Người tị nạn Ukraine: Từ xót thương đến mối lo ‘khủng hoảng nhân đạo’
Người tị nạn Ukraine: Từ xót thương đến mối lo ‘khủng hoảng nhân đạo’
Khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn, những người dân Ukraine đi tị nạn đã tạo ra làn sóng di cư lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, và cuộc khủng hoảng của khu vực đang bắt đầu bộc lộ.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết khối EU với 27 thành viên sẽ phải đối mặt với lựa chọn giải quyết vấn đề một cách có hệ thống. Ông gọi đây là phép thử về “sức mạnh đạo đức” của châu Âu.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, ông Filippo Grandi nhận định: “Tình hình diễn biến quá nhanh và mức độ rủi ro cao đến mức các nhà nhân đạo không thể phân phối viện trợ một cách có hệ thống”, theo báo Newsweek.
Bà Ylva Johansson, phụ trách về nội vụ của Cao ủy châu Âu, nói với mạng truyền hình Euronews: “Chúng ta không nên ngây thơ. Hàng triệu người tị nạn Ukraine tất nhiên sẽ gây ra thách thức cho xã hội của chúng ta”.
Sự thông cảm của EU dành cho những người Ukraine cố gắng thoát khỏi bom đạn đang ở mức cao. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới biết được thái độ này kéo dài bao lâu.
Bà Serena Parekh, một chuyên gia về đạo đức xung quanh vấn đề di dời và tị nạn của Đại học Northeastern (Mỹ), nói với báo Newsweek: “Nếu đối thoại xung quanh hoàn cảnh của Ukraine không được duy trì, các nền dân chủ phương Tây có thể chuyển sang thế mất ổn định”.
Bà Parekh nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thấy hiện tượng này sau cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 ở châu Âu”.
Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, số lượng người tị nạn thoát khỏi Ukraine – phần lớn đến Đông Âu – có thể tăng lên 4 triệu người trong những ngày tới.
“Chúng tôi chưa bao giờ ở trong tình huống như vậy và đang cố gắng đối phó. Tuy nhiên, nếu chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ quốc tế, nó có thể trở thành một thảm họa nhân đạo”, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết hôm 10-3 trong cuộc họp giao ban với Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Ba Lan, dù có cộng đồng thiểu số Ukraine vốn đã mạnh mẽ, cũng đang phải chịu gánh nặng của làn sóng tị nạn. Hơn 1,5 triệu người, chiếm khoảng 60% tổng số người tị nạn đã đến đất nước Ba Lan tính đến ngày 11-3.
Tuần này, Thị trưởng Wojciech Bakun cho biết tại thành phố Przemysl của Ba Lan – gần biên giới Ukraine – các gia đình đã hết chỗ cưu mang người tị nạn. Những người mới đến buộc phải tìm nơi trú ẩn ở nơi khác.
Slovakia, quốc gia có 5,5 triệu người, đang trải qua cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử, với hơn 176.000 người tị nạn.
Romania – quốc gia cũng có chung biên giới với Ukraine – đã tiếp nhận khoảng 364.000 người di cư.
Moldova là quốc gia nghèo nhất châu Âu về thu nhập bình quân đầu người, đã tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp để lo cho người tị nạn.
Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban hiện đã mở rộng vòng tay với người Ukraine, phần lớn là người da trắng và theo đạo Thiên Chúa đã gây ra những cáo buộc phân biệt đối xử.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết hôm 11-3 có hơn 110.000 người tị nạn đã đến Đức cho đến nay và dự kiến sẽ có nhiều hơn nữa.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho hay trong tháng 3 này đã công bố “đợt ngân sách đầu tiên” trị giá 500 triệu euro (551 triệu USD) để giúp các nước giải quyết cuộc khủng hoảng.