27/12/2024

Lúng túng khi chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển, phải làm sao?

Lúng túng khi chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển, phải làm sao?

Nhiều thí sinh vẫn đang khá lúng túng trong việc chọn ngành để đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của ĐH Quốc gia TP.HCM, trong khi thời hạn đăng ký chỉ còn hơn 10 ngày nữa.

 

 

Lúng túng khi chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển, phải làm sao? - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021. Theo quy định mới, kỳ thi năm nay thí sinh phải đăng ký dự thi đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều lúng túng trong chọn ngành học

“Gần một tháng qua, con gái tôi vẫn chưa biết chọn ngành nào để đăng ký nguyện vọng. Con tôi nói mẹ chọn lọc trước các ngành khối A, sau đó con sẽ lựa lại những ngành mình thích, nhưng hiện cháu vẫn chưa biết mình thích gì, lại liên tục chuyển hướng từ kinh tế sang kỹ thuật…” – bà Trịnh Thị Lê (phụ huynh ở TP.HCM) bày tỏ lo lắng.

Theo các chuyên gia, hầu hết các thí sinh mới tham gia xét tuyển lần đầu, nên việc bỡ ngỡ trong việc chọn ngành học là khá phổ biến. Nếu không có sự lựa chọn phù hợp, đúng đắn chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn cho người học.

Nhiều cán bộ tuyển sinh nhận định việc chọn ngành học của thí sinh nhiều năm gần đây khá “thực dụng”, đó là ưu tiên chọn ngành dễ tìm việc làm, lương cao, tránh việc nặng nhọc và có cả việc chọn ngành theo phong trào.

Rất nhiều học sinh nghĩ rằng muốn làm việc trong một lĩnh vực ngành nghề nào đó thì phải chọn học ngành đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiểu như vậy là không chính xác vì một lĩnh vực nghề nghiệp cần nhân lực của nhiều ngành khác nhau. Bên cạnh đó, không ít học sinh chưa xác định rõ sở thích và năng lực bản thân nên gặp nhiều lúng túng trong chọn ngành học.

Phải chọn ngành mình đam mê

Theo PGS.TS Bùi Hoàng Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành và nghề có những điểm liên quan và không liên quan. Một ngành học xong có thể làm được rất nhiều nghề và có thể học nhiều ngành để làm một nghề.

TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng ngàn sinh viên bị đình chỉ, buộc thôi học, bỏ học hằng năm ở các trường là do chọn sai ngành dẫn đến chán nản, không muốn học hoặc không đủ sức học.

“Các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về ngành học, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Các bạn nên có lựa chọn theo quyết định của chính mình, không nên theo số đông, không chọn theo cảm tính” – thầy Hạ khuyên.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – tư vấn: “Trong chọn ngành, trước hết phải chọn ngành mình đam mê. Nếu không đam mê sẽ không hoàn thành tốt việc học được. Bên cạnh đam mê cũng cần xét tới yếu tố năng lực học tập và tài chính.

Nếu em đam mê ngành hot, điểm cao nhưng học lực trung bình, hoặc muốn vào trường có học phí cao trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn thì lựa chọn đó sẽ không phù hợp.

Hiện nay, một ngành học được đào tạo ở rất nhiều trường khác nhau. Nếu điểm không đủ sức vào trường tốp trên có thể chọn trường tốp dưới. Tôi khuyên các em nên chọn ngành mình yêu thích, có đam mê để học”.

Nên đăng ký nguyện vọng ra sao?

Việc đăng ký nguyện vọng hợp lý sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào đúng ngành, trường mà mình thích nhất. Bên cạnh đó, việc đặt thứ tự nguyện vọng chính xác cũng đảm bảo cho thí sinh cơ hội đậu vào các ngành gần, phù hợp với năng lực.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục – đào tạo), năm nay đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, trong xét tuyển đợt 1 thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. “Vì vậy thí sinh cần đăng ký nhiều hơn 1 nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển, các nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp”, bà Thủy khuyên.

Tương tự, với kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng, khác với các năm trước giới hạn mỗi trường được 3 nguyện vọng.

TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết thêm. “Đến thời điểm hiện tại, có đến 49 trường trong và ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM với 1.266 ngành học để thí sinh đăng ký nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên, từ cao xuống thấp. Sau khi kết quả thi đợt 1 được công bố, thí sinh có thể đăng ký bổ sung và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển”.

Đăng ký xét tuyển cùng lúc đăng ký dự thi

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022 sẽ tổ chức đăng ký xét tuyển cùng lúc đăng ký dự thi vào các đơn vị trong ĐH Quốc gia TP.HCM và mở rộng cho các đơn vị ngoài cùng tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH, CĐ ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực trực tuyến tại địa chỉ: http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/ từ nay đến ngày 28-2.

Ngoài ra, đối với các trường ĐH, CĐ ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM không tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh cần xem thông tin xét tuyển trên website của các trường.

TRẦN HUỲNH
TTO