22/12/2024

Ăn Tết Nguyên đán: Sao người mẹ, người vợ cứ phải là người nấu ăn, rửa chén?

Ăn Tết Nguyên đán: Sao người mẹ, người vợ cứ phải là người nấu ăn, rửa chén?

Tết nào cũng có mấy agency nhờ viết các bài kêu gọi mẹ hãy ăn Tết thảnh thơi, hãy sống vì mình đi, hãy đừng cắm đầu bỏ củi nấu bánh chưng, giã giò với kho thịt kho tàu đêm ngày nữa.

 

 

 

Nghe thì có vẻ nữ quyền, quan tâm lắm. Tôi cũng hào hứng với các thông điệp này, nên năm nào có bài cũng viết. Nhưng viết mãi 5-6 năm rồi, mà Tết nào tất cả các nhãn hàng cũng phải gào lên hãy thảnh thơi đi là biết chẳng có bà mẹ nào thảnh thơi đủ rảnh để đọc mấy cái quảng cáo đó.

Rồi nếu mà bà mẹ thảnh thơi quá thì đào đâu ra bánh chưng, mâm cỗ cho những đứa con post hình Facebook 24/7?

Ăn Tết Nguyên đán: Sao người mẹ, người vợ cứ phải là người nấu ăn, rửa chén? - ảnh 1
Gắn kết ngày Tết bằng những bữa ăn, cuộc vui. Nhưng ai là người dọn dẹp sau đó nếu không là các mẹ, các bà vợ  ẢNH MINH HỌA

Rồi lỡ mà bà mẹ thảnh thơi quá rồi nhiều con cháu trở về nhà quê há mồm ra chờ sung rụng cho no hay gì?

Hãy tưởng tượng sáng mùng Hai, quan viên hai họ 13 đứa cháu với ba bốn vợ chồng qua chúc Tết, không lẽ bà mẹ bảo, mình đi ăn phở không các con, xong rủ cả nhà ra tiệm phở ăn một bữa rồi về. Khỏi rửa chén.

Rồi lỡ bà mẹ rảnh rỗi ngồi oánh bài vui xuân đầu xóm với mấy chị hàng xem thì đứa nào ba chân bốn cẳng vô dọn mâm nhậu cho ông bố rủ những người bạn tới chén chú chén anh?

Ăn Tết Nguyên đán: Sao người mẹ, người vợ cứ phải là người nấu ăn, rửa chén? - ảnh 2
Tết Việt với nhiều gia đình, phụ nữ là người tất bật lo toan nhiều nhất  ẢNH MINH HỌA
Ăn Tết Nguyên đán: Sao người mẹ, người vợ cứ phải là người nấu ăn, rửa chén? - ảnh 3
Khi các ông chồng, người cha trong nhà tự dọn dẹp, tự nấu ăn thì người vợ người mẹ mới thảnh thơi ăn Tết  ẢNH MINH HỌA

Hãy tưởng tượng cảnh ông bố đi chúc tết về rủ theo vài người bạn về làm “tăng hai”. Về đến nhà ông hét, “người đâu, dọn cỗ”, xong ông với bạn hùng hục vô bếp hâm lại thịt gà, bỏ thịt kho tàu vô microwave, xong hai người bạn khác thì gắp dưa mắm bỏ ra đĩa. Sau đó cả bọn chén thù chén tạc đến đêm khuya, rồi sau khi tiệc tàn hoa rữa, ông bố mặc quần đùi cặm cụi rửa chén sau nhà.

Rồi để cho Tết thảnh thơi, bây giờ mình làm bộ là mẹ mình rất là rảnh đi, rất ư là thảnh thơi. Bà tuyệt đối không rửa chén, làm bánh, xào rau gì hết, nói chung là không đụng vào bếp núc. Trong khung cảnh thảnh thơi này, chắc là các con dâu đang rửa chén thay bà sau khi các ông chồng của các cô ăn xong. Hoặc những con trai của bà đang cắt tiết gà và đuổi bọn gà chạy sấp mặt trong vườn. Hoặc chồng bà, người đàn ông quyết để vợ ăn Tết thảnh thơi, đang đi siêu thị mua tất cả mọi thứ đóng gói mang về, dõng dạc hét lớn, “không có nấu nướng gì hết! Tết thảnh thơi”

Ăn Tết Nguyên đán: Sao người mẹ, người vợ cứ phải là người nấu ăn, rửa chén? - ảnh 4
Ăn Tết Nguyên đán: Sao người mẹ, người vợ cứ phải là người nấu ăn, rửa chén? - ảnh 5
Đàn ông có nấu ăn, rửa chén thay vợ những ngày Tết  ẢNH MINH HỌA

Vậy đó. Cái thông điệp nghe thật nữ quyền và cấp tiến mà tôi và rất nhiều đồng nghiệp từng viết cho mỗi mùa Tết đó, nó hàm chứa sự biến động trong quan hệ gia đình ở tầng thấp nhất: Ta ăn gì với nhau ngày Tết? – Khi bữa ăn là nền tảng để mọi người có thể trò chuyện, có thể kết nối, có thể biết ta còn thương nhau bao nhiêu. Cái nền tảng đó đòi hỏi tất cả những người ngồi xuống cỗ Tết đều phải học cách chịu trách nhiệm một phần để mối quan hệ đó không trở thành gánh nặng của riêng ai. Nó đòi hỏi mỗi đứa cháu biết mình có cỗ Tết là từ đâu, mỗi đứa con hiểu không phải cứ xì tiền ra cắp cặp về là nhà sẵn tiệc Giao thừa, mỗi ông chồng hiểu rằng không phải cứ hét lớn “người đâu!” là đồ ăn tự bò lên mâm, mỗi đứa con trai con gái đều phải dự phần vào mối quan hệ gắn bó đó, để Tết được thành hình, để tổ ấm là nơi trở về.

Nhưng trở về không phải để thảnh thơi, không phải để nhậu tàn canh gió lạnh, không phải để rửa bát mãn tuổi xuân, mà là để biết nhau là một gia đình và ta có một gia đình.

KHẢI ĐƠN

TNO