18/11/2024

WHO lên án ‘ít nhất 18 cuộc tấn công vào cơ sở và nhân viên y tế Ukraine’

WHO lên án ‘ít nhất 18 cuộc tấn công vào cơ sở và nhân viên y tế Ukraine’

Ngày 9-3, Tổ chức Y tế thế giới nói xung đột Nga – Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế ở Ukraine. Tổ chức này lên án ít nhất 18 cuộc tấn công (đã được xác minh) vào các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và nhân viên y tế.

 

WHO lên án ít nhất 18 cuộc tấn công vào cơ sở và nhân viên y tế Ukraine - Ảnh 1.

Người tị nạn chờ được vận chuyển sau khi vượt biên sang Ba Lan tại cửa khẩu ở Medyka, đông nam Ba Lan, vào ngày 9-3. Liên Hiệp Quốc cho biết 143.000 người đã rời khỏi Ukraine trong 24 giờ qua, nâng tổng số người tị nạn lên đến 2,15 triệu, trong đó hơn một nửa ở Ba Lan – Ảnh: AFP

Theo Hãng tin AFP, ông Michael Ryan – giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – cảnh báo tình trạng bạo lực kéo dài trong hai tuần qua đã khiến gần 2,2 triệu người phải chạy trốn khỏi Ukraine và cũng đang tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế về nhiều mặt.

Ông cho biết khoảng 1.000 cơ sở y tế, gồm các bệnh viện và phòng khám, nằm cách các tiền tuyến khoảng 10km.

“Hệ thống y tế Ukraine đang bị ‘nhấn chìm’ trong cuộc xung đột này” – ông Ryan nhận định tại cuộc họp báo ngày 9-3.

Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này đến nay đã xác minh 18 cuộc tấn công vào các cơ sở y tế, nhân viên y tế và xe cứu thương, khiến 10 người chết và 16 người bị thương.

“Những cuộc tấn công này đã khiến toàn bộ cộng đồng không được chăm sóc sức khỏe” – ông Tedros nói.

Bất chấp các thách thức, ông Ryan đánh giá chưa có dấu hiệu cho thấy hệ thống y tế của Ukraine nói chung đang trên bờ vực sụp đổ.

“Tôi nghĩ rằng hệ thống y tế Ukraine có khả năng phục hồi đáng kể trước những căng thẳng mà nó phải trải qua.

Nhưng chắc chắn có những yếu tố của hệ thống y tế này, đặc biệt là những bộ phận của cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động đang làm việc ở tuyến đầu, đang phải chịu áp lực lớn” – ông Ryan nói.

Nhiều cơ sở y tế ở Ukraine đang gặp khó khăn trong việc vận hành do gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn điện, nước sạch và nhiên liệu cho máy phát điện. WHO cho biết các điều kiện này đã tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho các bệnh truyền nhiễm như COVID-19, sởi hoặc dịch tả.

WHO nhận định chỉ có kết thúc chiến tranh mới có thể giúp kiểm soát được cuộc khủng hoảng y tế của Ukraine.

BÌNH AN
TTO