Cùng gỡ ‘nút thắt’ đưa trẻ đến trường

Cùng gỡ ‘nút thắt’ đưa trẻ đến trường

Nút thắt lớn nhất của ngành giáo dục chính thức được gỡ từ hôm nay (14-2) khi hàng triệu học sinh mầm non, tiểu học, lớp 6 của TP.HCM và nhiều địa phương trong cả nước trở lại trường sau nhiều tháng liền học ở nhà vì dịch COVID-19.

 

 

Cùng gỡ nút thắt đưa trẻ đến trường - Ảnh 1.

Giáo viên Trường tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, hướng dẫn các em học sinh lớp 1 cách đeo khẩu trang đúng cách sáng 14-2 – Ảnh: NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất được gỡ lại mở ra nhiều nút thắt khác…

“Đi học liệu có an toàn không? Lỡ trong lớp có F0 thì sao? Người lớn đi làm, tham gia các hoạt động cộng đồng được vì đã tiêm vắc xin, còn trẻ em đã được tiêm đâu mà “bình thường mới”? Lâu nay học ở nhà thoải mái quen rồi, giờ tới trường với khuôn phép, kỷ luật liệu trẻ có chịu được không?”… Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Mỗi câu hỏi là một nút thắt.

Đó là chưa kể băn khoăn, dự cảm đầy âu lo của nhiều người: Liệu cổng trường có được mở lại bền vững không, hay mở xong rồi đóng lại vì tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa biết sẽ như thế nào?

Băn khoăn, lo lắng, thận trọng là đúng! Cũng giống như làn sóng dịch thứ 4 vừa rồi, cả thành phố nai lưng ra chống dịch trong tâm thế nỗ lực, bình tĩnh nhưng cũng không hiếm lần bối rối, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, vì phải đối phó với những tình huống bất định, chưa từng có tiền lệ.

Trong một góc độ nào đó, cũng có thể ví đợt học sinh trở lại trường lần này giống như “làn sóng thứ 4” mà phần nổi là nỗi lo về an toàn trường học, còn tảng băng chìm là vô vàn vấn đề từ việc tổ chức dạy và học, chất lượng chuyên môn đến công tác nhân sự, nhất là việc thiếu hụt giáo viên, bảo mẫu mầm non, tiểu học…

Có những nỗi lo thuộc về tâm lý bình thường của con người, nhưng cũng có những nỗi lo xuất phát từ những bất định, dự cảm về những điều chưa xảy ra và cũng không biết sẽ xảy ra theo chiều hướng nào, như thế nào.

Cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln có câu nói nổi tiếng: “Cách tốt nhất để dự báo tương lai là hãy tạo ra nó”. Chúng ta có thể chưa biết điều gì sẽ xảy ra khi học sinh trở lại trường nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được thái độ, cách hành xử với những gì sẽ xảy ra.

Thái độ, cách hành xử đó là sự bình tĩnh, sự chấp nhận, sự hợp tác với nhà trường, với ngành y tế để cùng đưa trẻ trở lại trường an toàn. Có thể sẽ có những học sinh là F0 nhưng thay vì đưa nhà trường, thầy cô “lên sóng” trên mạng xã hội, cha mẹ sẽ điềm tĩnh cùng với nhà trường “xử lý khủng hoảng”.

“Thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối thì hãy cùng thắp lên một que diêm” là như vậy. Que diêm đó là niềm tin của phụ huynh, của xã hội vào ngành giáo dục; là sự chung tay của toàn xã hội, không để ngành giáo dục đơn độc trong cuộc chiến chống lại các nút thắt khi trẻ trở lại trường.

Que diêm đó cũng chính là mong mỏi của ngành giáo dục, mà người đứng đầu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đã gửi gắm trong thông điệp đầu năm mới ông đưa lên trang cá nhân của mình:

“Với ngành giáo dục, quãng thời gian đóng cửa trường học dài đằng đẵng vừa qua như một mùa đông u ám. Xuân đã sang, có một thứ cần khai mở, dứt khoát cần khai mở, đó là cổng trường học, để thầy cô đón học sinh tới trường học trực tiếp. Mong mọi điều tốt lành sẽ tới trong xuân này, mong xuân bình an, xuân tốt lành. Tất cả mọi người cùng chung tay cho một sự khai mở vô cùng cần thiết này của mùa xuân”.

NHẬT HUY
TTO