22/01/2025

Mẹ nổi tiếng dạy con thế nào: Không đánh, không phạt thì làm gì với trẻ?

Mẹ nổi tiếng dạy con thế nào: Không đánh, không phạt thì làm gì với trẻ?

Việc nuôi dạy con được xem là ‘nghề’ khó nhất với những người làm cha, làm mẹ. Ngay cả với những CEO, nhà giáo dục nổi tiếng… cũng cho rằng nuôi con và dạy con thì không có một công thức chung nào.

 

 

iPad là công cụ, không phải là giải pháp

Chia sẻ tại chương trình chương trình Cà phê học thuật với chủ đề “Không đánh, không phạt thì làm gì với trẻ?” diễn ra vào chiều 19.3 do Trường ĐH Thái Bình Dương tổ chức, chị Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê), Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc tài chính tại Việt Nam của Avero, cho rằng đây là một câu hỏi không dễ dàng trả lời.

Nuôi một cái cây thì chúng ta cần phải có nước và ánh sáng. Con mình nếu mình không có thời gian tương tác với con thì sao tụi nhỏ phát triển? Hãy tận dụng cơ hội, tận dụng tối đa thời gian với con thì điều gì chúng ta cũng có thể làm được

Lê Diệp Kiều Trang

Không đánh, không phạt nên cách để nhiều cha mẹ khiến con trở nên ngoan ngoãn ngồi im chính là đưa chiếc iPad cho con, đặc biệt là khi con ra ngoài. Nhưng là một người mẹ, chị cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời để cho trẻ ngồi im chứ hoàn toàn không thay đổi đến tính cách của các con và là giải pháp hoàn toàn không hiệu quả.

Mẹ nổi tiếng dạy con thế nào: Không đánh, không phạt thì làm gì với trẻ? - ảnh 1
Chị Lê Diệp Kiều Trang, Tô Thụy Diễm Quyên và sơ Trần Thị Nữ tại chương trình  H.Đ.B

Bản thân là một người mẹ của một bé gái 7 tuổi và bé trai 5 tuổi, chị Lê Diệp Kiều Trang cho biết thời gian đầu cả hai con chị đều rất thích iPad, nhưng một thời gian sau chị phát hiện con mình chỉ thích chơi đồ điện tử khi không có ai chơi với mình.

“Nếu bạn nào bị nghiện iPad thì chị cho rằng có thể người lớn đã bỏ rơi con với thiết bị này quá lâu. Việc đánh, phạt con có thể được thực hiện khi phụ huynh không đồng ý với cách cư xử của trẻ. Câu hỏi đặt ra là phụ huynh phải cư xử sao cho đúng? Tôi cho rằng việc gí iPad vào tay để trẻ ngoan hơn, ngồi im hơn chỉ là một công cụ, đây không phải là giải pháp”, nữ quản lý nổi tiếng nói.

Tuy nhiên, với trẻ con thành thị, thường ít không gian thì chị Kiều Trang cho rằng chính môi trường hàng xóm, bạn bè xung quanh cũng là “chất xúc tác” rất tốt khi trẻ có thể chơi cả nhóm với nhau. Khi trẻ chơi với nhau, các em cũng học được rất nhiều điều về sự bình đẳng, giao tiếp…

Nữ CEO trẻ cho rằng nếu bố mẹ cảm thấy không phiền thì việc chơi cùng con không khó. Ví dụ ba mẹ bận bịu cả ngày nhưng nếu có thời gian nấu ăn thay vì sợ con làm vương vãi, hư hỏng đồ ăn thì có thể hướng dẫn, nhờ con giúp những việc nhỏ. Điều này sẽ giúp phụ huynh với trẻ có sự kết nối và tận dụng được tối đa thời gian bên nhau.

“Nuôi một cái cây thì chúng ta cần phải có nước và ánh sáng. Con mình nếu mình không có thời gian tương tác với con thì sao tụi nhỏ phát triển? Hãy tận dụng cơ hội, tận dụng tối đa thời gian với con thì điều gì chúng ta cũng có thể làm được”, chị Lê Diệp Kiều Trang nói.

Chị Trang cho biết, bố chị là kỹ sư (sau này chuyển qua làm kinh doanh) mẹ là giáo viên THCS. Thời gian chị sinh ra và lớn lên vào khoảng những năm 80, xã hội rất khác bây giờ, khi kinh tế còn rất eo hẹp nhưng bù lại cha mẹ lại có nhiều thời gian.

Chị cho biết cha mẹ luôn đặt gia đình là quan trọng nhất. Chị nói: “Và đó là tấm gương khiến tôi luôn nghĩ rằng cha mẹ hồi xưa dành thời gian cho mình được thì tại sao mình lại không thể đối xử như vậy với con của mình. Nên ngay cả những khi rất bận tôi vẫn luôn sắp xếp để có thời gian chơi, học với con”.

Mẹ nổi tiếng dạy con thế nào: Không đánh, không phạt thì làm gì với trẻ? - ảnh 2
Nuôi dạy con trẻ được cho là “nghề” khó nhất của những người làm cha, làm mẹ  NGUYỄN LOAN

Khi trẻ đòi hỏi, cha mẹ phải ứng xử thế nào?

Trong khi đó, ở vai trò vừa là chuyên gia giáo dục vừa là người mẹ có 3 con, chị Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng trong tất cả các nghề thì “nghề” làm cha mẹ là khó nhất, nhưng “nghề” này lại không có trường nào dạy chúng ta phải làm thế nào cho đúng.

Nói về việc phải xử lý thế nào khi con có những đòi hỏi của mình, từ kinh nghiệm nuôi dạy con, chị Quyên cho rằng không có công thức chung trong việc dạy trẻ. Với việc dạy con chị luôn đặt ra tiêu chí đối xử công bằng, không nuông chiều nhiều hơn ngay cả với con gái hay con út.

“Nếu một đứa trẻ được đáp ứng cả vật chất lẫn tinh thần một cách dễ dãi thì trẻ không học được cách chấp nhận sự thất bại, và không nỗ lực”, chị Tô Thụy Diễm Quyên nói. Dù vậy, chị cho rằng trong những đòi hỏi trẻ sẽ có những cái hợp lý, cái không. Cũng vì thế, tùy tình huống và tùy cách đánh giá của mỗi cha mẹ mà họ có chấp nhận chiều theo con hay không.

Trong khi đó, theo chị Lê Diệp Kiều Trang, trước mỗi đòi hỏi của con, chị sẽ đặt mình vào vị trí con, nếu cảm thấy tốt và cần thiết thì sẽ chấp nhận. Nhưng nếu trẻ đòi mua một số thứ phí phạm thì cô sẽ giải thích cho con vì sao không nên mua… và dạy con phải chấp nhận điều đó.

 

Đừng bạo lực với trẻ

Theo chị Tô Thụy Diễn Quyên, nếu cha mẹ bạo lực với con thì đứa trẻ có xu hướng cũng sẽ bạo lực với người khác về sau.

Là giáo viên, chị Quyên cho biết từng chứng kiến rất nhiều trường hợp phụ huynh bạo lực với con mình. Bản thân chị phải rất mềm mỏng, chia sẻ với phụ huynh để họ điều chỉnh tốt hơn trong mỗi hành vi của mình.

Trong khi đó theo sơ Trần Thị Nữ, quan điểm “thương cho roi cho vọt” đã ăn sâu vào suy nghĩ của rất nhiều người nên hiện vẫn nhiều cha mẹ sử dụng đòn roi như một cách nhanh nhất để đạt được mục đích của mình. Nhưng bà cho rằng điều này thể hiện sự bất lực trong việc nuôi dạy con.

“Việc dùng đòn roi gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề lên trẻ. Hãy lắng nghe không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cảm xúc để hiểu và chia sẻ với con trẻ trong mỗi hoàn cảnh khác nhau thì việc giáo dục con sẽ dễ dàng hơn nhiều”, sơ Nữ nói.

Chia sẻ chưa bao giờ đánh con, chị Lê Diệp Kiều Trang cho biết không đánh, không phạt thì chúng ta phải giải thích cho con hiểu được cái hay, cái dở và cho con được lựa chọn những phương án giải quyết phù hợp, dần dần con sẽ điều chỉnh được hành vi của mình.

NGUYỄN LAN

TNO