25/11/2024

G7 ủng hộ loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

G7 ủng hộ loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Trong tuyên bố chung ngày 7-4, các ngoại trưởng G7 tiếp tục lên án và quy trách nhiệm vụ “thường dân Bucha bị sát hại” cho Nga, đồng thời kêu gọi loại Matxcơva khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) trước thềm một cuộc bỏ phiếu tại LHQ.

 

 

G7 ủng hộ loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc - Ảnh 1.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu về tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền trong ngày 7-4 (giờ Mỹ). Trong ảnh: Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya

Theo báo The Guardian của Anh, các ngoại trưởng G7 nhấn mạnh họ lên án Nga “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất” vì những gì đã xảy ra ở Bucha và một số nơi khác tại Ukraine.

Tuyên bố chung khẳng định những vụ việc trên sẽ đi vào lịch sử với tư cách là những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có các quy định về nhân đạo và nhân quyền trong xung đột.

Các bộ trưởng cũng bày tỏ sự đoàn kết với người dân Ukraine và gửi “lời chia buồn sâu sắc nhất” đến các nạn nhân cùng gia đình.

Những ngôi mộ tập thể và thi thể của những người được cho là thường dân Ukraine bị binh sĩ Nga sát hại ở thị trấn Bucha đã đẩy căng thẳng Nga – phương Tây lên cao.

Liên minh châu Âu, Mỹ và các đồng minh tuyên bố sẽ áp thêm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa nhắm vào Nga để đáp trả những gì đã xảy ra ở Bucha.

Nga phủ nhận mọi cáo buộc quân đội nước này sát hại thường dân Bucha và cho rằng đây là một vụ dàn dựng của Ukraine nhằm bôi nhọ Matxcơva.

Trong tuyên bố chung ngày 7-4, các ngoại trưởng G7 kêu gọi loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ với những gì đã xảy ra ở Ukraine, bao gồm các cuộc pháo kích vào cơ sở hạ tầng dân sự và vụ Bucha.

Theo kế hoạch, Đại hội đồng LHQ sẽ nhóm họp trong ngày 7-4 (giờ Mỹ) và bỏ phiếu về việc có đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga hay không.

Cuộc bỏ phiếu sẽ không tính phiếu trắng và nếu có 2/3 quốc gia tán thành, Nga sẽ bị loại khỏi hội đồng, theo Hãng tin Reuters.

Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan của LHQ có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), ra đời vào năm 2006 nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền toàn cầu.

Cơ quan này gồm 47 thành viên được bầu chọn, phân chia theo tỉ lệ đại diện các khu vực địa lý thế giới. Nga đại diện cho các nước Đông Âu với nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu tháng 1-2021.

Cũng trong tuyên bố ngày 7-4, nhóm G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ thiết bị quân sự và phương tiện tài chính cho Ukraine để chống lại Nga.

Các ngoại trưởng cảnh báo sẽ chống lại việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hóa học, sinh học và vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Tuyên bố có đoạn nhấn mạnh Matxcơva phải rút quân khỏi Ukraine, chấm dứt sự hiện diện quân sự bên trong các đường biên giới Ukraine đã được quốc tế công nhận.

Điều này không dừng lại ở lãnh thổ chính của Ukraine mà còn bao gồm bán đảo Crimea, nơi bị Nga sáp nhập vào năm 2014 nhưng chưa bao giờ được Kiev và phương Tây công nhận.

Cùng ngày 7-4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết các nước NATO đang ngày một đoàn kết hơn trong mục tiêu hỗ trợ Ukraine bằng các hành động cụ thể, vững chắc.

Theo Phó tham mưu trưởng quân đội Ukraine, tướng Oleksandr Gruzevich, quân đội Nga có thể sẽ tổ chức một đợt tấn công thứ hai vào thủ đô Kiev sau khi đã kiểm soát vùng Donbass.

BẢO DUY
TTO