23/12/2024

EU, Mỹ mở chế độ ưu tiên đặc biệt cho người tị nạn Ukraine

EU, Mỹ mở chế độ ưu tiên đặc biệt cho người tị nạn Ukraine

Từ hôm 24-2 đến nay đã có khoảng 1 triệu người rời khỏi Ukraine để lánh nạn. Liên Hiệp Quốc cảnh báo nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu.

 

EU, Mỹ mở chế độ ưu tiên đặc biệt cho người tị nạn Ukraine - Ảnh 1.

Người tị nạn Ukraine đến Vysne Nemecke, thuộc Slovakia vào ngày 3-3 – Ảnh: REUTERS

Liên minh châu Âu (EU) ngày 3-3 nhất trí cung cấp sự bảo vệ tạm thời cho người tị nạn Ukraine, trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hơn 1 tuần qua.

Các bộ trưởng EU đạt nhất trí trên tại một cuộc họp ở Brussels (Bỉ) nhằm khởi động một cơ chế bảo vệ tạm thời, vốn đã được khối này đề ra từ 2 thập kỷ trước đây khi xảy ra cuộc chiến tại Yugoslavia nhưng chưa bao giờ được áp dụng.

Theo Quy chế Bảo vệ tạm thời, người tị nạn đến từ Ukraine và gia đình họ sẽ được cấp phép cư trú cũng như quyền đi làm và học tập trong năm đầu tiên, được gia hạn 6 tháng một lần với tổng thời gian 2 năm.

Hiện tại, công dân Ukraine có hộ chiếu sinh trắc học chỉ được phép vào khu vực Schengen miễn thị thực của EU và ở lại trong 3 tháng và không được phép làm việc.

Cao ủy phụ trách các vấn đề nội vụ của EU, bà Ylva Johansson cho biết đây là “một quyết định lịch sử” của khối này.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết quy chế bảo vệ tạm thời sẽ được áp dụng với người Ukraine sang EU tị nạn, cũng như tất cả những người đã được cấp quy chế tị nạn trước đó ở Ukraine.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nhận định đây là một “sự thay đổi thiết thực” đối với EU, trong bối cảnh khối này lâu nay chật vật tìm cách cải cách các quy định về tị nạn.

Thỏa thuận trên dự kiến sẽ có hiệu lực trong vài ngày tới, sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU đã lập một “trung tâm tị nạn” ở Romania, một trong 4 nước thành viên EU có biên giới với Ukraine.

EU, Mỹ mở chế độ ưu tiên đặc biệt cho người tị nạn Ukraine - Ảnh 2.

Điểm cung cấp thực phẩm cho người tị nạn Ukraine ở Vysne Nemecke, thuộc Slovakia vào ngày 3-3 – Ảnh: REUTERS

Cùng ngày 3-3, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông báo động thái tương tự EU, trao quy chế bảo vệ tạm thời cho người Ukraine đang ở Mỹ, đồng nghĩa họ sẽ được tiếp tục ở lại Mỹ và không phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.

Theo thông báo của Bộ An ninh nội địa Mỹ, những người Ukraine đang ở Mỹ tiếp tục được ở lại trong 18 tháng tới. Bộ trưởng Alejandro Mayorkas cho biết: “Vào thời điểm đặc biệt này, chúng tôi sẽ hỗ trợ và bảo vệ những người Ukraine đang ở Mỹ”.

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Brazil cùng ngày thông báo sẽ cấp thị thực và giấy phép cư trú tạm thời cho người Ukraine và người không có quốc tịch bị ảnh hưởng bởi xung đột tai Ukraine.

Hôm 1-3, phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), bà Shabia Mantoo nêu rõ chỉ riêng trong 6 ngày trước đó đã có hơn 660.000 người tại Ukraine chạy sang các nước láng giềng.

Bà Mantoo cho biết thêm: “Con số này đang tăng lên theo cấp số nhân. Với mức độ này, tình hình dự kiến sẽ trở thành cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này”.

Cùng ngày 1-3, ông Filippo Grandi – người đứng đầu UNHCR – cho biết khoảng 677.000 người tị nạn ở Ukraine đã tới các nước láng giềng an toàn, trong khi ước tính có khoảng 1 triệu người Ukraine phải sơ tán ở trong nước.

Trong cuộc họp báo ở Geneva, ông Grandi nói số lượng người phải di tản là “đặc biệt đáng quan ngại” và một nửa trong số trên đã sang Ba Lan, Hungary (gần 90.000 người), Moldova (60.000), Slovakia (50.000 người), Romania (40.000 người). Theo ông, tình hình trên có thể trở thành cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này.

BẢO DUY