22/12/2024

Cha mẹ ‘giữ giùm’ tiền lì xì hay cho con toàn quyền chi tiêu?

Cha mẹ ‘giữ giùm’ tiền lì xì hay cho con toàn quyền chi tiêu?

Sau mỗi dịp tết, có nhiều trẻ đã trở thành “triệu phú” với rất nhiều tiền lì xì. Vậy số tiền này cha mẹ “tiêu giùm”, hay cho con bỏ heo tiết kiệm hay để con toàn quyền chi tiêu?

 

 

Những “triệu phú nhí” dùng tiền lì xì làm từ thiện

Chị Nguyễn Thị Xuân Hoa (ngụ tại Chung cư SaiGon Mia, huyện Bình Chánh, TP.HCM), cho biết tết năm nào con của chị (hiện học lớp 4) cũng nhận được khá nhiều tiền lì xì (tiền mừng tuổi). Toàn bộ số tiền này cùng với tiền ba mẹ cho trong năm, được con chị dùng để “nuôi heo đất”. Cứ đến cuối năm là chị Hoa lại cùng con “mổ heo”. Có năm số tiền lên tới vài chục triệu đồng. Con chị Hoa luôn sử dụng số tiền này để giúp đỡ người khó khăn.

Cha mẹ 'giữ giùm' tiền lì xì hay cho con toàn quyền chi tiêu? - ảnh 1
Con gái chị Xuân Hoa (trái) được ba mẹ hướng thiện từ nhỏ nên luôn dùng tiền lì xì để giúp đỡ người khó khăn  XUÂN HOA

Chẳng hạn cuối năm 2021, số tiền mà con chị Hoa tiết kiệm được là 34 triệu đồng, bé đã trích ra 1 triệu để chuẩn bị quà là bánh kẹo để chiêu đãi các bạn cùng lớp khi đi học trực tiếp trở lại. Sau đó, chị Hoa đã chở con tới chùa ủng hộ toàn bộ số tiền còn lại để các sư mua gạo, thực phẩm, sách vở cho trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi cha mẹ vì dịch Covid-19.

“Từ lúc con còn rất nhỏ, vợ chồng tôi đã hướng cho con sử dụng tiền lì xì và tiền tiết kiệm vào những việc như thế. Mỗi lần đập heo và mang tiền đi tặng cho người nghèo, tôi thấy con rất vui vì con biết đó là việc ý nghĩa. Tôi cũng kể chuyện này lên trang Facebook cá nhân để muốn lan tỏa năng lượng tích cực đến các phụ huynh khác, để tinh thần “lá lành đùm lá rách“, tinh thần hướng thiện được nhân rộng nhiều hơn”, chị Hoa chia sẻ.

Cha mẹ 'giữ giùm' tiền lì xì hay cho con toàn quyền chi tiêu? - ảnh 2
Con gái chị Hoa (váy đen) lễ phép lì xì cho những người dọn dẹp chùa  X.H

Trong khi đó, anh Trần Minh Tuấn (công tác tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM), sau mỗi tết vợ chồng anh và các con đều ngồi lại tổng kết số tiền lì xì các con đã nhận được. Dù ít hay nhiều, anh và vợ đều hỏi ý kiến của 2 con là muốn gửi ba mẹ hay tự quản, dự định tiền này sẽ chi tiêu thế nào?

Cha mẹ 'giữ giùm' tiền lì xì hay cho con toàn quyền chi tiêu? - ảnh 3
Hai con gái của anh Trần Minh Tuấn nhận tiền lì xì từ bà nội.  MINH TUẤN

“Thông thường là hai bạn nhỏ không giữ hết tiền lì xì mà phần lớn gửi cho ba mẹ giữ giùm. Tôi và vợ đã hướng dẫn các con sử dụng tiền ấy sao cho hợp lý nhất. Một phần sẽ chi vào các khoản trong quá trình học tập như mua sách vở, hoặc quà sinh nhật cho các thành viên trong nhà… Và phần còn lại chủ yếu tôi khuyến khích con dùng tiền đó giúp các bạn vượt khó trong học tập, cứu trợ lũ lụt, hoặc tham gia các chuyến đi từ thiện. Tôi dạy con hiểu là còn rất nhiều người khó khăn nên các con không được phung phí đòi mua này mua kia mà chỉ mua sắm khi thật sự cần thiết”, anh Minh Tuấn cho biết.

Lập sổ tiết kiệm đứng tên con để dạy con cách tích lũy

Với anh Nguyễn Hữu Công (công tác tại Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn), từ khi con anh 6 tuổi, vợ chồng anh đã thống nhất để con tự giữ số tiền đó bằng cách bỏ vào heo đất. Rồi trong năm đó, nếu con anh có thêm khoản tiền nào khác như tiền học bổng Nguyễn Hữu Cảnh, tiền ngày quốc tế thiếu nhi, tiền học sinh giỏi… thì cũng bỏ heo để tiết kiệm. Đến ngày sinh nhật, con anh vào cuối năm, vợ chồng anh cùng con đập heo.

Cha mẹ 'giữ giùm' tiền lì xì hay cho con toàn quyền chi tiêu? - ảnh 4
Con gái anh Công (áo dài hồng) được người nhà lì xì đầu năm  HỮU CÔNG

Anh Công chia sẻ: “Con tôi luôn dùng một phần số tiền đó để tặng cho ba mẹ một chiếc áo mới chẳng hạn. Chúng tôi rất vui vì con biết quan tâm cha mẹ, và nhận thấy con cũng hạnh phúc vì điều đó. Có năm tôi khuyến khích con dùng tiền đó làm một vài việc từ thiện nhỏ. Bắt đầu từ năm 2021, đập heo xong, tôi gom toàn bộ số tiền để mở một sổ tiết kiệm cho con và đứng tên con luôn. Tôi muốn tập cho con tính tự lập và hiểu được giá trị của đồng tiền thông qua số tiền này”.

Nói về việc dạy con kiến thức tài chính từ tiền lì xì, anh Hoàng Anh Tú, phụ huynh có con học Trường Vinschool (Hà Nội), nêu quan điểm: “Trẻ con ở nhiều nước đều được học IQ tài chính khi còn rất nhỏ trong khi ở Việt Nam, trẻ thường hiểu về đồng tiền chưa được đầy đủ. Tôi vẫn mong thay vì bỏ heo đất hay “để mẹ giữ cho”, xin hãy cùng con lập tài khoản ngân hàng. Nếu mỗi đứa trẻ đều được cha mẹ tạo cho một tài khoản ngân hàng từ khi bé để được học về tích lũy tiền, cách chi tiêu tiền hợp lý và lớn hơn một chút, từ 14 – 19 tuổi sẽ học về đầu tư một khoản tiền theo cách nào để sinh lời”.

Theo anh Tú, cha mẹ dạy con cách tiếp nhận tiền mừng tuổi cũng vô cùng quan trọng để sau đó con biết trân trọng giá trị của “cho” và “nhận”, trân trọng mỗi điều người khác dành cho mình dù đó là điều lớn lao hay bé nhỏ. “Khi biết trân trọng thì con sẽ học cách sử dụng đồng tiền lì xì vào những việc phù hợp, ý nghĩa mà hoàn toàn vui vẻ”, anh Tú nhận định.

MỸ QUYÊN

TNO