chung với nhau trong niềm vui và hạnh phúc. Nhưng lượt về, khi xong kỳ lễ, hai ông bà lạc mất Chúa Giêsu. Họ đã cực lòng tìm kiếm trong lo âu, sợ hãi. Nếu Đức Giêsu “là con đường sự thật và sự sống” (Ga 14,6), thì việc lạc mất Giêsu, rời xa con đường đó sẽ gây nên bao thảm cảnh trong gia đình.
Trong cơn dịch bệnh, nhiều gia đình phải đối mặt với việc lạc mất Chúa Giêsu. Việc bỏ tham dự thánh lễ và các bí tích trong một thời gian dài đã làm cho nhiều người lớn cũng như trẻ nhỏ mất dần cảm xúc và tâm tình đạo đức. Việc không phải đi làm, đi học và ở mãi trong nhà vì giãn cách xã hội khiến nhiều người rơi vào tâm trạng lười biếng, không biết làm gì cho qua thời gian.
Rồi để giải trí, nhiều người đã xem các phim ảnh, chơi các trò chơi, nghe nhạc… và không ít người có ý chí yếu kém đã nghiện các trò chơi trực tuyến, phim ảnh đồi truỵ và bị dẫn dắt vào những trò ma quái, mê tín có đầy trên các phương tiện truyền thông. Họ thu mình vào đời sống ích kỷ, buông thả theo dục vọng. Thế là sự hợp nhất trong gia đình bị phá vỡ. Do đời sống không còn điều độ trong việc ăn uống, ngủ nghỉ, do nỗi lo sợ thất nghiệp, thiếu thốn, nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn tâm thần.
Khi rời xa con đường sự thật được Đức Giêsu giới thiệu, họ không còn nhận ra Chúa là người Cha đầy yêu thương để tôn thờ trong tinh thần thảo hiếu. Không còn nhận ra mọi người là anh chị em trong cùng một gia đình để phục vụ trong tinh thần huynh đệ. Không còn nhận ra vạn vật là những đứa em nhỏ cần bảo vệ trong tinh thần huynh trưởng. Không còn nhận ra mình với bao tài năng ân huệ để phát triển và chia sẻ cho người khác trong tinh thần tự chủ. Đó là 4 tinh thần căn bản của người tín hữu Kitô.
Khi rời xa Đức Giêsu là con đường sự sống cụ thể của Thiên Chúa, những thành viên đi tìm những kiểu sống dễ dãi, nhàn hạ, chiều theo những tham vọng và nhu cầu thấp kém của bản năng. Họ quên mất sự sống phi thường, kỳ diệu được Đức Giêsu minh chứng và chia sẻ cho họ qua những lời giảng dạy đầy uy quyền, qua các phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ và làm cho kẻ chết sống lại. Họ đánh mất sự sống hiệp thông với Chúa và với nhau.
Do đó, nhiều gia đình mất đi hạnh phúc vì đã làm lạc mất Đức Giêsu. Họ cần phải lên đường, quay trở lại đền thờ như Mẹ Maria và thánh Giuse để tìm thấy Đức Giêsu ở đó cho gia đình mình. Muốn đạt được điều đó, các thành viên phải làm gì?
2. Làm thế nào để tìm lại Đức Giêsu trong gia đình?
Hành động đầu tiên là các thành viên phải nhận ra vai trò và giá trị thật sự của Chúa Giêsu trong gia đình để đi tìm Người. Vì Người là Thiên Chúa nhập thể làm người, là nguồn sống và hạnh phúc của gia đình, là nguồn chân-thiện-mỹ để noi theo, là nguồn quyền năng giúp ta hành động, là tất cả ý nghĩa cho đời sống mỗi người. Mất Người là mất tất cả! Có Người là có tất cả!
Nhận ra sự thật về Giêsu như thế, người cha mới bỏ thái độ gia trưởng quen thuộc ở châu Á và vẫn còn ở Việt Nam này, để cùng lo cho hạnh phúc gia đình, thay vì bắt vợ con phải hầu hạ cơm nước, giặt giũ theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Nhận ra sự thật đó, người phụ nữ kiếm được tiền mới bỏ thái độ độc đoán, kênh kiệu, coi thường chồng con, khinh miệt người già, la mắng trẻ thơ. Nhận ra vai trò của Chúa Giêsu trong mỗi con người thì người ta mới biết nhìn nhận, chấp thuận và tôn trọng nhau “chỉ vì phẩm giá của người ấy, chứ không phải người ấy phải làm gì mới xứng đáng được trân trọng” (x. Docat, số 115). Mỗi người đều được yêu thương chỉ vì người đó thuộc về gia đình. Thánh Gioan trong bài đọc I (x. 1Ga 3,1-24) nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta thật sự là con cái Thiên Chúa… Chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô và phải thương yêu nhau theo điều răn Người” đã ban cho chúng ta”.
Hành động tiếp theo là phải tìm hiểu “mầu nhiệm Giêsu” trong cuộc đời mỗi người, cũng như trong mỗi biến cố của gia đình. Câu hỏi ngược lại của Chúa Giêsu hé mở cho ta mầu nhiệm đó: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.
Lần đầu tiên Đức Giêsu cho thấy sự độc lập của mình trước cha mẹ trần thế, đồng thời cho thấy mối tương quan mật thiết giữa mình với Thiên Chúa, Đấng mà Người gọi là “Cha của con”. Tiếng gọi của Người Cha ấy khiến trẻ Giêsu phải ở lại Đền thờ Giêrusalem. Người Cha ấy quan trọng hơn cả cha mẹ trần thế. Mỗi thành viên trong gia đình đều nghe được tiếng của Người Cha đó trong lòng mình “nhờ Thần Khí Ngài ban cho chúng ta” (1Ga 3,24). Vì thế, các thành viên khác phải tôn trọng mầu nhiệm Giêsu và tiếng gọi của Thiên Chúa Cha trong lòng con người, dù họ không hiểu, giống như Mẹ Maria và thánh Giuse, để không còn cảnh “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”.
Hành động thứ ba là cùng giúp nhau học lại những bài học của Thánh Gia ở Nazareth để phát triển toàn diện con người như “Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).
Bài học biết quý trọng sự thinh lặng trong một thế giới đầy những âm thanh hỗn độn của cuộc sống hiện tại với các phương tiện truyền thông khiến cho ta không nghe được tiếng nói của Thiên Chúa trong nội tâm và lời dạy bảo của Thầy Giêsu. Gia đình cần phải tạo cho các thành viên một nếp sống điều độ, biết giải trí đúng đắn và dành thời gian yên tĩnh để cầu nguyện, học hành, nghỉ ngơi.
Bài học về lao động như thánh Giuse và Chúa Giêsu trong nghề thợ mộc của mình, như Mẹ Maria mỗi ngày quét nhà, giặt giũ, nấu ăn, may vá… Lao động không phải để kiếm thật nhiều tiền hay đánh giá nghề nghiệp theo giá trị kinh tế nó mang lại. Lao động là giúp con người trưởng thành và phát triển trong tình yêu như Chúa Cha và Chúa Giêsu luôn làm việc không ngừng. Vì thế, các thành viên được mời gọi lao động và chia công việc cho nhau để tạo nên hạnh phúc chung.
Lời kết
Hôm nay, chúng ta hãy cùng dâng gia đình lên Chúa Cha để xin Thánh Gia chúc lành và thánh hoá, giúp cho mỗi thành viên đều biết đi chung với nhau trên con đường hạnh phúc.
HKK