22/01/2025

Con yêu đồng giới, cha mẹ ứng xử ra sao?

Con yêu đồng giới, cha mẹ ứng xử ra sao?

Với những sang chấn tâm lý vì đại dịch COVID-19, hàng chục trung tâm, tổng đài tham vấn trị liệu được mở ra. Tuy nhiên, những cái chết vì trầm cảm bởi định kiến xã hội dành cho tình yêu đồng giới vẫn là ‘nút thắt’ chưa có điểm dừng.

 

 

Con yêu đồng giới, cha mẹ ứng xử ra sao? - Ảnh 1.

Cộng đồng LGBT ‘diễu hành cầu vồng’ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

Khi xã hội ngày càng phát triển hơn, định kiến đối với những người thuộc cộng đồng LGBT đã dần thu hẹp lại. Song, không chỉ dừng lại ở mức chấp nhận một tình yêu đồng giới, theo các chuyên gia tâm lý, giới trẻ ngày nay cần nhiều hơn sự thấu hiểu và và định hướng đúng đắn từ gia đình, xã hội, để tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra.

 

Trầm cảm “ngầm” ở giới LGBT

Tháng 2-2022, một cặp đôi đồng tính nữ ở Bình Thuận đã cùng nhau tự tử tại bãi biển vì trầm cảm. Trước đó tháng 3-2021, tại quận 12, TP.HCM, một đôi thiếu nữ cũng nhảy lầu tự tử sau thời gian dài có quan hệ tình cảm với nhau…

Có thể thấy, trước khi quyết định đi đến cái chết, họ đã phải trải qua những giai đoạn bất ổn tâm lý nặng nề.

Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng – giám đốc Trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247 – cho biết riêng trong năm 2021, trung tâm đã tiếp nhận trên 1.000 trường hợp người thuộc cộng đồng LGBT gặp những vấn đề về tâm lý.

Những khó khăn chính họ gặp phải là áp lực từ gia đình không chấp nhận bản dạng giới thật của họ và càng phản đối tình yêu đồng giới. Ngoài ra một số gặp khó khăn khi bạn bè, xã hội kỳ thị, thậm chí miệt thị.

“Nếu gia đình và xã hội không phán xét họ thì đó là một đặc ân lớn cho họ để được tự do sống bởi với những kỳ thị xung quanh, lúc ổn định thì họ có thể vượt qua, nhưng gặp biến cố họ rất dễ gục ngã và nghĩ đến việc giải thoát”, ông Thắng chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện – đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng thành phố – cho biết tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai đối với tất cả thanh niên từ 15 – 24 tuổi.

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống của Hatchel năm 2021 chỉ ra những người trẻ thuộc cộng đồng LGBT tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ý nghĩ hoặc hành vi tự sát. Nguyên nhân có thể bởi việc ý thức giá trị bản thân thấp và tình trạng rối loạn sức khỏe tinh thần.

Con yêu đồng giới, cha mẹ ứng xử ra sao? - Ảnh 2.

VietPride Sài Gòn – sự kiện dành cho cộng đồng LBGT thu hút nhiều bạn trẻ đến tham dự – Ảnh: DUYÊN PHAN

Thấu hiểu và định hướng cho con

Theo chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng, hầu hết các trường hợp trầm cảm và tự sát đều không được gia đình quan tâm đúng, họ không có không gian nào dành cho mình dẫn tới suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Trong quá trình nuôi dưỡng chăm sóc con, nếu cha mẹ phát hiện con có tình yêu đồng giới thì trước tiên không nên phán xét bất cứ điều gì về con. Đồng thời nghiêm túc tìm hiểu kiến thức hiểu đúng về cộng đồng LGBT, vì chỉ khi hiểu đúng mới có sự thông cảm, thấu hiểu.

“Họ giống như những con cá đang sống trên cạn. Ngoài tình yêu thương con ra đó còn là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ cần phải bảo vệ và tạo cho con môi trường sống thích hợp ‘có nước để bơi’. Luôn cho con có cảm giác gia đình là hậu phương ủng hộ, giúp con tự tin sống là chính mình, cùng con đối đầu với những kỳ thị ngoài xã hội”, ông Thắng chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Vương Toàn Thiện lưu ý nhiều bậc phụ huynh thường bất ngờ, sốc khi biết được con mình có tình yêu đồng giới, từ đó có những phản ứng mạnh, đôi khi gây áp lực và làm tổn thương con cái.

“Cha mẹ nên bình tĩnh để tìm hiểu, đối thoại với con trên tinh thần tôn trọng và yêu thương. Đồng thời phụ huynh cũng cần cung cấp các kiến thức về giới tính, hướng dẫn trẻ các kỹ năng nhận thức, thấu hiểu và tự bảo vệ bản thân”, ông Thiện nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng bản thân người có tình yêu đồng giới cũng cần có nhận thức đúng về bản thân mình, họ cần tiếp xúc với những môi trường tích cực chấp nhận họ trước như gia đình, bạn bè, cộng đồng LGBT.

Đối diện với những môi trường khó khăn có thể liên hệ với chuyên gia tâm lý hỗ trợ để có thể hòa nhập được với cộng đồng. Yếu tố gia đình, xã hội là chủ yếu tạo ra áp lực cho họ, nhưng yếu tố quyết định sống hay không đó là chính bản thân mỗi người.

Con yêu đồng giới, cha mẹ ứng xử ra sao? - Ảnh 3.

Các cặp đôi thuộc cộng đồng LGBT hạnh phúc khi được tự do thể hiện tình cảm – Ảnh: DUYÊN PHAN

Đồng tính không phải căn bệnh

Tình yêu đồng giới có thể hiểu là mối quan hệ tình cảm giữa hai chàng trai hoặc hai cô gái. Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều người nhận định những mối quan hệ đồng giới là “hệ lụy” của tình trạng mất cân bằng giới tính là hoàn toàn sai lệch, trái ngược với những hiểu biết khoa học về xu hướng tính dục.

Khoa học đã chứng minh đồng tính không phải là bệnh, cũng không phải là một hiện tượng bất ổn về tâm lý. Với quan điểm việc mất cân bằng giới tính khiến đàn ông bất đắc dĩ phải yêu nhau hoàn toàn là một nhận định vô căn cứ và thiếu trách nhiệm.

Dự án Luật chuyển đổi giới tính

Quyền được chuyển đổi giới tính đã được ghi nhận tại điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định chi tiết. Người chuyển giới tại Việt Nam vẫn phải đi nước ngoài để thực hiện các can thiệp y học để chuyển đổi giới tính hoặc thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bất hợp pháp tại Việt Nam. Từ đó gây ra nhiều hệ lụy về vấn đề sức khỏe, tính mạng.

Vì vậy, tại Việt Nam, Bộ Y tế đang trong quá trình dự thảo hồ sơ xây dựng dự án Luật chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn. Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp và sự bình đẳng cho người chuyển đổi giới tính.

CẨM NƯƠNG
TTO